Khám nội thần kinh là khám gì?

Khám thần kinh là quá trình kiểm tra nhằm phát hiện sự rối loạn của hệ thần kinh. Chuyên khoa nội thần kinh là một lĩnh vực nội khoa giữ chức năng khám nội thần kinh chẩn đoán, tư vấn và điều trị chuyên sâu những bệnh lý có liên quan đến yếu tố thần kinh.

1. Khám nội thần kinh là khám gì?

Để biết khám nội thần kinh là khám gì? Cần biết chuyên khoa nội thần kinh là nơi theo dõi và điều trị các bệnh lý thần kinh có thể điều trị bằng thuốc được (như đau nửa đầu Migraine, động kinh, tai biến mạch máu não...). Khác với chuyên khoa ngoại thần kinh là nơi chuyên theo dõi và điều trị các bệnh lý thần kinh cần đến sự can thiệp ngoại khoa (như mổ u não, chấn thương sọ não...).

Khám nội thần kinh nhằm giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến chuyên khoa sâu thần kinh bao gồm:

  • Các bệnh đau đầu: chứng đau nửa đầu, đau đầu căn nguyên mạch máu, đau đầu mạn tính hàng ngày,...
  • Điều trị bệnh đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ,...
  • Đau thắt lưng hông do thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đau do viêm khớp cùng chậu...
  • Rối loạn tiền đình;
  • Điều trị chóng mặt do thiếu máu não;
  • Tư vấn và điều trị các bệnh lý rối loạn về giấc ngủ: mất ngủ cấp tính hoặc mãn tính;
  • Khám thần kinh và điều trị liệt dây 7 ngoại vi: Viêm các dây thần kinh sọ não và các dây thần kinh ngoại vi khác như hội chứng ống cổ tay, đau vai khuỷu tay do chơi thể thao,...
  • Khám thần kinh và chẩn đoán liệt nửa người do đột quỵ não;
  • Các bệnh lý về sa sút trí tuệ: suy giảm nhận thức nhẹ, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ nguyên nhân mạch máu (sa sút trí tuệ sau đột quỵ), Alzheimer;
  • Bệnh rối loạn vận động như bệnh Parkinson;
  • Khám và theo dõi điều trị bệnh lý động kinh ở người lớn và trẻ em;
  • Viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, các bệnh gây thoái hoá hệ thần kinh, xơ cột bên teo cơ, nhược cơ, xơ não tuỷ rải rác;
  • Bệnh lý nhiễm trùng thần kinh: viêm não màng não, viêm tủy...
  • Bệnh lý Thần kinh ngoại biên: viêm đa dây thần kinh, viêm đa rễ dây thần kinh (Hội chứng Guillain-Barre), các bệnh rễ và đám rối dây thần kinh, thần kinh liên sườn, liệt các dây thần kinh sọ...
  • Bệnh lý thần kinh do rối loạn chuyển hóa;
  • Nhiễm độc: bệnh Wilson, nghiện rượu, thiếu B1, B12...

Đây là các bệnh lý thần kinh thường gặp mà các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh cần có rất nhiều kinh nghiệm để chẩn đoán và điều trị.

Song song đó các phương tiện cận lâm sàng như điện não, điện cơ, CT Scan, MRI, các chẩn đoán huyết học, miễn dịch học đã hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ y, bác sĩ.

Điện não đồ
Thông qua phương pháp điện não đồ giúp chẩn đoán bệnh lý thần kinh

2. Phương pháp khám nội thần kinh

Theo quy ước, đầu tiên hỏi bệnh, việc lượng giá thần kinh dựa trên thăm khám kiểm tra mọi chức năng từ cảm giác, vận động, cơ lực, trương lực cơ, phản xạ, các dây thần kinh sọ đến các hoạt động của hệ tự trị và cả chức năng tâm trí.

Có thể bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác trong khám nội thần kinh như:

  • Xét nghiệm sàng lọc máu, nước tiểu hoặc các chất dịch cơ thể khác có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh, hiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh và theo dõi mức độ của các loại thuốc điều trị.
  • Xét nghiệm di truyền của những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thần kinh có thể xác định liệu họ có mang một trong những gen được biết là gây ra rối loạn hay không.
  • Điện não đồ nhằm theo dõi hoạt động điện của não thông qua hộp sọ. Điện não đồ được sử dụng để giúp chẩn đoán rối loạn co giật và rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng hoặc viêm ảnh hưởng đến hoạt động của não.
  • Điện cơ hay EMG được sử dụng để chẩn đoán các rối loạn thần kinh và cơ, chèn ép rễ thần kinh cột sống và rối loạn tế bào thần kinh vận động như xơ cứng teo cơ bên. EMG ghi lại hoạt động điện trong cơ bắp. Cơ bắp phát triển các tín hiệu điện bất thường khi có tổn thương thần kinh hoặc cơ.

Các phương pháp khám nội thần kinh thông qua chẩn đoán hình ảnh bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh hai chiều của các cơ quan, xương và mô. Chụp CT có thể hỗ trợ chẩn đoán thích hợp bằng cách hiển thị vùng não bị ảnh hưởng.
  • Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng vô tuyến do máy tính tạo ra và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô cơ thể. Sử dụng các chuỗi xung khác nhau, MRI có thể hiển thị hình ảnh giải phẫu của não hoặc tủy sống, đo lưu lượng máu hoặc tiết lộ các khoáng chất như sắt.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) quét cung cấp hình ảnh hai và ba chiều về hoạt động của não bằng cách đo các đồng vị phóng xạ được tiêm vào máu. Quét PET của não được sử dụng để phát hiện hoặc làm nổi bật các khối u và mô bệnh, cho thấy lưu lượng máu và đo chuyển hóa tế bào và mô.

Chụp cắt lớp phát xạ đơn photon (SPECT) là một thử nghiệm hình ảnh hạt nhân có thể được sử dụng để đánh giá các chức năng não nhất định. Như với chụp PET, một đồng vị phóng xạ, hoặc chất đánh dấu, được tiêm tĩnh mạch vào cơ thể.

Chụp MRI
Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng vô tuyến do máy tính tạo ra và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô cơ thể

3. Chăm sóc bệnh nhân sau khám nội thần kinh

Các bệnh lý thần kinh thường ảnh hưởng nhiều tới đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe người bệnh. Vì vậy, mọi người nên chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đúng cách để phòng bệnh ngay từ khi chưa có biểu hiện nào của bệnh.

Những cách sau đây giúp bạn phòng tránh và hạn chế các bệnh lý nội thần kinh:

  • Khám sức khỏe định kỳ từ 6 tháng - 1 năm để theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
  • Áp lực, căng thẳng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh lý thần kinh. Vì vậy, nên giảm bớt áp lực bằng cách phân bổ thời gian hợp lý, thư giãn thường xuyên để ngăn ngừa sớm.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ít đường để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Phòng tránh bệnh tiểu đường giúp giảm thiểu được nguyên nhân gây ra một số bệnh lý về thần kinh.
  • Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để hệ thần kinh được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh suy nhược và mắc bệnh. Chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng và cần được quan tâm đúng mức.
  • Vận động thường xuyên bằng tập thể dục, đi bộ... mỗi ngày để máu lưu thông, tránh tắc nghẽn và tránh được nguy cơ.

Để việc khám nội thần kinh đạt kết quả chính xác nhất cần đến các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ dày dặn kinh nghiệm về chuyên khoa nội thần kinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

99.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan