Thủng ruột non là hiện tượng ruột non bị thủng khiến thức ăn chứa bên trong bị chảy ra ngoài. Đây là tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu ngoại khoa kịp thời. Phẫu thuật nội soi khâu thủng ruột non là phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân.
1. Một số nguyên nhân gây thủng ruột non
Hiện tượng thủng ruột non thường xảy ra trong các trường hợp:
- Ruột non có khối u xâm lấn gây thủng ruột. Các khối u thường là ung thư hạch, ung thư biểu mô thận di căn hoặc mô xơ niêm mạc ruột;
- Ruột non bị xoắn dẫn tới căng ruột, các mạch máu bị chèn ép và thủng ruột;
- Chấn thương sâu ở bụng dưới: Ruột non dễ bị thủng nhất khi gặp chấn thương vì đây là cơ quan nội tạng cuộn theo thành bụng, chiếm hầu hết diện tích khoang bụng;
- Xa trị ung thư cổ tử cung và các khối u ác tính trong ổ bụng có thể gây tắc ruột và thủng ruột;
- Biến chứng thủng ruột sau khi cấy ghép thận do việc sử dụng liều cao thuốc ức chế miễn dịch trong giai đoạn hậu phẫu;
- Nuốt phải các hóa chất có thể dẫn đến thủng ruột cấp tính và viêm phúc mạc, vết thủng có thể xuất hiện sau 4 ngày sau khi tiếp xúc với axit;
- Nuốt phải dị vật: Tăm xỉa răng, mảnh xương sắc nhọn,...
Khi ruột non bị thủng, các chất lỏng, thức ăn trong ruột bị rò rỉ ra ngoài. Chúng là nguyên nhân gây viêm nhiễm màng bụng, áp xe, rò ruột.
2. Tìm hiểu phương pháp khâu thủng ruột non bằng phẫu thuật nội soi
Trước đây, bệnh nhân bị thủng ruột non thường được phẫu thuật mở, có khả năng bình phục chậm. Thời gian gần đây, kỹ thuật mổ nội soi đã được áp dụng rộng rãi với những ưu điểm như phẫu thuật ít xâm lấn, phục hồi nhanh và thời gian nằm viện ngắn hơn so với mổ mở.
Bệnh nhân thủng ruột non sẽ được mổ nội soi, khâu lỗ thủng ruột non, rửa bụng và dẫn lưu ổ bụng. Nếu không có gì bất thường, dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 3 - 4 ngày điều trị.
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định
- Bệnh nhân thủng ruột non do bệnh lý;
- Bệnh nhân thủng ruột non do chấn thương bụng kín, có thể có nhiều lỗ thủng.
Chống chỉ định
- Bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe yếu, bị sốc do nhiễm trùng hoặc suy hô hấp không cho phép bơm hơi ổ bụng;
- Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật ở bụng nhiều lần;
- Người bệnh ung thư di căn tới phúc mạc và di căn xa.
2.2 Chuẩn bị phẫu thuật
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa, bác sĩ gây mê hồi sức, phụ tá;
- Phương tiện kỹ thuật: Phòng mổ có đủ thiết bị tiến hành nội soi qua ổ bụng, bộ nội soi ổ bụng (gồm monitor, camera, nguồn sáng và nguồn CO2), hệ thống dao điện đơn cực và lưỡng cực, dao cắt đốt siêu âm; hệ thống máy bơm - rửa hút dịch ổ bụng; dụng cụ vén gan, kẹp ruột, kẹp, panh, kéo nội soi ổ bụng;
- Bệnh nhân: Được giải thích kỹ càng về phẫu thuật, được thực hiện các xét nghiệm cơ bản (sinh hóa, huyết học và chức năng đông máu); được chụp phổi và điện tâm đồ, cam kết phẫu thuật;
- Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị theo đúng thủ tục quy định.
2.3 Tiến hành phẫu thuật
- Kiểm tra hồ sơ và kiểm tra người bệnh, đảm bảo đúng người, đúng bệnh;
- Vô cảm: Thực hiện gây mê nội khí quản;
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, khép 2 chân, đặt sonde tiểu;
- Bác sĩ và phụ tá đứng ở vị trí phù hợp thuận tiện cho quá trình thực hiện thủ thuật;
- Đặt trocar: Đặt 3 - 4 trocar (1 trocar 10mm đặt sát dưới rốn, 2 trocar 5mm đặt hố chậu phải và hố chậu trái, có thể đặt thêm 1 trocar 5mm nếu cần thiết);
- Đánh giá tổn thương: Quan sát ống bụng, lượng dịch, tình trạng chảy máu, có thể kiểm tra các tạng đặc như gan, lách, tụy và thận (nếu chấn thương). Đồng thời, dùng kịp kẹp ruột, kiểm tra dạ dày, đại tràng, ruột non, kết hợp hút sạch dịch, gửi để cấy và làm kháng sinh đồ;
- Súc rửa ổ bụng: Sau khi tìm thấy lỗ thủng trên ruột non thì thực hiện súc rửa ổ bụng bằng dung dịch NaCl 0,9% ấm;
- Xử lý lỗ thủng ruột non;
- Thủng do bệnh lý: Thực hiện xén mép lỗ thủng để làm giải phẫu bệnh lý;
- Lỗ thủng ruột non nhỏ: Khâu nội soi bằng 1 mũi chữ X;
- Lỗ thủng ruột non lớn hoặc nhiều lỗ thủng xa nhau: Thực hiện mở bụng 2 - 3cm, đưa quai ruột ra ngoài, khâu ngang bằng chỉ tiêu chậm;
- Nhiều lỗ thủng ruột non có kích thước lớn, nằm gần nhau: Thực hiện mở bụng 2 - 3cm, đưa quai ruột ra ngoài. Tiếp theo, cắt đoạn ruột chứa các lỗ thủng, nối lại 2 phần và đưa lại vào ổ bụng;
- Dẫn lưu ống bụng và đóng lại các lỗ trocar.
2.4 Theo dõi sau phẫu thuật
- Theo dõi các chỉ số sinh tồn như huyết áp, hô hấp, nhiệt độ, mạch,...;
- Theo dõi tình trạng nhiễm trùng, chảy máu;
- Người bệnh lưu sonde dạ dày, sử dụng phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh tiêm trong 5 - 7 ngày.
2.5 Tai biến và cách xử trí
- Tai biến trong phẫu thuật: Thường gặp là chảy máu do làm tổn thương các mạch máu. Biện pháp xử trí là khâu cầm máu lại hoặc bằng clip. Trường hợp không cầm máu được phải chuyển sang mổ mở để tránh gây tụ máu lớn tại mạc treo;
- Tai biến sau phẫu thuật:
- Chảy máu trong ổ bụng: Cách xử trí là mổ lại sớm để kiểm tra, cầm máu;
- Bục chỗ khâu hoặc miệng nối: Cần xử trí bằng cách mổ lại sớm;
- Chít hẹp chỗ khâu hoặc miệng nối: Nên mổ lại để giải quyết triệt để nguyên nhân gây ra.
Khâu thủng ruột non bằng phẫu thuật nội soi là thủ thuật cấp cứu, phòng ngừa nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, khi có dấu hiệu cảnh báo thủng ruột non, bệnh nhân nên ngay lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra, điều trị kịp thời.