Massage, chườm nóng có hết tắc sữa hoàn toàn không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tắc sữa là tình trạng thường xảy ra vào thời kỳ cho con bú do ống dẫn sữa không thông, làm cho dòng sữa không thể chảy ra ngoài, khiến bầu ngực mẹ căng cứng sưng to, đau nhức, nếu kéo dài sẽ gây sốt cao và có thể để lại các biến chứng nguy hiểm. Vậy massage, chườm nóng có hết tắc sữa hoàn toàn không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gây tắc sữa

Tắc sữa là hiện tượng khá phổ biến ở những bà mẹ sinh con lần đầu chưa có kinh nghiệm. Biểu hiện của bệnh tắc sữa là hai vú cương cứng, rất đau, nóng, nhiều trường hợp còn bị sốt vừa hoặc sốt cao. Nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bà mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, dần dần người mẹ sẽ mất sữa, phải nuôi trẻ bằng sữa ngoài.

Cấu tạo tuyến sữa
Cấu tạo tuyến sữa.

Nguyên nhân gây tắc sữa:

  • Người mẹ không cho trẻ bú sớm và thường xuyên. Sữa tiết ra trong những ngày đầu sau sinh là sữa non do vậy thường đặc và sánh, nếu không cho trẻ bú sớm để giải phóng sẽ ứ đọng lại gây tắc sữa.
  • Không vắt hết sữa thừa sau khi trẻ bú hoặc vắt sữa không đúng cách, mẹ mặc áo ngực quá chật,...
  • Nhiễm khuẩn, vi khuẩn thường xâm nhập từ ngoài vào thông qua đầu vú và hệ thống ống tuyến vú do người mẹ vệ sinh đầu vú không tốt trong thời kỳ cho con bú. Hệ thống ống dẫn sữa nhiễm khuẩn sẽ bị hẹp gây cản trở sữa thoát ra ngoài dẫn đến tắc sữa.
  • Bà mẹ bị căng thẳng tinh thần trong thời kỳ cho con bú hoặc chế độ dinh dưỡng cho người mẹ chưa hợp lý,... cũng làm tăng nguy cơ tắc sữa.
  • Sau khi sinh ở nhiều sản phụ: Không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh. Không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết gây ứ đọng sữa dẫn đến tắc sữa. Mẹ bị cảm lạnh nên sữa khó lưu thông. Sau khi cho trẻ bú không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch,...

2. Dấu hiệu bị tắc sữa

  • Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tắc sữa là hai bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần kèm theo đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít, vắt cũng không ra.
  • Có cảm giác sốt, đau tăng lên khi sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong.
  • Khi vào vị trí tắc sữa sẽ thấy có những khối tròn bề mặt gồ ghề, mật độ cứng với nhiều kích thước khác nhau, khi chạm vào rất đau.
  • Sữa không chảy ra được khi cho trẻ bú hoặc khi hút, nặn.
  • Ngoài ra, sản phụ có thể xuất hiện các biểu hiện khác như: Mệt mỏi, nhức đầu, sốt cao,...
  • Việc khai thông ống dẫn sớm sẽ làm giảm tình trạng bệnh và hạn chế hậu quả do tắc kéo dài.

3. Điều trị tắc tia sữa

Việc làm tan các vị trí sữa ứ đọng đã đông kết, thông thoáng hệ thống ống tuyến sữa và hạn chế việc xuất hiện thêm những vị trí mới sẽ giải quyết được triệu chứng và hạn chế hậu quả do tắc gây nên như: Viêm tuyến sữa, áp - xe tuyến vú, xơ hóa tuyến vú,...

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị tắc tia sữa nhưng chưa có một phương pháp nào đem lại hiệu quả tốt nhất cho sản phụ. Vẫn có những trường hợp tắc tia sữa điều trị không cải thiện dẫn tới viêm, áp - xe tuyến vú. Nhiều sản phụ đã phải chích rạch để giải phóng sữa ứ đọng hoặc uống thuốc để giảm bớt tiết sữa. Một trong những điều mà họ không hề mong muốn.

Điều trị tắc sữa bằng biện pháp massage
Điều trị tắc sữa bằng biện pháp massage.

3.1. Day ép bằng tay

Dùng 1 bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau và ép lên thành ngực. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí tắc sữa. “Day ép” chứ không phải là “xoa”, bởi vì chỉ có lực khi day ép mới có tác dụng đối với vị trí tắc sữa nằm ở sâu bên trong bầu vú và mới có thể làm tan chỗ tắc sữa. Đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có khả năng chịu đựng được, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 - 30 lần và ngược lại. Thực hiện như trên nhiều lần.

3.2. Chườm nóng

Sau khi day ép vẫn thấy ngực căng tức, bạn có thể chườm nóng, dưới tác dụng của nước nóng (không quá nóng có thể gây bỏng) tắc sữa tan dần, khai thông dòng chảy tạo điều kiện cho sữa mới chảy ra. Cùng với các động tác mát-xa hỗ trợ, tình hình tắc sữa sẽ dần được cải thiện.

3.3. Dụng cụ hút sữa

Dùng áp lực âm để hút nên thường chỉ sử dụng trong giai đoạn sớm khi khối tắc sữa mới vón kết và với vị trí tắc nằm gần núm vú. Đối với vị trí tắc sữa ở sâu hoặc ở nang sữa thì rất khó bởi vì nếu để áp lực nhỏ thì không thể làm tan chỗ tắc sữa đông kết, còn nếu để áp lực lớn thì sẽ gây ra tổn thương nặng thêm do mạch máu, ống dẫn bị căng giãn; nhất là khi hiện tượng tắc sữa có yếu tố nhiễm khuẩn. Ở giai đoạn muộn khi tắc sữa đã hình thành những cục, mảng lớn thì dùng dụng cụ hút sữa gần như không có tác dụng. Vậy nên chỉ nên sử dụng dụng cụ hút sữa khi mới xuất hiện những dấu hiệu sớm của bệnh.

3.4. Phương pháp vật lý điều trị tắc tia sữa

Phương pháp điều trị vật lý tắc sữa bao gồm: Sóng siêu âm đa tần số kết hợp với chiếu tia hồng ngoại và dòng điện xung là một áp dụng rất thành công cho các bà mẹ không may bị tắc sữa đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả, có nhiều ưu điểm như:

  • Làm tan nhanh chóng các vị trí tuyến sữa bị đông kết và vón cục.
  • Không gây tổn thương các tuyến sữa và hệ thống ống dẫn sữa bình thường khác.

3.5. Đèn hồng ngoại sử dụng trong điều trị tắc sữa

Một lần điều trị trung bình: 30-45 phút.

Ngay sau lần điều trị đầu tiên sản phụ đã có những cải thiện đáng kể:

  • Giảm cương tức và đau.
  • Tuyến vú mềm ra và sữa bắt đầu tiết khi trẻ bú hay khi hút.

Sản phụ điều trị 2 đến 3 lần là có hiệu quả, một gói điều trị đầy đủ là 5 lần. Điều đặc biệt của việc điều trị kết hợp sóng siêu âm, hồng ngoại và điện xung là khả năng làm tan nhanh sữa đông kết, lỏng độ đặc quánh của sữa, giãn nở ngay cả chỗ ống dẫn sữa bị tắc nằm sâu, do đó tuyến sữa được khai thông nhanh chóng. Không những thế, vùng bị tắc sữa giảm đau và giảm sưng, mô tuyến vú mềm và kích thích sự phóng sữa ra ngoài. Sau khi điều trị, hết tắc sữa nên việc cho bé bú hay hút sữa rất dễ dàng.

Tắc sữa là nỗi lo lắng của sản phụ nhưng nếu biết cách phòng ngừa và điều trị đúng phương pháp thì sẽ mang lại kết quả rất tốt.

4. Phòng ngừa tắc sữa

Để phòng ngừa viêm tắc sữa sau sinh, quan trọng nhất là phòng nứt đầu vú. Trong thời kỳ đầu mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng thì chị em cần phải vê kéo dần ra ngoài hằng ngày nhất là từ khi mang thai ở tháng thứ 8.

Tiếp đến, cần cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10 – 15 phút là đủ, không để trẻ ngậm đầu ti ngủ. Mỗi lần cho bú phải bú hết sạch bên này rồi mới đổi sang bên kia, nếu bú không hết thì vắt ra ngoài.

Mỗi lần cho bú, sản phụ cần giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho con bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô. Nếu khi vắt sữa thấy bị tắc sữa hoặc chảy không thành tia thì phải xoa vú cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông sữa khi cho bú, hoặc là phải dùng máy vắt sữa thường xuyên như vậy sẽ tránh được tắc sữa.

Nên uống nhiều nước, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thịt, cá, trứng sữa và các chất xơ từ rau quả, hạn chế ăn chất béo bão hòa...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

198.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan