Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Phương Thảo - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Thế mạnh của bác là chẩn đoán, điều trị và chăm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khám điều trị nội tiết.

Dậy thì sớm là tình trạng rất đáng lo ngại đối với trẻ em hiện nay, do những ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tâm sinh lý của trẻ. Trong số các nguyên nhân gây dậy thì sớm, béo phì được đề cập đến đầu tiên.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng béo phì ở trẻ em đang là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm. Hàng loạt các câu hỏi đã được đặt ra như bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này? Mối liên hệ giữa béo phì và dậy thì sớm là gì, nó ảnh hưởng tới trẻ em ra sao?

1. Vì sao trẻ bị béo phì có nguy cơ dậy thì sớm?

Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất ở trẻ dậy thì là sự phát triển tuyến vú, có thể kéo dài trong một vài năm. Sau đó mới xuất hiện các dấu hiệu như kinh nguyệt ở trẻ gái hay giọng nói thay đổi ở trẻ trai, mụn xuất hiện ở cả hai giới.

Trẻ được coi là dậy thì sớm ở thời điểm bắt đầu trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những bé gái thừa cân, béo phì có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn những bé gái nhẹ cân, biếng ăn. Ở nhóm đối tượng thiếu cân, người ta thấy, các em thường trải qua tuổi dậy thì muộn hơn so với những bạn cùng trang lứa.

Trong suốt nhiều thập kỷ, dường như độ tuổi dậy thì ở trẻ không thay đổi. Nhưng trong vài chục năm trở lại đây, xu hướng dậy thì sớm đang ngày càng trở thành một vấn đề đáng báo động trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Vào năm 1965, có 5% trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 tuổi béo phì dậy thì sớm thì đến năm 2000, tỷ lệ này đã lên tới 12%.

Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng béo phì không có mối liên hệ nhân quả với dậy thì sớm, mà nó chỉ là một yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ, nhất là dậy thì sớm ở bé gái.

Nhiều chuyên gia y khoa cho rằng đôi khi bác sĩ cũng bị nhầm lẫn giữa béo phì và dậy thì sớm bởi họ gặp khó khăn khi phân biệt giữa lớp chất béo ở ngực và các mô vú, nếu chỉ thăm khám trên lâm sàng. Những bé gái béo phì thường hay bị chẩn đoán nhầm hơn.

Theo các nghiên cứu y tế, sở dĩ trẻ dậy thì sớm là do một loại hormon - kích thích tố có tên leptin. Leptin tiết ra từ các tế bào chất béo, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu. Vì vậy những bé gái thừa cân, béo phì, có nồng độ leptin cao sẽ dễ bị dậy thì sớm hơn.

Những thay đổi sinh học của bất cứ một con người nào cũng hình thành ngay từ giai đoạn bào thai và trải qua các tác động trong đời sống xã hội mà thành. Việc người mẹ tăng cân nhanh trong thai kỳ có liên quan đến bệnh béo phì của con và trẻ sẽ có nguy cơ dậy thì sớm.

tre-beo-phi-1
Vì sao trẻ bị béo phì có nguy cơ dậy thì sớm?

2. Cha mẹ nên làm gì khi con dậy thì sớm?

Béo phì không phải là nguyên nhân duy nhất gây dậy thì sớm ở trẻ. Các chuyên gia nội tiết cho rằng ngoài béo phì còn có một số yếu tố tác động đến quá trình dậy thì sớm ở trẻ như di truyền, giới tính, chủng tộc, do tiếp xúc xã hội, thậm chí cả môi trường sống hàng ngày.

Tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày đang khiến những đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả, ví dụ như chất BPA trong đồ nhựa làm thay đổi hormon, có thể khiến trẻ dậy thì sớm.

Vậy nên nếu con bị dậy thì sớm, bố mẹ không nên quá lo lắng mà hãy tìm cách làm cho con thích nghi và rèn luyện thể thao để bảo vệ sức khỏe bản thân ngay từ khi còn nhỏ.

Theo các bác sĩ không có cách nào để điều trị dậy thì sớm ở trẻ, kể cả giảm cân (nếu trẻ béo phì) cũng không có tác dụng. Đối với những trẻ đã dậy thì thì khi giảm cân, quá trình dậy thì này vẫn tiếp tục và không dừng lại.

Như vậy, đề phòng dậy thì sớm ở trẻ cần làm từ rất sớm trước khi đứa trẻ đến tuổi dậy thì bằng cách ngăn chặn chứng béo phì ở trẻ. Các bậc phụ huynh cần giúp trẻ duy trì sức khỏe lành mạnh nhất tránh dậy thì sớm, bằng cách thực hiện một số lưu ý sau:

  • Khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên, tạo thói quen tập thể dục cho trẻ;
  • Chú ý đến lượng calo trong bữa ăn của trẻ, phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển;
  • Dạy trẻ cách ăn uống lành mạnh, lựa chọn các thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất xơ, vitamin, hạn chế chất béo và các đồ ăn chế biến sẵn;
  • Hạn chế sử dụng những thực phẩm, đồ dùng có chứa estrogen và testosterone. Bố mẹ không nên cho con sử dụng kem, thuốc, thực phẩm có chứa các thành phần liên quan đến hormone sinh dục.
tre-beo-phi-2
Hạn chế cho trẻ ăn chất béo và các đồ ăn chế biến sẵn;

Với những trẻ xuất hiện những hiện tượng dậy thì sớm thì bố mẹ nên cho con đi khám để nhận được tư vấn của bác sĩ, giúp điều chỉnh lối sống, sinh hoạt để bảo vệ sự phát triển lành mạnh cho con.

Gói sàng lọc dậy thì sớm đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là lựa chọn đúng đắn của cha mẹ để có những kết luận chính xác về tình trạng sức khỏe và sự phát triển của con. Bé sẽ được thăm khám với các bác sĩ, chuyên gia về Nội tiết nhi, được thực hiện các xét nghiệm nội tố sinh dục trong máu, xét nghiệm đánh giá tuổi xương, chụp MRI não hoặc một số xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định đúng nguyên nhân gây dậy thì sớm và can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan