Những điều cần biết về lao hạch ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Lao hạch ở trẻ em là một thể lao nằm ngoài phổi với các vị trí nổi hạch hay gặp như: hạch cổ, hạch bẹn, hạch nách. Bệnh không lây nhiễm và không gây tử vong. Khi trẻ nhỏ bị nhiễm trùng hoặc dị ứng, hạch sẽ có kích thước lớn. Hạch ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ nhìn chung to hơn hạch của người trưởng thành, có thể dễ nhận ra bằng cách sờ nắn.

1. Nguyên nhân gây nổi hạch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nguyên nhân nổi hạch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể là do cơ thể phản ứng với nhiều thứ khác nhau. Trong các trường hợp nhiễm trùng như viêm họng, viêm nướu, hạch cũng có thể trở nên to hơn bình thường. Chúng cũng có thể to hơn khi đáp ứng với việc nhiễm virus như viêm hạch bạch huyết. Hạch sưng ở tất cả các thời điểm có thể liên quan đến eczema.

Ở trẻ em, ung thư cũng là nguyên nhân khiến hạch nổi to, nhưng trường hợp này rất hiếm gặp. Hạch có thể tồn tại trên 1 tháng sau khi hết nhiễm trùng.

Bệnh lao hạch ở trẻ em thường xuất hiện ở vùng cổ. Các hạch viêm thông thường (do tổn thương nướu, miệng, mũi... ) là nơi vi khuẩn lao dễ dàng xâm nhập, khu trú và dẫn đến lao hạch.

Vi khuẩn gây bệnh lao hạch chủ yếu là trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis.

Bệnh lao hạch có chữa khỏi được không
Bệnh lao hạch thường xuất hiện ở vùng cổ

2. Đường xâm nhập của lao hạch ở trẻ em

Trực khuẩn lao có thể xâm nhập trực tiếp vào đường bạch huyết qua thương tổn lao ở niêm mạc miệng, hoặc từ một tổn thương bình thường do sang chấn, nhiễm khuẩn. Trực khuẩn lao qua niêm mạc miệng đi vào đường bạch huyết (lao hạch tiên phát), cũng có khi xâm nhập hệ thống bạch huyết qua niêm mạc miệng mà không để lại dấu vết gì. Ngoài ra, trực khuẩn lao có thể gây viêm hạch nhiều chỗ.

3. Biểu hiện bệnh lao hạch ở trẻ em

Lao hạch ở trẻ em chia ra làm nhiều thể với những dấu hiệu và diễn biến khác nhau. Dấu hiệu nhận biết thông thường của lao hạch ở trẻ em có thể kể đến là hạch sưng to ở vùng cổ, có thể xuất hiện một hoặc nhiều hạch. Các hạch xuất hiện sưng to dần, không gây đau và rất chắc chắn. Da ở vùng hạch sưng to, không nóng, không tấy đỏ.

Sự phát triển của lao hạch ở trẻ em diễn biến qua 3 giai đoạn như sau:

  • Thể viêm hạch thông thường: Không viêm quanh hạch, thường ở vùng dưới hàm hay cạnh cổ có một hay nhiều hạch sưng to. Hạch cứng, ấn không đau, có thể di động dưới da. Có thể hạch chỉ dừng ở giai đoạn này hoặc chuyển sang giai đoạn viêm quanh hạch.
  • Thể viêm hạch và viêm quanh hạch: Các hạch sưng to và tụ lại thành một khối, nhiều cục dính sâu vào da do viêm quanh hạch. Ban đầu hạch cứng, ấn không đau, sau mềm và chuyển sáng. Da có thể trở nên loét, rò chảy mủ màu xanh nhạt, không dính, trong mủ có bã đậu. Lỗ dò có bờ tím, bong ra, có thể bội nhiễm gây viêm hạch lan tỏa. Sau khi khối tổ chức hạch đã bị loại trừ hết, lỗ dò khó để lại những sẹo lồi, sùi trắng hoặc những dây chằng xơ. Lao hạch ở trẻ em không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ trừ những trường hợp bị bội nhiễm hay kèm theo tổn thương lao phổi, xương...
  • Thể khối u: Là viêm hạch lao tiến triển thành phì đại. Thể này ít gặp, khối u thường ở cổ, ít được chú ý, thấy một hay vài hạch nổi to, sau dính thành một khối không đau, di động, sờ chắc và không có viêm quanh hạch. Khối u to dần, có thể bằng quả cam, chiếm gần hết vùng bên cổ. Các hạch khác (dưới hàm, mang tai...) cũng bị phì đại. U có thể ở một bên nhưng có khi cả hai bên làm cho cổ nhìn như bành ra gây mất cân xứng vùng đầu mặt. Viêm lao hạch phì đại rất khó điều trị dứt điểm, gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Lao hạch
Hạch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh lao hạch ở trẻ em

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường tương tự như trên, hãy cho trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để được xét nghiệm chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị.

Hiện nay, có thể chẩn đoán lao hạch ở trẻ em bằng các xét nghiệm như:

  • Cấy BK
  • Chụp X–quang phổi.
  • Làm sinh thiết hạch.
  • Xét nghiệm mô tế bào hạch bằng phương pháp chọc hạch

Việc thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán lao hạch ở trẻ em khi có các triệu chứng trên cần được thực hiện nhanh chóng. Điều này rất quan trọng để phục vụ cho việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác và tránh để bệnh trầm trọng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị.

5. Phòng tránh lao hạch ở trẻ em

Cần cho trẻ tẩm bổ, chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các vitamin để có sức đề kháng tốt.

Khi đã được chẩn đoán bị lao hạch, cần cho trẻ nghỉ ngơi, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để chóng khỏe bệnh.

6. Điều trị lao hạch ở trẻ em

Khám bệnh
Điều trị lao hạch ở trẻ em bằng nội khoa cần nhiều thời gian và phải dưới sự chỉ định của bác sĩ
  • Điều trị nội khoa

Đối với bệnh lao hạch ở trẻ em, điều trị nội khoa là chủ yếu. Việc điều trị phải tuân theo những nguyên tắc bắt buộc của điều trị bệnh lao nói chung. Bệnh nhân phải sử dụng phối hợp các thuốc chống lao, ít nhất từ 3 thuốc trở lên. Ở giai đoạn tấn công nên dùng phối hợp từ 3 đến 4 loại thuốc chống lao, giai đoạn duy trì nên dùng 2 loại thuốc chống lao .

Thời gian điều trị lao hạch ở trẻ em (kể cả giai đoạn củng cố) nên kéo dài 9-12 tháng vì lao hạch hay tái phát, thời gian điều trị còn tùy thuộc vào sự đáp ứng của bệnh nhân. Nhưng, do đặc điểm tổn thương tại hạch, thuốc ngấm vào hạch khó nên kết quả điều trị thường không nhanh như các thể lao khác. Trong giai đoạn điều trị lao hạch, trẻ em phải được giữ vệ sinh sạch sẽ, chế độ ăn uống đầy đủ và hợp lý.

  • Điều trị ngoại khoa

Không nên cắt bỏ hạch sớm ở trẻ em vì hạch có vai trò bảo vệ chống sự xâm nhập của trực khuẩn lao.

Khi hạch sưng tấy đỏ, nhuyễn hoá, hoá mủ và có khả năng vỡ, nên tiến hành chích rạch dẫn lưu mủ để tránh sẹo xấu sau này. Trường hợp hạch đã rò mà mủ vẫn chưa ra hết, có thể trích rạch để mở rộng lỗ rò, nạo vét hết mủ và điều trị tại chỗ, kết hợp các thuốc chống lao như trên .

Trường hợp lao hạch ở trẻ em với hạch có kích thước quá to, gây chèn ép vào tổ chức xung quanh như mạch máu, thần kinh thì cần được tiến hành mổ bóc hạch. Lưu ý khi tiến hành mổ bóc hạch không được làm tổn thương đến mạch máu và thần kinh.

Khi điều trị, cần chú ý chăm sóc sức khỏe của trẻ, tránh để tình trạng bệnh nặng hơn.

7. Những điều cần lưu ý khi trẻ xuất hiện hạch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Hạch là phản ứng của cơ thể khi gặp điều kiện bất lợi hay nhiễm trùng. Trong nhiều trường hợp, các hạch xuất hiện đều là lành tính. Nhưng hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ hoặc gọi cho bác sĩ tư vấn nếu xuất hiện sưng hạch kèm theo một trong các biểu hiện sau:

  • Hạch có kích thước lớn hơn 2,5 cm, hoặc trên 1,2 cm nhưng tồn tại lâu hơn 1 tháng.
  • Viêm hạch cổ trẻ em gây khó thở, ảnh hưởng đến việc nuốt hoặc uống của trẻ.
  • Trẻ sốt trên 40°C và không có dấu hiệu giảm sau 2 giờ uống thuốc, hoặc sốt trên 3 ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Da vùng nổi hạch đỏ.
  • Hạch phát triển nhanh và to lên sau nhiều giờ.
  • Vùng hạch sưng gây đau.
  • Trẻ cảm thấy đau họng.
  • Hạch có kích thước lớn xuất hiện ở nhiều khu vực.
  • Hạch ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 1 tháng xuất hiện hạch.
  • Trước đó trẻ không có dấu hiệu hay biểu hiện nào cho thấy sẽ nổi hạch to.

Mặc dù lao hạch ở trẻ em không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và bệnh cũng không lây nhiễm, tuy nhiên lại khiến trẻ khó chịu. Nếu không kịp thời phát hiện, chẩn đoán và điều trị, bệnh để lại sẹo rất xấu và mất thẩm mỹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

340.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan