Dấu hiệu tăng huyết áp rất nghèo nàn - cách tốt nhất để phát hiện là đo huyết áp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nhiều người sống với tình trạng huyết áp cao kéo dài mà không nhận biết cho đến khi nhập viện vì các biến cố tim mạch. Lúc này, việc chủ động phòng ngừa tăng huyết áp đã trở nên muộn màng. Việc nhận biết các dấu hiệu sớm của tăng huyết áp là vô cùng quan trọng.

1. Một số dấu hiệu tăng huyết áp

  • Nhức đầu

Có nhiều loại đau đầu khác nhau và tùy nguyên nhân gốc rễ của chúng mà có cách điều trị khác nhau. Trong đó, những biến động khi huyết áp cao đều có thể gây đau đầu.

Ngoài ra, đau đầu cũng có thể là dấu hiệu duy nhất của tình trạng huyết áp cao ở một số người trong cộng đồng. Họ thường mô tả là vùng đầu bị đau nhức âm ỉ, lan vùng vai gáy kéo dài hay từng cơn. Như vậy, nếu đang bị đau đầu mà chưa rõ lý do, cần phải kiểm tra huyết áp có thực sự bình thường hay không. Nếu đo thấy huyết áp cao trong thời điểm này, nên đặt vấn đề kiểm soát hạ áp lên trên việc điều trị đau đầu.

Đặc biệt, nếu đột ngột nhức đầu dữ dội kèm theo các dấu hiệu yếu liệt tay chân, méo miệng, nôn ói thì đây cần được nhận định là cơn tăng huyết áp cấp cứu gây biến chứng đột quỵ. Lúc này, bạn cần nhập viện ngay lập tức để được hỗ trợ y tế chuyên biệt. Sự chậm trễ có thể làm tổn thương não thêm nặng nề và di chứng vĩnh viễn về sau.

  • Chóng mặt

Nếu như tình trạng hạ huyết áp, giảm tưới máu lên não sẽ gây chóng mặt thì triệu chứng này cũng sẽ gặp khi người bệnh bị tăng huyết áp. Đặc biệt là trong các trường hợp người bệnh khởi phát chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động và đi lại khó khăn, đây là những dấu hiệu cảnh báo của tăng huyết áp gây ra đột quỵ.

Tuy nhiên, nếu người bệnh đã và đang điều trị tăng huyết áp, chóng mặt cũng có thể được xem là tác dụng phụ của một số loại thuốc hạ huyết áp. Lúc này, cần thăm khám lại để bác sĩ đo huyết áp và có cách điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

  • Nhìn mờ

Dây thần kinh thị giác, nằm phía sau mắt, có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng huyết áp. Nguyên nhân là vì khi áp lực trong lòng mạch máu trở nên quá cao, chèn ép vào các tế bào nhận cảm ánh sáng, hệ thống tín hiệu thị giác bị hạn chế, người bệnh thấy nhìn mờ mọi thứ xung quanh. Lúc này, bằng cách dùng đèn soi đáy mắt, bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện tổn thương dây thần kinh thị giác gây nhìn mờ này là do tình trạng huyết áp cao không được điều trị thay vì là do các tổn thương tại mắt.

Mặt khác, nếu các mạch máu này vì áp lực cao mà vỡ ra, võng mạc bị xuất huyết thì người bệnh có thể mất thị lực một bên mắt một phần hay toàn phần. Bên cạnh đó, nếu mạch máu trên kết mạc trương phồng và vỡ ra, khả năng nhìn thấy ánh sáng không bị ảnh hưởng nhưng quan sát thấy mắt người bệnh bị đỏ, sung huyết tương tự như viêm kết mạc.

Nhức mỏi mắt do đâu?
Nhìn mờ là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp
  • Buồn nôn và nôn

Khi huyết áp cao, hệ thống tiêu hóa của người bệnh cũng có thể bị rối loạn. Tình trạng này càng trở nên nặng nề hơn nếu như tăng huyết áp làm kích hoạt hệ thống thần kinh thực vật kèm theo, tăng bài tiết dịch vị và vận động quá mức tại các cơ trơn đường ruột.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh nôn nhưng với đặc điểm là nôn vọt, nhanh và đột ngột mà không có dấu hiệu buồn nôn, rặn nôn trước đó, nhất là có kèm theo đau đầu, chóng mặt thì nghi ngờ nguyên nhân gây nôn là do cơn tăng huyết áp cấp tính, gây tổn thương xuất huyết trong não, dẫn đến hội chứng tăng áp lực nội sọ.

  • Đau ngực

Huyết áp là đại lượng dùng để đo lường áp lực trong lòng động mạch. Huyết áp tăng là do sức cản ngoại biên tăng, làm tăng áp lực bơm máu. Lúc này, nhằm duy trì khả năng tưới máu đến khắp cơ quan, trái tim đòi hỏi cần phải tăng sức co bóp, chống đỡ với kháng lực ngoại biên. Tình trạng này sẽ khiến nhu cầu dinh dưỡng và oxy đến tim nhiều hơn. Nếu như các mạch máu nuôi tim bị xơ vữa, nhu cầu dưỡng chất cho tim bị hạn chế, cơ tim thiếu máu và dẫn đến đau ngực.

Trong trường hợp mạch máu đột ngột tắc nghẽn hoàn toàn, một vùng cơ tim sẽ rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim cấp tính. Người bệnh sẽ đau ngực dữ dội, cảm giác như bóp nghẹt trong lồng ngực và cần phải đưa đi nhập viện khẩn cấp vì biến chứng cấp tính của tăng huyết áp.

  • Chảy máu cam

Mũi là cửa ngõ đầu tiên của hệ thống đường dẫn khí vào cơ thể. Luồng khí qua mũi không những được lọc sạch một phần nào mà còn sẽ được làm ấm và làm ẩm. Để được như vậy là nhờ vào một mạng lưới mao mạch chi chít trong mũi. Chính vì thế, khi huyết áp cao, áp lực trong mạch máu mọi nơi trong cơ thể đều tăng lên, kể cả các mạch máu này. Chúng dễ vỡ ra và gây chảy máu cam. Tình trạng chảy máu này sẽ rất khó cầm với các biện pháp cầm máu tại chỗ đơn thuần nếu như người bệnh có các điểm mạch bẩm sinh cùng với huyết áp tăng cao chưa kiểm soát được.

  • Đỏ bừng mặt và chảy mồ hôi

Đỏ bừng mặt cũng là do các mạch máu trên mặt giãn ra để đối phó với tình trạng tăng huyết áp. Hơn thế nữa, nếu huyết áp tăng cao đột ngột có thể đi kèm với các kích thích trên hệ thống thần kinh thực vật, không chỉ gây đỏ bừng mặt mà còn làm chảy mồ hôi, da tái, tay chân lạnh ẩm.

Đỏ mặt
Tăng huyết áp gây đỏ bừng mặt và chảy mồ hôi

2. Cách theo dõi huyết áp tại nhà như thế nào?

Vì dấu hiệu tăng huyết áp rất nghèo nàn, cách tốt nhất để phát hiện là đo huyết áp. Chính các thông số huyết áp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để chẩn đoán tăng huyết áp, thay vì chờ đợi đến khi nhận thấy có các dấu hiệu nêu trên. Như vậy, việc đo huyết áp định kỳ không chỉ cần thực hiện ở phòng khám, bệnh viện mà thậm chí cần ở trong mỗi gia đình với tất cả các thành viên từ khi bước vào lứa tuổi trung niên. Điều này sẽ giúp mỗi cá nhân tránh khỏi hiện tượng tăng huyết áp do hội chứng “áo choàng trắng” hay các trường hợp tăng huyết áp giấu mặt.

Do huyết áp của mỗi người có thể tăng và giảm tự nhiên trong suốt cả ngày, tùy theo các hoạt động sống, cần phải biết cách đo huyết áp đúng đắn. Nên đo khi cơ thể ngồi nghỉ, thư giãn sau ít nhất 10 đến 15 phút và hoàn toàn không dùng cà phê, thuốc lá gì. Cẩn thận trong lúc quấn băng đo và cần lặp lại thao tác đo huyết áp tối thiểu hai lần trong một lần đo, lấy giá trị trung bình. Nếu ghi nhận chỉ số huyết áp cao trên bình thường thì nên thăm khám bác sĩ sớm để được xác định chẩn đoán và tiến hành điều trị.

Tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát
Người bệnh tăng huyết áp nên đi khám bác sĩ

Tuy nhiên, nếu người bệnh đo thấy huyết áp đột ngột tăng lên quá cao, dù cho đã từng được chẩn đoán tăng huyết áp hay chưa thì nên nhập viện ngay lập tức để được can thiệp hạ áp hiệu quả. Trường hợp này đặc biệt nghiêm trọng đối với các cơn tăng huyết áp cấp cứu gây biến chứng tại tim, não, khiến người bệnh đau ngực, khó thở, đau đầu, chóng mặt, mờ mắt hay yếu liệt tay chân.

Tóm lại, huyết áp từ lâu đã được xem là một kẻ giết người thầm lặng vì là yếu tố nguy cơ quan trọng cho các biến cố tim mạch. Chính vì các dấu hiệu tăng huyết áp rất nghèo nàn trong khi thao tác đo huyết áp lại vô cùng đơn giản, dễ thực hiện, mỗi cá nhân cần có ý thức tự theo dõi huyết áp cho chính mình, chủ động điều trị hạ áp sớm, trước khi dẫn đến tổn thương cơ quan đích nhằm bảo vệ sức khỏe dài lâu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan