Phân biệt khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm kinh nghiệm về điều trị các bệnh lý về Hô hấp.

Khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan mật thiết với nhau. Người bị khí phế thũng đều mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể bao gồm nhiều bệnh khác, chưa chắc do khí phế thũng gây nên.

1. Khí phế thũng là gì?

Khí phế thũng là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày khiến các túi phổi bị suy yếu và vỡ ra, thay thế phần không gian nhỏ bằng không gian lớn, gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu. Khi người bệnh thở ra, phế nang bị tổn thương không thể hoạt động bình thường khiến không khí giàu oxy ở bên ngoài không thể đi vào trong phổi, ngược lại, không khí ở bên trong cơ thể lại không thể đẩy ra ngoài, tạo nên tình trạng thiếu oxy máu, khó thở.

Nguyên nhân chính gây khí phế thũng là do hút thuốc lá, hút thuốc lào. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân như tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại...

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng đường thở bị thu hẹp gây khó thở, giảm hô hấp. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một loại bệnh tiến triển, nghĩa là bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được chia làm hai dạng, bao gồm:

  • Viêm phế quản mạn tính: Là tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm. Lớp lót trong các ống phế quản phổi bị sưng tấy, đỏ và chứa đầy các chất nhầy. Các chất nhầy này là nguyên nhân gây hẹp đường thở
  • Khí phế thũng: khí phế thũng sẽ làm các túi khí (phế nang) trong phổi bị tổn thương và dần phá hủy nó khiến cho người bệnh dần khó thở hơn. Khi bạn phế nang trong phổi bị phá hủy, quá trình thải CO2 và hấp thu O2 sẽ trở nên khó khăn hơn do không khí bên ngoài đi vào cơ thể bị cản trở, không khí trong cơ thể thoát ra ngoài cũng không được thông suốt. Người bệnh vì thế mà cảm thấy khó thở.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rất nguy hiểm. Phổi có hai cơ quan chính là phế quản và phế nang, còn được gọi lần lượt là đường dẫn khí và túi khí. Bên cạnh đó còn có khí quản. Khi hít vào, không khí sẽ từ khí quản đến phế nang thông qua ống phế quản. Từ đó, oxy đi vào máu còn khí CO2 sẽ được đẩy ra ngoài thông qua phế nang. Nếu có bất cứ vấn đề gì làm gián đoạn quá trình trao đổi khí trên thì người bệnh sẽ bị khó thở.

Phổi
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng đường thở bị thu hẹp gây khó thở, giảm hô hấp

3. Mối quan hệ giữa khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có quan hệ rất mật thiết với nhau. Người bị khí phế thũng đều có thể mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh khí phế thũng là một dạng của phổi tắc nghẽn mạn tính.

Đa số những người bị khí phế thũng cũng bị viêm phế quản mạn tính. Viêm phế quản mạn tính sẽ khiến bệnh nhân bị ho dai dẳng. Mà viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng là hai điều kiện dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khí phế thũng và phổi tắc nghẽn mạn tính. Tổn thương của khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều là những tổn thương không thể phục hồi, chỉ có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

4. Phân biệt triệu chứng của khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Các dấu hiệu nhận biết bệnh khí phế thũng bao gồm:

  • Ho dai dẳng, không dứt
  • Khó thở
  • Thở lõm ngực
  • Người mệt mỏi
  • Lồng ngực hình thùng
  • Da xanh tái, ngón tay và móng tay cũng xanh
  • Suy giảm hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ viêm phổi

Triệu chứng đầu tiên của bệnh nhân COPD là ho khạc đàm kéo dài vào buổi sáng. Bệnh nhân thường không để ý và cho rằng đây là triệu chứng bình thường do hút thuốc lá làm bệnh nhân chủ quan không đi khám bệnh. Tuy nhiên một số bệnh nhân COPD không hề có triệu chứng ho khạc đàm kéo dài.

Triệu chứng kế tiếp sẽ là khó thở khi gắng sức. Khó thở khi gắng sức đầu tiên xuất hiện khi bệnh nhân đi lên cầu thang, khi đi nhanh trên đường bằng, sau đó là đi chậm hơn so với người cùng tuổi. Bệnh nhân COPD thường thay đổi một cách vô thức để tránh làm những động tác và công việc gây cho mình khó thở. Ngay cả khi bệnh nhân xuất hiện khó thở khi gắng sức họ cũng có thể không đi khám BS vì nghĩ rằng đây cũng là bình thường do tuổi già. Và khi bệnh nhân đến khám BS thì thông thường chức năng hô hấp đã suy giảm rất nhiều.

Triệu chứng kế tiếp sẽ là những lần COPD vào đợt cấp bệnh nhân khó thở nhiều hơn, khạc đàm nhiều, đục màu. Những đợt cấp này càng ngày càng nhiều hơn, gần nhau hơn, thời gian dài hơn.

Triệu chứng toàn thân dần dần xuất hiện khi COPD nặng hơn.

  • Gầy sút, sụt cân, suy kiệt chủ yếu
  • Teo các cơ xương
  • Loãng xương do quá trình viêm toàn thân, do sử dụng corticoid kéo dài.
  • Trầm cảm.
  • Thiếu máu hồng cầu nhỏ đẳng sắc, đẳng bào
  • Tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng lâm sàng của COPD là rất đa dạng và diễn tiến âm thầm, bệnh nhân thường đến khám BS khi bệnh đã nặng.

Khó thở
Nếu người bệnh có triệu chứng khó thở đến nỗi không thể nói chuyện hay làm bất cứ việc gì được, hãy đến bệnh viện ngay lập tức

5. Chẩn đoán khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

5.1. Chẩn đoán khí phế thũng

Khi đi khám chẩn đoán khí phế thũng, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết mình có hút thuốc lá hay làm việc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm không. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh khí phế thũng.

Các xét nghiệm chẩn đoán khí phế thũng gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính CT
  • Chụp X - quang phổi
  • Xét nghiệm chức năng phổi
  • Xét nghiệm khí máu động mạch
  • Điện tâm đồ để xác định xem có vấn đề gì về tim không

5.2. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dựa trên triệu chứng của bệnh, bệnh sử và tiền căn gia đình. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm.

Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để kiểm tra phổi xem có tiếng thở khò khè hay các âm thanh bất thường trong phổi không.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm:

  • Xét nghiệm chức năng phổi: Đo lượng không khí bệnh nhân hít vào thở ra, để kiểm tra xem bệnh nhân có bị khó thở không, phổi có được cung cấp đầy đủ oxy cho các hoạt động của cơ thể không
  • Đo hô hấp kế: Kiểm tra khả năng thở, dùng máy đo lượng không khí thở ra, tốc độ thở
  • Chụp CT scan, chụp X-quang ngực: Quan sát hình ảnh cấu trúc bên trong ngực để phát hiện các dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Khí máu động mạch: Xét nghiệm máu, đo mức độ oxy trong máu

6. Điều trị khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bỏ thuốc
Ngưng hút thuốc để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn

6.1. Các phương pháp nào dùng để điều trị khí phế thũng?

Cho đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị khỏi khí phế thũng. Bác sĩ chỉ có thể đưa ra các phương pháp làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển như:

  • Ngưng hút thuốc lá
  • Sử dụng các loại thuốc như thuốc: thuốc giãn phế quản, steroid, thuốc kháng sinh kháng sinh...
  • Các liệu pháp: phục hồi phổi, trị liệu dinh dưỡng hoặc bổ sung oxy để cải thiện hô hấp
  • Phẫu thuật giảm thể tích phổi
  • Có thể tiêm chủng ngừa cúm và phế cầu

6.2. Các phương pháp điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính

Cũng giống như bệnh khí phế thũng, không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Mục tiêu điều trị bệnh phổi tác nghẽn mạn tính:

  • Làm chậm diễn biến nặng hơn của COPD.
  • Làm giảm nhẹ triệu chứng.
  • Tăng cường khả năng gắng sức.
  • Tăng cường tình trạng sức khỏe chung.
  • Phòng ngừa và điều trị biến chứng của COPD.
  • Phòng ngừa và điều trị đợt cấp COPD.
  • Giảm tỷ lệ tử vong.

Cụ thể

Điều trị không dùng thuốc:

  • CAI THUỐC LÁ: > 1/3 BN COPD tiếp tục hút thuốc lá khi phát hiện bệnh. Cai thuốc lá giúp làm chậm diễn biến COPD vào bất kỳ giai đoạn nào của bệnh và làm giảm tốc độ suy giảm FEV1 hàng năm.
  • TIÊM NGỪA CÚM: Cảm cúm có thể là vấn đề ở bệnh nhân COPD. Khi bị cảm bệnh nhân COPD có thể nặng lên vào đợt kịch phát. Chích ngừa cúm làm giảm nguy cơ bị cảm cúm, mỗi năm chích một lần vào khỏang tháng 9-10.
  • PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP: Bệnh nhân COPD nên tham dự qia 1 khóa huấn luyện về cách tập vật lý trị liệu nhằm tập thở, tập khạc đàm. Kiểu thở chúm môi và kiểu thở hoành rất có lợi cho bệnh nhân.

Điều trị dùng thuốc: thuốc cơ bản được dùng là thuốc dãn phế quản:

  • Dãn phế quản tác dụng ngắn đường hít có chỉ định cho COPD từ giai đoạn A trở lên khi người bệnh có triệu chứng ho, khó thở:
    • Nhóm Salbutamol = VENTOLIN®.
    • Nhóm Anticholinergic: Ipratropium Bromide = ATROVENT®.
    • Nhóm kết hợp Anticholinergic và Salbutamol trong cùng một bình xịt: Ipratropium Bromide + Fenoterol = BERODUAL®; Ipratropium Bromide + Salbutmol = COMBIVENT®.
  • Dãn phế quản tác dụng kéo dài đường hít có chỉ định cho COPD từ giai đoạn B trở lên dùng đều đặn trong ngày cho dù có triệu chứng ho, khó thở hay không.
    • Tiotropium Bromide = SPIRIVA®.
    • Tiotropium + Olodaterol = SPIOLTO
    • Người ta cũng có thể thay thuốc dãn phế quản kéo dài bằng cách dùng dãn phế quản tác dụng ngắn cách khoảng đều đặn.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Thuốc Budecort
    Thuốc Budecort có tác dụng gì?

    Thuốc Budecort được sử dụng trong điều trị kháng viêm hiệu quả và an toàn vì đã được kiểm chứng. Hãy cùng tìm hiểu về thuốc Budecort có tác dụng gì trong bài viết sau đây.

    Đọc thêm
  • acetydona 200 mg
    Công dụng thuốc Acetydona 200 mg

    Thuốc Acetydona 200mg được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Acetylcystein. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh về đường hô hấp.

    Đọc thêm
  • Zemaira Vial
    Thuốc Zemaira Vial: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

    Thiếu hụt men alpha-1 proteinase mang tính di truyền có thể gây nên bệnh lý khí phế thũng ở phổi. Phương pháp điều trị cho những người bệnh này là cần bổ sung lượng men thiếu hụt thông qua sản ...

    Đọc thêm
  • sử dụng thuốc  Aralast
    Tác dụng của thuốc Aralast

    Thuốc aralast thuộc nhóm thuốc hô hấp được sử dụng trong điều trị bệnh lý về đường hô hấp như khí phế thũng, khi cơ thể thiếu một loại protein có tên là alpha 1-antitrypsin. Thuốc aralast thay thế protein ...

    Đọc thêm
  • Salbutral
    Công dụng thuốc Salbutral

    Salbutral thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, bào chế dưới dạng hỗn dịch khí dung chia liều, quy cách đóng gói hộp 1 ống khí dung 250 liều. Để dùng thuốc Salbutral an toàn và hiệu quả ...

    Đọc thêm