Triệu chứng viêm đường hô hấp cấp ở trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Mai Phương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em rất phổ biến, hầu hết các trẻ khỏe mạnh đều mắc phải vài đợt viêm đường hô hấp cấp trong một năm. Bệnh có thể tự thuyên giảm sau vào ngày khởi phát, tuy nhiên, một số ít lại dẫn đến các biến chứng nặng nề.

1. Sốt là triệu chứng khi trẻ bị viêm đường hô hấp cấp

Sốt xảy ra khi "trung tâm điều nhiệt" ở vùng hạ đồi điều khiến làm tăng nhiệt độ cơ thể lên trên mức bình thường. Nhiệt độ cơ thể luôn có sự thay đổi một chút trong suốt cả ngày: Thường thấp hơn vào buổi sáng, cao hơn vào buổi tối và có thể dao động khi trẻ chạy nhảy, chơi đùa, tập thể dục so với lúc trẻ ngồi yên, đi ngủ.

Khi cơ thể phát hiện có sự xâm nhập của vi trùng gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, vùng hạ đồi sẽ "đặt lại" nhiệt độ cao hơn để đáp ứng với nhiễm trùng, bệnh tật hoặc một số nguyên nhân khác, gọi là sốt. Tất cả mọi trẻ em đều bị sốt ít nhất một lần một năm trong những năm đầu đời. Bản thân sốt vốn dĩ là một phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ. Theo đó, cha mẹ không nên xem sốt là một triệu chứng gây hại mà thay vào đó là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang đáp ứng lại với nhiễm trùng. Trong đó, nhiễm trùng đường hô hấp là nguyên nhân gây ra sốt rất thường gặp.

Để xác nhận trẻ đang sốt, cần sử dụng một nhiệt kế đáng tin cậy và nhiệt độ của trẻ ở mức hoặc trên một trong những mức sau:

  • Đo trong miệng: 37,8°C
  • Đo trực tiếp trong hậu môn: 38°C
  • Đo ở vị trí nách (dưới cánh tay): 37,2°C

Ở trẻ khỏe mạnh, không phải tất cả các cơn sốt đều cần được điều trị. Tuy nhiên, nếu sốt khi bị viêm đường hô hấp cấp, sốt quá cao, sốt liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt có thể khiến trẻ khó chịu, dẫn đến mất nước và các rối loạn chuyển hóa khác, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp.

Sốt
Tất cả mọi trẻ em đều bị sốt ít nhất một lần một năm trong những năm đầu đời

2. Viêm đường hô hấp xuất hiện nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi

Mũi bị nghẹt xảy ra khi các tế bào trên niêm mạc mũi bị sưng phồng và phù nề. Đây là phản ứng khi các mạch máu tại chỗ bị viêm. Sổ mũi/chảy nước mũi xảy ra khi chất nhầy dư thừa chảy xuống phía sau cổ họng hay chảy ra lỗ mũi ngoài. Lớp niêm mạc mũi tăng tiết tạo ra chất nhầy này để đối phó với tình trạng kích ứng khi viêm đường hô hấp cấp ở trẻ.

Vấn đề nghẹt mũi, chảy nước mũi ở trẻ lớn và thanh thiếu niên hoàn toàn không nghiêm trọng, sẽ tự thuyên giảm khi các triệu chứng viêm đường hô hấp khác cũng cải thiện. Tuy nhiên, viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ cần đặc biệt quan tâm vì có thể dẫn đến bít tắc đường thở dẫn đến cơn ngưng thở, tím tái và tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Một điều cũng cần lưu ý là nếu trẻ chỉ bị nghẹt mũi ở một bên, đừng loại trừ khả năng trẻ có thể đã nhét một thứ gì đó vào mũi.

3. Trẻ than phiền về đau họng là dấu hiệu viêm đường hô hấp

Nguyên nhân phổ biến nhất của đau họng khi bị viêm đường hô hấp là nhiễm virus như cảm lạnh thông thường, cúm hoặc nhiễm trùng hô hấp trên cấp tính. Quan sát vòm họng thấy niêm mạc sung huyết, sưng đỏ hay cũng có thể có nổi bóng nước, loét họng. Nếu amidan của trẻ cũng bị sưng và đỏ thì có thể trẻ đã bị viêm amidan kèm theo gây viêm họng.

Vì lý do đau họng, soi họng đỏ, sưng viêm, phù nề, trẻ bị viêm đường hô hấp cấp cũng có thể than phiền về cảm giác khó thở, khó nuốt và chảy nước bọt ra ngoài nhiều hơn bình thường. Đồng thời, trẻ còn bỏ ăn, bỏ bú dẫn đến suy dinh dưỡng tạm thời trong những ngày đau họng.

Viêm đường hô hấp
Nguyên nhân phổ biến nhất của đau họng khi bị viêm đường hô hấp là nhiễm virus

4. Ho là một triệu chứng viêm đường hô hấp cấp

Ho cũng là một vấn đề rất phổ biến khi bị viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em. Ở những trẻ nhỏ thường bị ho trong thời gian từ tháng sáu đến tháng 12 mỗi năm, tác nhân gây bệnh thường là do virus. Chính vì lẽ đó, nhiều cha mẹ tự ý cho trẻ thuốc kháng sinh trong khi thực sự thuốc hoàn toàn không giúp trị ho do virus. Đôi khi, trẻ em có thể ho trong nhiều tuần sau khi bị nhiễm virus - đây được gọi là ho sau siêu vi và, một lần nữa, kháng sinh lại không giúp ích được gì.

Nếu trẻ bị ho do nhiễm trùng vi khuẩn ở cổ họng hoặc đường phế quản – phổi, đặc điểm ho của trẻ là có kèm theo bài tiết đờm, đờm đặc, đục và có màu xanh, vàng. Trong những trường hợp này, thuốc kháng sinh do bác sĩ kê toa để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn có thể cải thiện được triệu chứng ho.

5. Đỏ mắt cũng là một triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em

Kết mạc là lớp che phủ rất mỏng, sản xuất ra chất nhầy để bôi trơn và bảo vệ bề mặt giác mạc của mắt. Để được như vậy, kết mạc chứa một mạng lưới dày đặc các mạch máu li ti. Đỏ mắt là do mạch máu trên kết mạc sung huyết, nở rộng hơn khiến cho lớp kết mạc vốn dĩ trong suốt không màu sẽ chuyển sang màu đỏ. Đây là hệ quả của kết mạc bị kích thích khi có tình trạng viêm đường hô hấp, thường gặp là do các tác nhân virus, cũng có gây các triệu chứng trên đường hô hấp kèm theo.

Bên cạnh nhìn thấy mắt đỏ, trẻ sẽ than phiền thêm về cảm giác nhìn mờ, cảm giác có cát hoặc trầy xước trong mắt. Khi quan sát kỹ sẽ thấy mắt trẻ bài tiết nhiều nước mắt hơn bình thường hay có dịch nhầy, mủ chảy ra từ khoé mắt.

Các triệu chứng được mô tả ở trên có thể không nhất thiết có nghĩa là trẻ bị viêm kết mạc. Tuy nhiên, nếu trẻ có một hoặc nhiều hơn trong số các triệu chứng này, hãy đồng thời thăm khám là tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ nhãn khoa.

6. Viêm đường hô hấp làm xuất hiện các hạch bạch huyết bị sưng, đau

Các hạch bạch huyết là những tổ chức thuộc hệ thống miễn dịch, phân bố trên khắp cơ thể. Đây đóng vai trò là một hàng rào chống đỡ và tiêu diệt virus và vi khuẩn.

Các hạch bạch huyết có thể bị sưng, đau vì rất nhiều lý do. Nếu vấn đề này xảy ra trong bối cảnh cấp tính, cần thăm khám thêm các triệu chứng nhiễm trùng trên đường hô hấp vì đây vốn là cửa ngõ vi trùng xâm nhập thường gặp nhất.

Chính vì trẻ em thường mắc các bệnh viêm đường hô hấp hơn người lớn, hệ miễn dịch lại đang trong quá trình “học tập”, các hạch bạch huyết ở trẻ em thường lớn hơn so với người trưởng thành. Theo đó, chúng sẽ dễ dàng cảm nhận bằng cách sờ thấy ngay dưới da ở hai bên cổ, nách và vùng bẹn.

Các nhiễm trùng trên đường hô hấp thường khiến nhóm hạch bạch huyết ở vùng cổ sưng to, sờ có mật độ mềm nhưng sẽ khiến trẻ rất đau nhức. Quan sát amidan cũng thấy hai khối đỏ, tăng kích thước vì đây cũng vốn dĩ là hai tuyến bạch huyết đặc biệt nằm trong vòm họng.

Tóm lại, mọi đứa trẻ khi lớn lên đều có vài lần viêm đường hô hấp cấp trong đời với những triệu chứng quen thuộc như trên. Tuy nhiên, cha mẹ luôn cần nắm vững các dấu hiệu này để theo dõi và chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp, cùng con vượt qua những ngày khó chịu này cũng như phát hiện sớm các triệu chứng báo động để nhập viện kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan