Xạ trị ung thư phụ khoa

Bài viết được viết bởi ThS.BS Đoàn Trung Hiệp - Trưởng khoa Xạ trị , Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Hân và Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Nam - Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Ung thư phụ khoa bao gồm các khối u ác tính của đường sinh dục nữ như ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Ở Mỹ, theo hiệp hội ung thư Mỹ có đến 105.890 phụ nữ sẽ được chẩn đoán mắc một số dạng ung thư phụ khoa trong năm. Ung thư ở tử cung và cổ tử cung là những phụ khoa phổ biến nhất ung thư được điều trị bằng tia xạ và chiếm 60.050 trường hợp mới mỗi năm. Sàng lọc ung thư phụ khoa rộng rãi với xét nghiệm PAP cho phép các bác sĩ phát hiện ra sớm những thay đổi tiền ung thư trong cổ tử cung và âm đạo.

1. Điều trị ung thư phụ khoa

Điều trị ung thư phụ khoa phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả loại ung thư, mức độ (giai đoạn) ung thư, vị trí ung thư và sức khỏe tổng thể của bạn. Các yếu tố này là rất quan trọng khi trao đổi với các bác sĩ ung thư bao gồm bác sĩ xạ trị ung thư, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ nội khoa ung thư, trước khi quyết định phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn, với loại ung thư của bạn và việc chăm sóc sức khỏe hằng ngày.

Đôi khi, chỉ sử dụng một phương pháp điều trị, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị với nhau.

2. Xạ trị ung thư phụ khoa

Xạ trị được chỉ định để điều trị tương đối an toàn và hiệu quả với các bệnh lý ung thư phụ khoa. Bác sĩ xạ trị ung thư sử dụng chùm tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư, kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư hoặc làm giảm các triệu chứng, chẳng hạn như đau.

Xạ trị làm tổn thương bên trong các tế bào ung thư bằng cách phá hủy khả năng nhân lên của chúng. Khi các tế bào này chết, cơ thể sẽ tự nhiên loại bỏ chúng. Các tế bào khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng bởi tia xạ, nhưng chúng có thể tự sửa chữa theo cơ chế tự hồi phục mà các tế bào ung thư không có.

Có hai loại xạ trị chính: xạ trị ngoài (sử dụng hệ thống máy gia tốc xạ trị để chiếu các chùm tia xạ đến vị trí khối u từ bên ngoài cơ thể) và xạ trị chiếu trong hay xạ trị áp sát (sử dụng một nguồn phóng xạ để đưa vào trong âm hộ, tử cung, cổ tử cung hoặc các mô xung quanh trong thời gian nhất định nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư).

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật là một phần quan trọng trong điều trị cho nhiều khối u, bệnh lý phụ khoa. Một bác sĩ ung thư phụ khoa là một bác sĩ chuyên về phẫu thuật cắt bỏ và điều trị các ung thư thuộc về phụ khoa.

Đối với ung thư tử cung và cổ tử cung, phẫu thuật thường liên quan đến việc loại bỏ tử cung và cổ tử cung (được gọi là cắt tử cung). Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể loại bỏ các hạch bạch huyết kiểm tra bất kỳ tế bào ung thư còn sót lại ở trong ổ bụng. Đối với các khối u ít phổ biến hơn như ung thư âm hộ, âm đạo, phẫu thuật thường thích hợp hơn liên quan đến việc loại bỏ một phần hoặc tất cả âm hộ và lấy mẫu hạch.

Phẫu thuật và xạ trị có thể được kết hợp để giúp giảm nguy cơ tái phát thư sau phẫu thuật, nhưng chiến lược điều trị này thay đổi dựa trên bệnh và giai đoạn bệnh. Trong một số trường hợp xạ trị là phương pháp điều trị chính, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiếp tục việc theo dõi sau khi xạ trị để kiểm soát các dấu hiệu của sự tái phát.

4. Điều trị nội khoa

Thuốc chống ung thư được gọi là thuốc hóa trị đã được chứng minh là cải thiện tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở một số bệnh nhân ung thư phụ khoa. Những loại thuốc này được sử dụng trong nhiều loại ung thư khác nhau và có xu hướng được sử dụng cho các bệnh nhân ung thư phụ khoa ở cá giai đoạn II, III và IV.

Liều lượng điều trị và lịch trình điều trị là khác nhau, và hóa trị có thể được thực hiện đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị. Bởi vì những khuyến cáo hóa trị khác nhau có ý nghĩa tùy thuộc vào bệnh lý và giai đoạn bệnh, các bác sĩ nội khoa sẽ trao đổi với bạn về phương pháp điều trị này.

4.1 Xạ trị ngoài

Điều trị xạ trị ngoài thường là một khóa điều trị ngoại trú với các phân liều điều trị tia xạ chính xác đến khối u. Phương pháp điều trị này không xâm lấn và không gây đau. Mỗi khóa điều trị thường kéo dài trong một vài tuần liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Bộ dụng cụ cố định trong xạ trị
Hình 2: Dụng cụ cố định trong xạ trị ung thư phụ khoa (bao gồm Vác-lok và mặt nạ cố định giúp tư thế bệnh nhân ổn định trong suốt thời gian xạ trị).
Đăt tư thế và cố định người bệnh xạ trị lúc mô phỏng và điều trị.
Hình 3: Đăt tư thế và cố định người bệnh xạ trị lúc mô phỏng và điều trị

Trước khi bắt đầu điều trị, bạn sẽ được hẹn lịch chụp CT mô phỏng để cung cấp cho bác sĩ xạ trị về hình ảnh vị trí của khối u có thể kết hợp cả hình ảnh MRI hoặc PET-CT để giúp bác sĩ có thể xác định rõ vùng điều trị.

Sau quá trình chụp CT mô phỏng kết thúc bạn sẽ được các KTV xạ trị sử dụng một loại mực xăm để đánh dấu những điểm nhỏ trên da của bạn nhằm xác định vị trí tư thế chính xác của bạn trong quá trình điều trị.

Thông thường, xạ trị được thực hiện bởi tia-X năng lượng cao, còn được gọi là tia photon. Một loại khác của bức xạ bên ngoài là xạ trị bằng chùm tia proton (PBT), nó có thể giảm liều tia xạ đến các cơ quanh lành xung quanh khối u. Hiện nay xạ trị Proton chưa có tại Đông Nam Á.

kỹ thuật xạ trị thường quy 3D-CRT và kỹ thuật xạ trị cao VMAT
Hình 4: So sánh kỹ thuật xạ trị thường quy 3D-CRT và kỹ thuật xạ trị cao VMAT

Có nhiều kỹ thuật xạ trị khác nhau có thể được sử dụng để điều trị:

  • Kỹ thuật xạ trị tương thích ba chiều (3D-CRT) là việc sử dụng kết hợp nhiều trường chiếu cố định có hình dạng tương đồng với hình dạng khối u để chiếu một liều tia xạ đến đúng vị trí khối u.
  • Kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) là một tiến bộ kỹ thuật trong việc phân bố liều đến khối u. Sự thay đổi cường độ của chùm tia cho phép phân bố liều chính xác đến từng mô cơ quan bên trong khu vực điều trị.

Các bác sĩ xạ trị sẽ thảo luận với bạn để lựa chọn kỹ thuật xạ trị nào là tốt nhất với bạn.

4.2 Xạ trị áp sát (xạ trị chiếu trong)

Trong một số trường hợp, bác sĩ xạ trị sử dụng nguồn phóng xạ để đưa vào và đặt bên trong cơ thể của bạn hoặc đặt kề sát với vị trí của khối u nhất có thể. Đó được gọi là kỹ thuật xạ trị áp sát.

Đối với ung thư phụ khoa, kỹ thuật xạ trị này này thường là một phần rất quan trọng của điều trị và nó thường được sử dụng. Tên gọi khác của loại điều trị này là cấy nguồn phóng xạ trong mô hoặc trong khoang. Và có thể được thực hiện độc lập hoặc kết hợp cả với xạ trị ngoài.

Thông thường, nguồn phóng xạ được đặt bên trong cơ thể trong thời gian ngắn và sau đó lấy ra. Bác sĩ chuyên khoa ung thư của bạn sẽ thảo luận với bạn về liệu pháp điều trị chi tiết với bạn. Kỹ thuật xạ trị áp sát liều cao (HDR) thường không yêu cầu bạn phải nhập viện. Một liệu trình điều trị thường từ 3 -6 lượt điều trị và 1 – 2 lần mỗi tuần. Kỹ thuật xạ trị liều thấp (LDR) là quá trình điều trị riêng lẻ và thời gian liên tục kéo dài từ 48 đến 72 giờ. Bạn sẽ được nhập viện để thực hiện quá trình điều trị này và nó thường ít được sử dụng. Hiện nay trừ ung thư âm hộ dùng găm kim phóng xạ thuộc nhóm LDR, các ung thư âm đạo, cổ tử cung đều dùng HDR.

Điều trị hội chứng Cushing bằng phương pháp xạ trị
Xạ trị áp sát là một phương pháp điều trị nội khoa

5. Các tác dụng phụ

Tác dụng phụ thường là khác nhau và tùy thuộc mỗi người. Một số bệnh nhân cảm thấy thoải mái trong khi điều trị trong khi những người khác có thể gặp tác dụng phụ.

Trước khi điều trị, hãy hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ có thể gặp trong điều trị để bạn có thể chuẩn bị tốt hơn khi bước vào điều trị.

  • Mệt mỏi nhẹ có thể xuất hiện. Tuy nhiên, sự mệt mỏi do tia xạ có thể được cải thiện và hồi phục trong vòng vài tuần sau khi xạ trị kết thúc xạ trị.
  • Xạ trị ngoài có thể gây ra các kích ứng da. Luôn giữ cho da sạch ở vùng điều trị thường xuyên bằng xà phòng trung tính và nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng trên da.
  • Thay đổi thói quen đại tiện là một trong các tác dụng phụ phổ biến. Có một số trường hợp nhạy cảm với tia xạ có thể gặp các triệu chứng của tăng nhu động ruột, đi ngoài nhiều lần, cảm giác buồn nôn và đầy hơi chướng bụng.
  • Rối loạn tiểu tiện: tiểu nhiều, tiểu buốt, tiểu rắt...
  • Nguy cơ vô sinh có thể xảy ra sau khi xạ trị vào vùng chậu hông. Vì vậy hãy cho bác sĩ biết kế hoạch sinh sản của bạn trước khi điều trị để bác sĩ có thể cho bạn những lời khuyên phù hợp.
  • Ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục, xạ trị thường gây suy giảm ham muốn và cảm giác hứng thú trong quan hệ tình dục. Hãy hỏi bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn về những thay đổi và cách quản lý các tác dụng phụ này như thế nào. Một số loại thuốc, thuốc giãn âm đạo và kem dưỡng ẩm có thể giúp giảm bớt những tác dụng phụ do tia xạ gây ra. Phục hồi chức năng vùng chậu, một loại vật lý trị liệu, cũng có thể hỗ trợ bạn trong kiểm soát các tác dụng phụ muộn đối với hoạt động tình dục hoặc đường tiết niệu.
Buồng trứng đa nang gây vô sinh
Người bệnh có thể vô sinh do tác dụng phụ của xạ trị

6. Chăm sóc trong điều trị

Điều quan trọng trong điều trị ung thư phụ khoa là việc tự chăm sóc bản thân trong quá trình xạ trị. Các cơ quan xung quanh khối u cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi liều chiếu xạ và chúng cần có thời gian cũng như sự hỗ trợ về mặt dinh dưỡng để hồi phục như chế độ ăn cân bằng, bổ sung khoáng chất đầy đủ, tập thể dục và vận động nhẹ nhàng cũng như dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục.

  • Hãy thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ của bạn. Nếu bạn không chắc chắn về bất cứ điều gì, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc điều dưỡng chăm sóc bạn
  • Hãy cho bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bạn biết về các loại thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ mà bạn đang dùng để đảm bảo sự an toàn trong quá trình bạn điều trị.
  • Chăm sóc da: tránh trà xát da vùng tầng sinh môn, mặc quần lót rộng rãi, trong quá trình điều trị người bệnh nên mặc các loại quần lót giấy mềm mại, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp trên da, tránh các đồ quá nóng hoặc lạnh và không sử dụng thuốc rửa vết thương hoặc thuốc mỡ bôi mà chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.
  • Chăm sóc bàng quang: uống đủ nước đảm bảo bàng quang đầy trong quá trình tia xạ, tránh ăn các thức ăn cay, nóng làm tăng kích thích bàng quang...
  • Chăm sóc đường tiêu hóa: ăn các thức ăn dễ tiêu, ăn nhiều chất xơ mềm, uống đủ nước, vận động đều để tránh táo bón, nên đại tiện sạch trước khi xạ trị hàng ngày.
  • Chăm sóc vùng âm đạo, sinh hoạt tình dục: trong và sau quá trình xạ trị sẽ gây nên khô và chít hẹp âm đạo, vì vậy sẽ cần dùng thêm các thuốc bôi trơn, các dụng cụ nong âm đạo, các bài tập trị liệu. Trong quá trình xạ trị thì không quan hệ tình dục. Sau khi xạ trị, phẫu thuật các bác sĩ sẽ tư vấn lộ trình sinh hoạt mới, bạn cần hỏi các bác sĩ về điều này trước khi ra viện.
Đồ lạnh
Hạn chế ăn đồ lạng sẽ có lợi trong điều trị

Việc hoàn thành liệu trình điều trị và phục hồi có thể có những khó khăn. Hãy nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ từ bạn bè người thân trong thời gian điều trị hoặc nếu có bất kỳ vấn đề nào bạn hãy nhờ sự tư vấn và hỗ trợ giúp đỡ từ các điều dưỡng hoặc bác sĩ chăm sóc cho bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan