Những điều cần biết về Vắc-xin Quai bị

Bài được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Trần Thị Linh Chi - Phó Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hiện nay, vắc-xin quai bị đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào chương trình tiêm chủng kết hợp với vắc-xin sởi và rubella, và có tên gọi là vắc-xin MMR. Vậy sởi, quai bị, rubella được tiêm khi nào, tiêm phòng quai bị rồi có bị nữa không?.. Hãy cùng giải đáp những thắc mắc này qua bài viết sau.

Tại sao cần phải tiêm phòng vắc-xin quai bị?

Quai bị là bệnh nhiễm trùng tuyến nước bọt mang tai do virus ARN gây ra. Khi virus này lan xuống tinh hoàn thì bệnh được gọi là viêm tinh hoàn do quai bị. Trẻ em từ 5 – 9 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh này.

Quai bị ở trẻ
Trẻ từ 5 - 9 tuổi dễ mắc bệnh quai bị

Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi có thể làm virus quai bị bay ra và lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp cho người khác. Virus quai bị cũng có thể lây truyền qua việc tiếp xúc với nước tiểu của người bị nhiễm bệnh.

Mặc dù ít gặp nhưng bệnh quai bị có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở nam giới, biến chứng của viêm tinh hoàn do quai bị có thể gây ra vô sinh, nhiễm trùng não (hay còn gọi là viêm não), viêm màng não, suy giảm thính lực (hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra đối với những người bị bệnh quai bị ở mọi độ tuổi).

Do đó, tiêm phòng vắc-xin quai bị đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức y khoa ở các nước phát triển khuyến cáo đưa vào trong chương trình tiêm chủng để phòng chống bệnh. Cũng tương tự như rubella, những người chưa miễn dịch với bệnh, khi nhiễm virus quai bị có thể để lại gánh nặng bệnh tật nghiêm trọng.

Hiện nay, việc tiêm phòng vắc-xin quai bị được khuyến cáo đưa vào chương trình tiêm chủng ở trẻ nhỏ. Ở hầu hết các nước, vắc-xin phòng bệnh này được kết hợp với chương trình tiêm chủng vắc-xin quai bị - sởi - rubella (MMR). Đây là vắc-xin chứa virus sống giảm độc lực, tức là virus sống nhưng đã được làm suy yếu để không gây bệnh thực sự.

Khi nào thì tiêm vắc-xin quai bị - sởi – rubella?

  • Đối với người lớn: tiêm phía trên bắp tay một liều duy nhất 0.5ml.
  • Đối với trẻ em: liều thứ nhất tiêm lúc trẻ 12 -18 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ trong khoảng từ 3-5 tuổi hoặc trước khi trẻ đi học. 2 liều nên được tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng. Trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể tiêm vắc-xin quai bị nếu đã bỏ qua liều thông thường. Tiêm ngừa trước khi trẻ được 12 tháng tuổi có thể không mang lại hiệu quả lâu dài, do đó trẻ cần được tiêm lại liều 2 để đảm bảo phòng tránh bệnh tốt .

Tác dụng phụ của vắc-xin quai bị - sởi - rubella

Việc tiêm phòng vắc-xin quai bị - sởi - rubella có thể gây ra một số phản ứng phụ thường gặp như:

  • Phát ban trên da
  • Viêm họng
  • Sốt nhẹ
Trẻ sốt nhẹ
Trẻ tiêm vắc-xin quai bị có thể sốt nhẹ, viêm họng, phát ban
  • Nổi hạch
  • Viêm, đau khớp

Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng vắc-xin quai bị - sởi - rubella

  • Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần xét nghiệm huyết thanh trước khi tiêm phòng vắc-xin quai bị. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính trước hoặc trong khi mang thai, cần được tiêm chủng sớm sau thai sản.
  • Phụ nữ trong vòng 1 tháng sau khi tiêm cần tránh mang thai.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vắc-xin quai bị - sởi – rubella.

Những trường hợp không nên hoặc hoãn tiêm vắc-xin quai bị

  • Người bị suy giảm miễn dịch nặng do bệnh HIV/AIDS.
  • Người bị bệnh ác tính.
  • Người đang được điều trị bằng thuốc corticoid liều cao trên toàn thân, thuốc chống chuyển hóa, điều trị ung thư bằng xạ trị.
  • Phụ nữ có dấu hiệu nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai.

Phụ nữ dấu hiệu mang thai
Phụ nữ có thai không tiêm phòng quai bị
  • Phụ nữ sau khi tiêm vắc-xin quai bị cần tránh mang thai tối thiểu trong vòng 28 ngày.

Tiêm phòng vắc-xin quai bị rồi có bị nữa không?

Do vắc-xin quai bị được kết hợp cùng với sởi và rubella nên hiệu quả bảo vệ bệnh chỉ rơi vào khoảng từ 90 – 95%. Tuy nhiên, người bệnh sẽ bị bệnh nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ít hơn nếu đã được tiêm phòng vắc-xin, do trong cơ thể đã tạo sẵn kháng thể phòng bệnh. Tức là, khi được tiêm phòng, hệ miễn dịch cơ thể đã nhận diện được virus quai bị là vật thể lạ, nên sẽ tạo kháng thể để tiêu diệt chúng. Khi thực sự mắc bệnh, hệ miễn dịch của cơ thể đã được chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu với các tác nhân gây bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hệ miễn dịch của mỗi người có đáp ứng đối với vắc-xin hay không còn phụ thuộc vào độ tuổi tiêm, loại vắc-xin tiêm cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người, chất lượng vắc-xin, cách bảo quản và kỹ năng thực hành việc tiêm chủng.

Nếu bạn có trẻ nhỏ, hoặc bạn là phụ nữ chuẩn bị mang thai, hay là nam giới chưa từng được tiêm phòng vắc-xin quai bị, hãy đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn, đặt lịch và tiêm phòng vắc-xin quai bị - sởi – rubella, nhằm phòng bệnh một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan