Cảnh giác loãng xương do thuốc

Loãng xương là một bệnh lý thường gặp xảy ra do có sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương trong cơ thể. Hiện nay, có rất nhiều yếu tố cũng như nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương, đặc biệt trong số đó là sử dụng thuốc không đúng cách. Vậy loãng xương do thuốc là gì và có những thuốc gây loãng xương nào?

1. Bệnh loãng xương là bệnh gì ?

1.1. Định nghĩa

Loãng xương (Osteoporosis) là một bệnh lý xảy ra do rối loạn chuyển hoá xương của cơ thể, biểu hiện chính là tình trạng giảm mật độ khoáng của xương, đồng thời xảy ra các tổn thương giáng hóa cấu trúc, tổ chức xương. Hậu quả của quá trình này là sức mạnh của xương bị giảm đi, từ đó xương của người sẽ trở nên dễ tổn thương hơn.

Tại nước ta, loãng xương có số lượng bệnh được thống kê chỉ xếp sau các bệnh lý về tim mạch. Loãng xương là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là ở độ tuổi sau mãn kinh. Nam giới trên 50 tuổi cũng có thể mắc tình trạng này, tuy nhiên tỉ lệ ít hơn nhiều so với nữ giới.

1.2. Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của loãng xương

Nguyên nhân chính của loãng xương là những yếu tố có thể làm quá trình tạo xương bình thường hoặc giảm trong khi quá trình hủy xương diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương thường gặp là:

  • Bệnh nhân lớn tuổi tuổi.
  • Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh loãng xương cao hơn đàn ông.
  • Người có cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình từng bị loãng xương hoặc bị gãy xương do loãng xương.
  • Thiếu các chất như Canxi, Vitamin D, Magie, Phospho...trong chế độ ăn hằng ngày.
  • Thể trạng thấp còi, suy dinh dưỡng, kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, bệnh lý gây kém hấp thu dinh dưỡng thường bị loãng xương sớm.
  • Ít hoạt động thể lực, lười vận động, người phải bất động trong thời gian lâu do tính chất nghề nghiệp hoặc do bệnh tật.
  • Sử dụng thường xuyên các chất kích thích, rượu bia, cà phê, thuốc lá...
  • Phụ nữ bị mãn kinh sớm.
  • Hội chứng Cushing.
  • Mắc các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, Lupus ban đỏ hệ thống, cường giáp, cường cận giáp trạng, bệnh lý tuyến thượng thận, suy thận mạn, bệnh lý mạn tính đường tiêu hoá, bệnh lý huyết học...
  • Sử dụng các thuốc như thuốc: là một yếu tố nguy cơ thường gặp và sẽ được trình bày rõ ràng hơn ở phần bên dưới.

2. Loãng xương do thuốc

Tất cả những loại thuốc trên thị trường đều có ít nhất một vài tác dụng phụ, và một trong số đó là có thể gây loãng xương. Việc sử dụng thuốc không đúng cách, không được tư vấn của bác sĩ điều trị, tự thay đổi liều lượng, cách dùng... đều có thể dẫn đến loãng xương. Sau đây là một số loại thuốc thường gặp có tác dụng phụ làm phá vỡ sự cân bằng của quá trình tạo xương và hủy xương, từ đó làm tăng nguy cơ loãng xương.

2.1. Corticoid

Các loại thuốc Corticoid như Hydrocortison, Cortison, Prednisolon, Betamethasone, Dexamethasone, Triamcinolon...là những thuốc gây loãng xương gặp phổ biến nhất. Nguy cơ gãy xương phụ thuộc vào liều dùng và thời gian sử dụng thuốc, một sống trường hợp gãy xương cũng có thể xảy ra ngay khi mới điều trị. Cụ thế có khoảng 30 - 50% bệnh nhân điều trị bằng Corticoid dài ngày bị loãng xương hay gãy xương do loãng xương. Corticoid dễ ảnh hưởng nhiều nhất đến các xương, do đó gãy xương thường xảy ra ở những vị trí tập trung nhiều xương xốp như cổ xương đùi hay đốt sống.

Loãng xương do sử dụng Corticoid xảy ra do tăng quá trình hủy xương và giảm sự tạo xương. Mật độ xương thường giảm trong 3 tháng đầu và đạt cực đại sau 6 tháng. Sau đó sẽ diễn ra chậm nhưng có thể trở nên nghiêm trọng nếu tiếp tục sử dụng thuốc. Gãy xương liên quan đến loãng xương do điều trị bằng Corticoid xảy ra ở mức mật độ xương cao hơn khi so với gãy xương do loãng xương ở phụ nữ mãn kinh, vì thế không áp dụng cách điều trị loãng xương sau mãn kinh trong trường hợp này.

2.2. Thuốc chống đông

Điều trị bằng Heparin dài ngày làm tăng nguy cơ loãng xương, đồng thời do chất này lắng đọng trong xương nên mật độ xương đã giảm rất khó có thể trở về mức bình thường được. Có tới khoảng 1/3 bệnh nhân sử dụng Heparin lâu ngày có mật độ xương giảm và khoảng 2 – 3 % bệnh nhân bị gãy xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp nhất khi sử dụng Heparin là gãy đốt sống..

Thuốc chống đông Warfarin có thể làm giảm mật độ xương vì cơ chế kháng Vitamin K, chất rất cần thiết cho quá trình Carboxyl hóa protein của khung xương, do đó sự thiếu hụt nồng độ Vitamin K làm giảm mật độ xương. Tuy nhiên, bản chất của cơ chế này vẫn còn có nhiều tranh cãi.

Thuốc ức chế yếu tố Xa không gây ảnh hưởng lên tuổi thọ của các tế bào tạo xương, điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Các báo cáo cho thấy nguy cơ loãng xương giảm đáng kể khi sử dụng Fondaparinux (một loại thuốc ức chế yếu tố Xa) so với Heparin.

2.3. Medroxyprogesteron acetat dạng dự trữ dưới da - DMPA

Medroxyprogesteron acetat dạng dự trữ dưới da (DMPA) là thuốc tránh thai dùng đường tiêm bắp và được tiêm nhắc lại với chu kỳ sau khoảng 11 - 13 tuần. Về mặt cơ chế, thuốc DMPA ức chế sự hoạt động của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng, làm ức chế việc sản xuất estrogen, hoạt chất kích thích làm tăng mật độ xương, của buồng trứng. Đồng thời, Hormone Estrogen còn có tác dụng làm tăng nồng độ Calci máu thông qua việc tăng hấp thu Calci ở ruột và tăng tái hấp thu Calci ở ống thận, vì thế việc giảm Estrogen ảnh hưởng gián tiếp làm giảm Calci máu. Loãng xương do sử dụng thuốc DMPA được đặc trưng ở những vị trị như cột sống hoặc xương hông.

Yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng mất xương ở bệnh nhân sử dụng thuốc DMPA bao gồm sử dụng rượu bia thường xuyên, chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp, chế độ ăn ít Calci và giảm cân trong khi sử dụng thuốc DMPA.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khuyến cáo nên dừng thuốc DMPA sau 2 năm sử dụng. Bên cạnh đó, Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo cân nhắc khi sử dụng thuốc.

2.4. Thuốc ức chế Aromatase

Thuốc ức chế Aromatase thường dùng để điều trị cho người mắc ung thư vú đã được điều trị bằng thuốc Tamoxifen một vài năm hoặc sau mãn kinh có dương tính thụ thể Estrogen sau phẫu thuật. Khác với thuốc Tamoxifen, tác dụng bảo vệ xương giống Hormone estrogen, thuốc ức chế Aromatase gây mất xương thông qua việc ức chế quá trình đóng vòng thơm của các Hormon Androgen, làm giảm lượng nồng độ Estrogen ngoại xuống thấp, hậu quả là làm mật độ xương giảm nhanh. Hầu hết tình trạng mất xương diễn ra trong vòng 12 tháng đầu tiên sử dụng thuốc ức chế Aromatase.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gãy xương khi sử dụng thuốc ức chế Aromatase như BMI thấp (< 20), tuổi cao (≥ 65 tuổi), hút thuốc lá, chỉ số T-score dưới -1.5, tiền sử loãng xương, sử dụng Corticoid trên 6 tháng.

2.5. Dẫn chất Thiazolidinedione

Điều trị bằng dẫn chất Thiazolidinedione có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên mật độ xương. Không khuyến cáo sử dụng dẫn chất Thiazolidinedione trên những người bị loãng xương hoặc có nguy cơ cao gãy xương.

Các yếu tố nguy cơ gây gãy xương khi điều trị bằng dẫn chất Thiazolidinedione bao gồm phụ nữ, người ≥ 65 tuổi và sử dụng thuốc kéo dài. Phụ nữ mãn kinh sử dụng dẫn chất Thiazolidinedione thấy mật độ xương ở đốt chuyển, cột sống thắt lưng, xương hông và cổ xương đùi bị giảm sau thời gian điều trị lâu ngày.

2.6. Các thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) làm tăng nguy cơ gãy xương hông ở những bệnh nhân có nguy cơ gãy xương. Một số nghiên cứu lớn cho thấy nguy cơ gãy xương tăng lên trong trường hợp sử dụng thuốc ức chế bơm proton dài ngày (khoảng trên 1 năm), nhưng ảnh hưởng này không tỷ lệ với liều dùng của thuốc.

Calci là hoạt chất cần môi trường acid để có thể hấp thu tối đa. Tuy nhiên, thuốc ức chế bơm proton (PPI) làm giảm độ acid của dịch vị có thể cản trở sự hấp thu Calci do hoạt chất này cần môi trường acid để có thể hấp thu tối đa. Giảm hàm lượng Calci của cơ thế là cơ chế góp phần làm tăng nguy cơ gãy xương do thuốc PPI.

2.7. Thuốc lợi tiểu quai

Thuốc lợi tiểu quai có thể làm giảm mật độ xương thông qua cơ chế làm tăng đào thải Calci qua thận. Quá trình này làm dẫn đến giảm nồng độ Calci máu, điều này làm cơ thể phải huy động Calci từ xương để bù lại nồng độ trong máu, do đó gây ra tình trạng mất xương. Tỷ lệ mất xương trên những bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu quai liên tục cao hơn so với những bệnh nhân dùng thuốc không liên tục.

2.8. Cyclosporin

Thuốc Cyclosporin cũng là một tác nhân làm tăng hủy xương In vivo. Do thuốc Cyclosporin thường được dùng chung với các thuốc Corticoid nên khó có thể xác định được mức độ ảnh hưởng bất lợi thật sự lên xương của Cyclosporin. Tình trạng loãng xương phụ thuộc vào thời gian và liều lượng sử dụng thuốc Cyclosporin. Thuốc Tacrolimus ít gây ảnh hưởng bất lợi và ít gây độc lên xương hơn thuốc Cyclosporin. Cần cân nhắc sử dụng các thuốc chống hủy xương cho những bệnh nhân bắt buộc phải điều trị bằng thuốc Cyclosporin.

2.9. Thuốc kháng Retrovirus (ARV)

Điều trị bằng thuốc kháng Retrovirus - ARV như Lamivudin, Zidovudin...có thể gây giảm mật độ xương, với tỷ lệ khoảng 2 - 6% trong vòng 2 năm đầu tiên. Đồng thời, sử dụng thuốc kháng Retrovirus - ARV trên bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS làm nguy cơ loãng xương cao gấp 2 lần so với những bệnh nhân không sử dụng ARV.

2.10. Kháng sinh

Một số loại kháng sinh cũng có tác dụng phụ làm giảm mật độ xương như Tetracyclin. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng Tetracyclin với hàm lượng cao và thời gian dài có thể gây loãng xương.

2.11. Thuốc chống động kinh

Các thuốc chống động kinh như Phenobarbital, Phenytoin... làm tăng nồng độ các Enzym Oxydase, Hydroxylase ở gan từ đó gây ức chế gan chuyển hóa Vitamin D thành dạng có hoạt tính. Vitamin D là một chất giúp Calci hấp thu vào cơ thể.

2.12. Levothyroxine

Thuốc Levothyroxin là dạng hoạt chất tổng hợp của Thyroxin, Hormone do tuyến giáp sinh ra. Khi sử dụng levothyroxin liều cao hoặc trong một thời gian dài có thể làm gia tăng quá trình đào thải Calci ở xương, từ đó gây ra loãng xương.

2.13. Nhóm thuốc chống ung thư

Các loại thuốc chống ung thư như Doxorubicin, Methotrexat...được sử dụng trong hóa trị liệu và một khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ ngăn chặn quá trình tạo xương của cơ thể và cuối cùng là gây ra loãng xương. Vì vậy, đối với bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa trị bằng các thuốc trên cần phải hết sức thận trọng với nguy cơ này.

Loãng xương là một bệnh lý cơ xương khớp khá phổ biến, gây ra những ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây loãng xương, sử dụng thuốc bừa bãi, không đúng cách là một trong số đó. Bệnh nhân có nguy cơ bị loãng xương cần tránh các loại thuốc này, đồng thời đến khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa, để vừa được sử dụng thuốc an toàn vừa nâng cao được hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

118 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Aritrodex
    Công dụng thuốc Aritrodex

    Thuốc Aritrodex được sử dụng trong điều trị ung thư vú với thành phần chính là Anastrozol. Bài viết dưới đây chia sẻ thêm những thông tin hữu ích về dòng thuốc Aritrodex.

    Đọc thêm
  • teniposide
    Công dụng thuốc Teniposide

    Thuốc Teniposide thuộc nhóm thuốc chống ung thư và là thuốc dùng đơn trị hoặc dùng kết hợp với các thuốc chống ung thư khác trong điều trị bệnh u lympho và bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. Để hiểu ...

    Đọc thêm
  • Carbotenol
    Công dụng thuốc Carbotenol

    Carbotenol là thuốc được chỉ định trong điều trị ung thư buồng trứng, phổi cùng một số bệnh lý ung thư thường gặp khác. Do thuốc có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng ...

    Đọc thêm
  • Moliavex
    Công dụng thuốc Moliavex

    Thuốc Moliavex là thuốc chống ung thư, thuộc nhóm taxan. Vậy cách sử dụng thuốc Moliavex như thế nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc này? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Moliavex ...

    Đọc thêm
  • Baxmune 500
    Công dụng thuốc Baxmune 500

    Baxmune 500 thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch. Thuốc thường được chỉ định trong dự phòng các phản ứng thải ghép ở những bệnh nhân được ghép thận dị thận. Cùng theo ...

    Đọc thêm