Bị đau lưng dưới gần mông ở nam giới, vì sao?

Đau lưng dưới gần mông là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi, đối tượng hay gặp là ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Nguyên nhân gây đau dưới gần mông có thể là do vận động sai tư thế hoặc lao động quá sức. Ngoài ra, đau lưng dưới gần mông ở nam giới có thể là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường.

1. Đau lưng dưới gần mông là gì?

Đau lưng dưới gần mông là tình trạng các cơn đau lưng xuất hiện ở vùng lưng dưới kéo dài xuống tận hông và mông, từ đốt sống L1 – L5 đau lan tê dọc theo hông sau, mông, chân và hạn chế vận động. Cảm giác đau có thể xuất hiện đột ngột, chỉ gây khó chịu rồi biến mất nhưng thường xuyên lặp lại khi thay đổi thời tiết hoặc khi vận động sai tư thế. Tùy vào nguyên nhân và triệu chứng bị đau lưng dưới gần mông của mỗi người bệnh sẽ có sự khác nhau, cụ thể:

  • Đau âm ỉ, nhức nhối tại vùng thắt lưng kèm theo các cơn co thắt cơ, căng tức ở hông và xương chậu và mông.
  • Đau nhói, bỏng rát, tê hay ngứa râm ran từ thắt lưng tới mông, chân, mặt sau đùi, cẳng chân, bàn chân.
  • Yếu chân hoặc bàn chân, dọc theo vị trí đường đi của dây thần kinh tọa.
  • Đau chói ở bàn chân hay các ngón chân.
  • Cơn đau lưng dưới trở nên khó chịu và nghiêm trọng khi người bệnh ngồi hoặc đứng lâu.
  • Cơn đau lưng dưới gần mông trở nặng vào đêm và buổi sáng, giảm dần sau khi vận động như đứng dậy hoặc di chuyển.

2. Bị đau lưng dưới gần mông liên quan đến những bệnh gì?

Một số bệnh lý sau đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị đau lưng dưới gần mông:

2.1 Thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi do các đốt sống bị thoái hóa, cọ xát với dây thần kinh khiến vùng lưng dưới gần mông trở nên đau nhức. Cơn đau thường xuất hiện vào buổi tối, càng về đêm cơn đau càng dữ dội, càng lạnh càng đau nhiều hơn.

2.2 Co cứng cơ lưng dưới

Co cơ, căng cơ là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới đau lưng. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau khi vận động vùng lưng dưới kèm triệu chứng sưng tấy, bầm tím và hạn chế vận động bị. Để cải thiện tình trạng đau lưng gần mông, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, chườm đá hay đeo đai thắt lưng.

2.3 Thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra tình trạng đau lưng dưới gần mông thường xuất hiện ở nam giới, trong độ tuổi 35 – 50 tuổi. Đĩa đệm cột sống lưng giống như lò xo giữa 2 đốt sống, khi bị thoát vị đĩa đệm của người bệnh không thể đảm đương vai trò giảm xóc, nâng đỡ phần trên, cho phép cơ thể di chuyển theo mọi hướng. Nhân nhầy của đĩa đệm bị thoát ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng chèn ép lên các rễ thần kinh gây ra hiện tượng tê bì.

2.4 Đau thần kinh tọa

Các cơn đau thần kinh tọa thường xuất hiện đột ngột và nhanh chóng biến mất. Người bệnh có thể bị đau tập trung ở lưng dưới gần mông bên trái hay bên phải, đau bắt đầu từ vùng lưng lan xuống đùi, mông và một bên chân.

2.5 Gai đôi cột sống thắt lưng

Gai đôi cột sống thắt lưng là bệnh lý gây ra tình trạng đau lưng dưới gần mông có triệu chứng đặc trưng là đau vùng thắt lưng dưới mông, đùi hay bàn chân. Nguyên nhân gây bệnh thường là do ngồi sai tư thế, thói quen sinh hoạt không khoa học gây ra.

2.6 Chèn ép rễ, dây thần kinh

Triệu chứng: Đau lưng dưới lan xuống mông và 2 chân là biểu hiện đặc trưng của tình trạng dây thần kinh bị chèn ép. Nguyên nhân là do dây thần kinh chịu quá nhiều áp lực từ các mô xung quanh như xương, sụn, cơ hay dây chằng, đĩa đệm. Áp lực này phá vỡ chức năng của dây thần kinh, gây đau, tê bì, ngứa râm ran, tê yếu. Đây là một bệnh lý nguy hiểm nếu không can thiệp kịp thời rất dễ dẫn tới nguy cơ bại liệt.

2.7 Thừa cân, béo phì

Người bệnh thừa cân, béo phì rất dễ mắc phải các bệnh về xương khớp, bao gồm cả các cơn đau lưng dưới ở vị trí gần mông. Khi trọng lượng cơ thể vượt quá mức chịu đựng của hệ xương khớp, khiến cột sống phải chịu quá nhiều áp lực, lâu ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động, hạn chế việc đi lại của người bệnh.

2.8 Chấn thương cột sống thắt lưng

Các chấn thương cột sống trong sinh hoạt, lao động, giao thông, thể dục thể thao gắng sức nếu không điều trị đúng cách rất dễ làm tổn thương xương khớp nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng đau vùng lưng dưới gần mông trở thành bệnh phổ biến hiện nay.

3. Những lưu ý khi bị đau lưng dưới gần mông

Khi bị đau lưng dưới gần mông kèm với các triệu chứng dưới đây, bạn nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp và xử trí kịp thời:

  • Rối loạn đại tiểu tiện do mất kiểm soát bàng quang và ruột.
  • Sụt cân nhanh chóng, tê bì và yếu 1 hoặc 2 chân.
  • Sốt cao, sợ lạnh hay đau khi ho, khi tiểu tiện.
  • Đau bụng từng cơn và dữ dội

3.1 Chẩn đoán đau lưng dưới gần mông

  • Chụp X-quang: Kết quả chụp X-quang sẽ cho phép bác sĩ xác định chính xác vị trí tổn thương xương hay những vấn đề khác của cột sống.
  • Chụp MRI và chụp CT: Các phương pháp này giúp bác sĩ xác định vị trí tổn thương ở các mô mềm như đĩa đệm giữa các đốt sống, những khối u tiềm ẩn.
  • Đo điện cơ (EMG): Là phương pháp giúp bác sĩ đánh giá tốt hơn các tổn thương gây đau lưng dưới gần mông liên quan tới thần kinh hay cơ bắp.

3.2 Biện pháp khắc phục cơn đau lưng dưới gần mông

Dùng thuốc giảm đau, chống viêm và giãn cơ:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC): Aspirin, Ibuprofen , Acetaminophen. Thuốc giảm đau có thể giảm nhanh những biểu hiện đau lưng dưới do viêm dây thần kinh hoặc cơ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giảm đau tạm thời, người bệnh không nên lạm dụng hoặc tự ý gia tăng liều lượng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc Cyclobenzaprine giúp giảm bớt co cứng cơ và đau do chuột rút. Tuy nhiên, thuốc chỉ được kê đơn trong thời gian ngắn khoảng 2- 3 tuần.

Chườm lạnh:

Sau khi chấn thương cấp tính, trong khoảng 48 giờ đầu, liệu pháp chườm lạnh nên được được thực hiện càng sớm càng tốt. Hơi lạnh sẽ làm chậm tiến trình viêm sưng, đồng thời sẽ làm gián đoạn phản ứng co thắt gây đau giữa những dây thần kinh. Người bệnh lưu ý không nên chườm đá trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh, nên dùng khăn bọc đá lại hoặc sử dụng túi chườm. Thời gian mỗi lần chườm chỉ từ 15 – 20 phút.

Đeo đai thắt lưng:

Mang đai, nẹp thắt lưng giúp người bệnh kiểm soát những tư thế xấu khi sinh hoạt đồng thời làm giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống, qua đó tránh được các tình huống làm gia tăng cơn đau.

Châm cứu:

Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc, giúp điều chỉnh “khí” thích hợp trong cơ thể của người bệnh, qua đó hỗ trợ giảm đau, giúp vùng cơ bị bó nghẽn được giãn ra, máu và khí huyết lưu thông tốt hơn, kích thích bài tiết thải độc tố ra ngoài, tăng lượng oxy trong máu.

Vật lý trị liệu:

Vật lý trị liệu là phương pháp trị liệu không dùng thuốc, nó có tác dụng làm giảm áp lực nội đĩa đệm cột sống, giúp giảm đau lưng dưới. Những liệu pháp trị liệu thường được sử dụng là kéo giãn cột sống, sóng ngắn, siêu âm... Ngoài ra, để gia tăng hiệu quả điều trị, bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn thực hiện những bài tập phù hợp: gập người, đạp xe, cúi người.

Chế độ ăn uống, luyện tập thể thao khoa học:

Người bệnh nên đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ chất dinh dưỡng chất cần thiết. Trong đó, canxi, D3 là dưỡng chất vô cùng quan trọng, giúp tăng cường sự chắc khỏe cho xương khớp. Những thực phẩm giàu canxi nên có trong thực đơn mỗi ngày như: sữa, trứng, phô mai, sữa chua, cải xoăn, đậu phụ, đậu bắp, cá...

Ngoài ra, hạn chế tuyệt đối các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, chứa nhiều chất béo cần được hạn chế để ngăn ngừa tình trạng béo phì, thừa cân.

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để giúp duy trì vóc dáng, sức khỏe, độ dẻo dai của xương khớp rất hiệu quả. Tùy theo thể trạng của mình, bạn có thể lựa chọn loại hình tập luyện phù hợp như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội...nên duy trì các bài tập thường xuyên, điều độ với lịch trình rõ ràng.

Tránh ngồi hay đứng quá lâu có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh đau lưng dưới gần mông. Vì thế, nếu phải ngồi một chỗ làm việc quá lâu, bạn có thể thay đổi bằng cách thỉnh thoảng đứng dậy vươn vai, đi lấy nước uống, thư giãn...

Nếu phải thường xuyên nâng vác vật nặng, bạn nên làm đúng tư thế hoặc nhờ sự trợ giúp từ máy móc, thiết bị, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe cá nhân.

Không hút thuốc lá: Bạn nên tập cai thuốc lá càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cũng nên tránh tới những nơi có nhiều khói thuốc lá vì thành phần nicotine trong thuốc lá khi thâm nhập vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ canxi và tuần hoàn máu, tạo cơ hội cho cơn đau nhức khởi phát.

Sử dụng đệm ngủ phù hợp: Đệm ngủ ảnh hưởng rất lớn tới khả nâng đỡ cột sống trong lúc ngủ nên chọn đệm ngủ chất liệu tốt, gối kê cao đầu vừa phải, để có một giấc ngủ ngon và bảo vệ cột sống.

Trên đây là những thông tin hữu ích về đau lưng dưới gần mông ở nam giới. Hy vọng với những kiến thức trên bạn có thể hiểu rõ về nguyên nhân gây đau lưng dưới và biện pháp phòng tránh để từ đó có thể hạn chế được tình trạng này. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn còn bất cứ câu hỏi thắc mắc nào liên quan đến đau lưng dưới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan