Tìm hiểu hiện tượng block nhánh phải ở tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp – Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Block nhánh phải là 1 dạng rối loạn nhịp lành tính hơn so với block nhánh trái, được gọi chung là rối loạn đẫn truyền trong thất, tuy nhiên tình trạng này có thể dẫn đến khó thở, hồi hộp trống ngực hoặc đau ngực. Do vậy cần có phương pháp điều trị và chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

1. Block nhánh phải là gì?

Block nhánh là tình trạng rối loạn dẫn truyền xung động trong 1 nhánh của bó his hay còn gọi là rối loạn dẫn truyền trong thất bao gồm block nhánh trái và block nhánh phải.

Block nhánh phải là rối loạn dẫn truyền nhánh bên phải của bó His có thể do nhánh đó bị cắt đứt hay tổn thương nên xung động từ nhĩ truyền xuống sẽ phải đi sang bên trái khử cực trước rồi mới truyền sang bên phải khử cực thất phải bị block biểu hiện trên điện tâm đồ.

Có 2 loại block nhánh phải:

  • Block nhánh phải không hoàn toàn
  • Block nhánh phải hoàn toàn

Trên điện tâm đồ block nhánh phải tại chuyển đạo V1, V2 có biểu hiện khoảng QRS giãn rộng ≥ 0,11s, có móc với nhánh nội điện muộn, trục lệch phải kèm đoạn STT bị biến đổi thứ phát có hướng trái với QRS

Block nhánh phải được chia thành hai loại là block nhánh phải hoàn toànblock nhánh phải không hoàn toàn. Trong đó, block nhánh phải không hoàn toàn là một thể nhẹ của block nhánh phải hoàn toàn.

  • Hình dạng sóng trong block nhánh phải như sau:
Block nhánh phải ở tim
  • QRS dạng rSR’ với R’ giãn rộng, trát đậm hay có móc hoặc dạng qRs, đôi khi dạng QR với R giãn rộng ở V1 V2
  • Đoạn STT luôn trái chiều với sóng cuối cùng (giãn rộng, trát đậm) của QRS.

2. Nguyên nhân gây block nhánh phải

  • Block nhánh phải xuất hiện ở những người khỏe mạnh được coi là lành tính không cần điều trị gì;
  • Người có bệnh tim mạch như: người tăng huyết áp, bệnh mạch vành, viêm cơ tim, thông liên nhĩ, thông liên thất, bệnh van tim do tâm thất phải bị tổn thương và giãn ra gây ra block nhánh phải;
  • Người mắc bệnh phổi hậu quả dẫn đến block nhánh phải. Các bệnh lý ở phổi bao gồm: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thuyên tắc phổi, suy tim phải;
  • Thủ thuật thông tim có thể gây block nhánh phải;
  • Ngoài ra, suy nút xoang do tuổi già hoặc tăng kali máu quá mức cũng có thể gây ra block nhánh phải.

3. Triệu chứng block nhánh phải

Dấu hiệu block nhánh phải thường xuất hiện ở người chỉ bị block nhánh kèm theo các bệnh tim mạch, hô hấp. Các triệu chứng này bao gồm:

  • Hồi hộp trống ngực;
  • Chóng mặt;
  • Đau tức ngực, nặng ngực;
  • Khó thở, dễ mệt khi tập thể dục.
Đau ngực, khó thở là biểu hiện điển hình của block nhánh phải ở tim
Đau ngực, khó thở là biểu hiện điển hình của block nhánh phải ở tim

Nếu block hoàn toàn nhánh phải, nhịp tim chậm có thể giảm xuống 40 nhịp/phút do vậy làm giảm chức năng bơm máu, thiếu máu tổ chức dẫn đến tình trạng thiếu oxy đặc biệt ở những người mắc kèm bệnh tim, phổi hoặc suy nút xoang. Thiếu oxy não, gây ra triệu chứng mệt mỏi, choáng ngất và có thể ngừng tim tạm thời.

  • Block nhánh phải không hoàn toàn, thường không có triệu chứng lâm sàng

4. Điều trị block nhánh phải

Tùy thuộc vào các bệnh lý đi kèm, các triệu chứng lâm sàng mà có thái độ xử trí, điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Đối với người trẻ, khỏe mạnh, không có bệnh lý tim mạch hay bệnh phổi thì block nhánh phải không được coi là bệnh, do hiếm khi gây ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim do đó chưa cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần khám định kỳ 1 – 2 năm một lần và làm điện tâm đồ ECG để theo dõi tiến triển của bệnh nếu phát hiện bị block nhánh phải.
  • Đối với người mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Trường hợp block nhánh phải không hoàn toàn, bệnh dễ tiến triển sang thể nặng (block nhánh phải hoàn toàn). Khi đó, quá trình điều trị cần tập trung vào điều trị các bệnh lý đó vì đó là nguyên nhân gây bệnh.
  • Một số trường hợp block nhánh phải nặng (như hội chứng nút xoang, sau nhồi máu cơ tim...) gây nhịp tim chậm có nguy cơ tử vong cao cần được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Block nhánh phải nặng cần được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn
Block nhánh phải nặng cần được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn

5. Làm gì khi bị block nhánh phải?

  • Khám chuyên khoa tim mạch và làm siêu âm tim để kiểm tra xem có bệnh tim cấu trúc không?( Thông liên nhĩ hoặc liên thất...)
  • Thay đổi lối sống như: Bỏ hút thuốc lá và giảm cân nếu bạn đang thừa cân, tăng cường hoạt động thể dục thể thao như đi bộ thay vì đi thang máy, chạy bộ, tập yoga, đạp xe,...;
  • Ăn thực phẩm tốt cho tim như rau có màu xanh đậm, hoa quả trái cây vì loại thực phẩm này chứa nhiều chất xơ giúp giảm cholesterol, giảm mỡ máu và giảm nguy cơ tim mạch;
  • Tránh các căng thẳng stress: ngủ đủ giấc đủ 6-8 tiếng mỗi ngày, không thức quá khuya sau 23h, giữ tâm lý thư thái, tránh lo lắng căng thẳng;
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia, trà đặc do chất kích thích có thể gây rối loạn nhịp tim nặng hơn;
  • Theo dõi các triệu chứng bệnh thường xuyên và tái khám ngay khi có các dấu hiệu đau ngực, khó thở, ngất hoặc các bất thường khác ảnh hưởng đến sức khỏe.

Block nhánh phải mặc dù không nguy hiểm nhưng nếu bạn đang có bệnh lý tim mạch hoặc bệnh phổi tiềm ẩn thì có thể gây ngừng tim đột ngột do đó cần tái khám định kỳ và thay đổi lối sống lành mạnh.

Người bị Block nhánh phải cần phải khám tim mạch định kỳ thường xuyên
Người bị Block nhánh phải cần phải khám tim mạch định kỳ thường xuyên

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

131.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan