Rạch và khâu tầng sinh môn khi sinh thường

Rạch và khâu tầng sinh môn khi sinh thường thường xảy ra trong lần sinh con đầu bằng phương pháp sinh thường, đây là phương pháp cắt vùng da phía âm đạo xuống dưới hậu môn (vùng đáy chậu) để tạo khoảng rộng cho em bé có thể chui ra dễ dàng hơn. Phương pháp này giúp quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn và hạn chế được tình trạng rách âm đạo do rặn đẻ đồng thời tránh được những rắc rối về sau cho mẹ.

1. Rạch tầng sinh môn là gì?

Tầng sinh môn là một vùng nhỏ nằm giữa hậu môn và âm hộ ở nữ. Về mặt giải phẫu, tầng sinh môn là khu vực nằm giữa xương mu và xương cụt, bao gồm phần đáy chậu và các cấu trúc xung quanh. Có nhiều cách xác định khác nhau nên trong một số trường hợp vùng xung quanh hậu môn cũng là một phần của tầng sinh môn. Tầng sinh môn cũng là khu vực giúp kích thích tình dục ở cả nam và nữ.

rach-va-khau-tang-sinh-mon-khi-sinh-thuong-1
Rạch tầng sinh môn khi sinh con đầu tiên

Rách tầng sinh môn thường xảy ra trong lần sinh con đầu bằng phương pháp sinh thường, đây là phương pháp cắt vùng da phía âm đạo xuống dưới hậu môn (vùng đáy chậu) để tạo khoảng rộng cho em bé có thể chui ra dễ dàng hơn. Phương pháp này giúp quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn và hạn chế được tình trạng rách âm đạo do rặn đẻ đồng thời tránh được những rắc rối về sau cho mẹ.

Nguyên nhân thai phụ phải rạch tầng sinh môn khi sinh thường là vì:

  • Tầng sinh môn của người mẹ cứng, dày, hẹp, âm hộ và tầng sinh môn phù nề do chuyển dạ kéo dài, thăm khám nhiều.
  • Trong các bệnh lý của mẹ cần cho thai phải sổ nhanh để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ: như suy tim, tiền sản giật, cao huyết áp.
  • Thai nhi có chỉ số to toàn bộ hoặc đầu to.
  • Thai nhi có một số kiểu sổ bất thường như: sổ chẩm cùng, ngôi mặt, ngôi mông.
  • Thai non tháng, thai có nguy cơ bị ngạt.
  • Rạch tầng sinh môn khi làm các thủ thuật như forceps, giác hút, đỡ sinh ngôi mông...

2. Các bước rạch và khâu tầng sinh môn khi sinh thường

2.1. Chuẩn bị tiến hành

  • Người thực hiện: Nữ hộ sinh và Bác sĩ sản khoa.
  • Phương tiện, vật tư, thuốc: Bộ cắt khâu tầng sinh môn (bao gồm 1 kéo thẳng đầu tù, 1 kìm cặp kim, 1 nhíp,1 kẹp sát trùng, 1 cốc đựng dung dịch sát trùng); chỉ khâu (chỉ vicryl rapid hoặc chỉ catgut, plain, ...); dung dịch sát trùng; 1 bơm tiêm 5ml; Lidocain 2%.
  • Người bệnh: Kiểm tra tổng trạng, mạch, huyết áp, huyết âm đạo. Phải chắc chắn không còn sót nhau, tử cung co tốt, không rách âm đạo mới tiến hành khâu tầng sinh môn.

2.2. Các bước tiến hành

Bước 1: Sát trùng vùng âm hộ tầng sinh môn.

Bước 2: Gây tê vùng tầng sinh môn định cắt bằng Lidocain 2%. Nếu người bệnh đã được gây tê ngoài màng cứng để giảm đau rồi thì không cần gây tê tại chỗ nữa.

Bước 3: Bác sĩ tiến hành cắt tầng sinh môn.

  • Sản phụ nằm tư thế sinh thường, trong cơn co tử cung, khi tầng sinh môn và âm hộ phồng căng hoặc khi kéo forceps, giác hút dùng một kéo thẳng và sắc cắt tầng sinh môn chếch 450 tại vị trí 7 giờ từ mép sau của âm hộ (thường cắt ở bên phải của sản phụ). Cắt 2 – 4 cm tùy mức độ cần thiết. Đường cắt này sẽ cắt các cơ thắt âm hộ, cơ ngang nông và sâu, cùng với thành âm đạo và da vùng tầng sinh môn.
  • Không cắt tầng sinh môn sâu tới cơ nâng hậu môn.
  • Không cắt ngang vị trí 9 giờ để tránh vào những tổ chức dễ chảy máu như tuyến Bartholin, các tổ chức xốp vùng âm hộ và cũng không cắt theo đường giữa để tránh nút thớ trung tâm vùng sinh môn, cơ thắt hậu môn và trực tràng.
  • Thường cắt 1 bên là đủ, nếu cần thiết thì cắt cả 2 bên.
rach-va-khau-tang-sinh-mon-khi-sinh-thuong-2
Tiến hành rạch tầng sinh môn

Bước 4: Khâu tầng sinh môn

  • Chỉ khâu tầng sinh môn khi chắc chắn nhau thai đã sổ, không sót nhau, đã kiểm soát được đờ tử cung và các sang chấn đường sinh dục.
  • Nếu đường cắt tầng sinh môn không rách thêm, chúng ta sẽ thực hiện 3 mũi khâu vắt:
  • Mũi khâu vắt thứ nhất bắt đầu từ trên vết cắt trong âm đạo 0,5 - 1cm ra
  • tới gốc của màng trinh phía ngoài; khâu hết đến tận đáy kéo hai mép của âm đạo gốc của màng trinh sát vào nhau.
  • Mũi khâu vắt thứ hai: bắt đầu từ đỉnh của vết cắt tầng sinh môn phía ngoài vào tới gốc của màng trinh phía trong. Khâu từ phần dưới da cho đến gốc của màng trinh phía trong.
  • Khâu vắt dưới da hoặc trong da để tạo cho sẹo tầng sinh môn nhỏ và mềm mại. Nếu vết rách sâu ở trong âm đạo và rách sâu ở tầng sinh môn thì chúng ta phải khâu mũi rời. Khâu da nên khâu luồn trong da bằng chỉ vicryl rapid để cho sẹo nhỏ và mềm mại.

2.3. Theo dõi và xử trí tai biến

Theo dõi:

  • Giữ vết khâu sạch và khô. Cắt chỉ vào ngày thứ 5 nếu khâu da bằng chỉ không tiêu.
  • Nếu vết khâu không liền do nhiễm khuẩn phải xử trí tại chỗ, không khâu lại ngay.

Xử trí tai biến:

  • Chảy máu do có khoảng trống giữa các lớp khâu: khâu lại cho các lớp liền và ép vào nhau.
  • Nhiễm khuẩn: Cắt chỉ tầng sinh môn cách quãng, rửa sạch, kháng sinh tại chỗ và toàn thân. Vệ sinh, rửa bằng dung dịch sát trùng, sử dụng kháng sinh điều trị

3. Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn khi sinh thường

rach-va-khau-tang-sinh-mon-khi-sinh-thuong-3
Chăm sóc sản phụ sau sinh thường theo hướng dẫn của bác sĩ

Bạn có thể bị đau sau khi rạch tầng sinh môn. Thỉnh thoảng, một số vấn đề có thể xảy ra với vết khâu tầng sinh môn như vết khâu tầng sinh môn bị hở, bị rách, đứt chỉ vết khâu tầng sinh môn, vết khâu bị mưng mủ, bị ngứa...

Vì vậy, việc chăm sóc đúng vết khâu tầng sinh môn sau sinh là kiến thức mọi phụ nữ cần biết để tránh nhiễm trùng và tăng tốc độ chữa lành các cơ trực tràng và vùng chậu. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn giảm đau và nhanh lành vết khâu hiệu quả:

  • Vết khâu tầng sinh môn có thể bị đau nhiều, do vậy bạn có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm viêm sưng. Bạn có thể ngồi vào bồn nước lạnh, sau đó lau khô vết khâu với khăn sạch.
  • Thuốc giảm đau là biện pháp hiệu quả với bạn. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ để được kê thuốc giảm đau mà không ảnh hưởng đến sữa mẹ.
  • Nếu bị đau khi ngồi, bạn nên ngồi trên đệm hơi có thể điều chỉnh được sự căng phồng để giúp bạn thoải mái hơn.
  • Nhiều người sẽ thấy đau khi quan hệ trong vài tháng đầu. Nếu rơi vào tình huống này, bạn nên nói với chồng và chờ đợi cho đến khi vết khâu rạch tầng sinh môn lành hoàn toàn.
  • Giữ vết khâu sạch sẽ và khô ráo theo lời khuyên của bác sĩ, đặc biệt là sau khi tiểu tiện. Nếu việc đại tiện khiến bạn đau nhiều, bạn nên dùng thuốc làm mềm phân trước.
  • Giữ vùng vết khâu khô ráo và sạch sẽ. Bạn nên rửa vùng này nhanh bằng vòi sen và lau khô nhẹ nhàng. Không nên thụt rửa, dùng tampon hay quan hệ tình dục cho đến khi bác sĩ cho phép. Bạn cũng có thể hạn chế vận động mạnh để tránh gây tổn hại cho vết thương.
  • Lau vùng này cẩn thận từ trước ra sau để giảm nguy cơ nhiễm trùng từ hậu môn.
  • Bạn nên ăn chế độ dinh dưỡng, uống nhiều nước như thường trừ khi bác sĩ cho bạn lời khuyên khác; nghỉ ngơi nhiều hơn và chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng.
  • Tập bài tập sàn chậu thường xuyên hơn để giúp máu lưu thông và thúc đẩy lành vết thương.
  • Thay đổi băng vệ sinh thường xuyên và đảm bảo không làm tổn thương đến vết khâu.
  • Điều quan trọng là bạn cần nghỉ ngơi để vết thương nhanh lành. Bạn có thể di chuyển xung quanh nhà để tăng lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn và giúp vết khâu mau lành hơn.

Rách tầng sinh môn khi sinh không chỉ khiến sản phụ đau đớn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Để quá trình vượt cạn trở nên nhẹ nhàng hơn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có các phương pháp “Đẻ không đau” - giúp mẹ vượt cạn nhẹ nhàng, con khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

128.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan