Lao bàng quang: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Lao tiết niệu xảy ra trong trường hợp thận bị nhiễm lao theo đường máu từ một ổ lao ở phổi, màng phổi, bạch huyết hay từ một nơi nào khác. Lao tiết niệu thường được phát hiện muộn sau khi đã được chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân như nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi thận, ung thư thận.

1. Hiểu về lao tiết niệu

Lao tiết niệu sinh dục đứng thứ hai sau lao phổi, có khoảng 1/6 các bệnh nhân lao phổi có lao các cơ quan khác ngoài phổi như lao hạch, ruột, xương, thận. Nguy cơ này tăng gấp 2 ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, dinh dưỡng kém hoặc điều kiện sống kém.

Các cơ quan sinh dục (tuyến tiền liệt, túi tinh, mào tinh, vòi trứng) cũng có thể khả năng bị lao theo đường từ thận hoặc theo đường máu tới. Bệnh xuất hiện muộn sau lao sơ nhiễm khoảng từ 5-15 năm, hiếm gặp ở trẻ em và thường chỉ xuất hiện ở một bên thận.

2. Các triệu chứng của lao tiết niệu

Bí tiểu
Người bị lao bàng quang thường có hội chứng viêm bàng quang, biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn bài tiết nước tiểu

Triệu chứng của lao tiết niệu thường kín đáo và thể hiện đầu tiên bằng mệt mỏi, sốt về chiều, đổ mồ hôi ban đêm. Nếu bị ở bàng quang, bệnh nhân sẽ có hội chứng viêm bàng quang, đái khó, đái rắt, đôi khi đái ra máu đại thể ở cuối bãi. Khám lâm sàng thường âm tính, vùng thận có thể đau khi sờ nắn vào.

Lao tiết niệu thường được phát hiện muộn sau khi đã được chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân như nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi thận, ung thư thận... Tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng thường gặp sau đây:

2.1 Rối loạn bài tiết nước tiểu

Biểu hiện bằng các triệu chứng của viêm bàng quang (60 - 70% trong lao tiết niệu) như đái dắt, nhất là về đêm, đái buốt cuối bãi. Những triệu chứng này có khi thường xuyên, có khi không rõ. Bệnh diễn biến từng đợt thường giảm rồi lại xuất hiện trở lại. Những triệu chứng này giống với triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiết niệu.

2.2 Tiểu ra máu

Là dấu hiệu thường gặp thường là số lượng ít, đái ra máu nhưng không đau, hay tái đi tái lại, hay gặp đái ra máu toàn bãi, có thể chỉ đái ra máu vi thể, chỉ xác định được bằng xét nghiệm nước tiểu.

2.3 Tiểu ra mủ

Bệnh nhân có thể chỉ tiểu ra mủ, dịch mủ này nuôi cấy âm tính với vi khuẩn thông thường.

2.4 Đau vùng thắt lưng

Bệnh nhân có cảm giác nặng hoặc đau nhẹ vùng thắt lưng, đôi khi gặp cơn đau quặn thận do tổn thương gây chít hẹp đường bài tiết nước tiểu, hoặc mảng bã đậu di chuyển theo đường bài tiết nước tiểu gây tắc tạm thời, gây co thắt niệu quản.

2.5 Các triệu chứng khác

Có thể sẽ phát hiện lao khi có viêm bàng quang, thăm dò trực tràng đôi khi thấy lao lan tới các túi tinh và tuyến tiền liệt (có những chỗ rắn lại). Nếu bị lao, mào tinh to lên và rắn, có thể có các lỗ rò do lao ở tầng sinh môn.

Ở phụ nữ có thể bị viêm phần phụ, bị vô sinh, kinh nguyệt không đều và có khi bị viêm phúc mạc, cần phải khám lâm sàng thật kỹ để phát hiện ổ lao ngoài thận, nhất là lao phổi, lao bạch huyết hay lao xương.

3. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh

Khám bệnh
Cần thực hiện một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán chính xác bệnh

Xét nghiệm bổ sung khác cần làm để chẩn đoán lao tiết niệu gồm:

  • Chụp bụng không chuẩn bị để có thể thấy các chỗ vôi hóa ở thận và tuyến tiền liệt.
  • Chụp đường niệu qua tĩnh mạch: Để thấy các gai thận bị xói mòn, các đài thận bị co, bị hẹp và có chỗ phình ở trước dòng, cũng có thể thấy niệu quản bị hẹp lại, thường ở chỗ xa. Các tổn thương thường ở một bên hơn là ở cả hai bên.
  • Chụp niệu quản - bàng quang ngược dòng: Cho thấy niệu đạo bị chít hẹp, có hang trong tuyến tiền liệt.
  • Soi bàng quang: Thấy các tổn thương trong viêm bàng quang thông thường hoặc phù hình bong bóng ở chỗ đổ vào của niệu quản, đến giai đoạn nặng, có thể thấy khối lao, vết loét và bàng quang co nhỏ lại do bị xơ hóa.
  • Chụp siêu âm thận: Thấy các tổn thương ở thận.

4. Điều trị lao tiết niệu

Mục tiêu chính của điều trị là bảo vệ nhu mô thận và chức năng, giúp bệnh nhân không còn nhiễm trùng và kiểm soát các tình trạng kèm theo. Bệnh lao tiết niệu sinh dục đáp ứng tốt hơn với một đợt điều trị ngắn so với lao phổi vì bệnh lao niệu sinh dục mang lượng vi khuẩn lao thấp hơn. Ngoài ra, hai loại thuốc chủ chốt để điều trị lao là isoniazid (INH) và rifampicin thâm nhập tốt vào các tổn thương dạng khoang liên quan với bệnh lao tiết niệu.

Tiên lượng bệnh lao tiết niệu đáp ứng thuốc điều trị tốt sẽ còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương khi chẩn đoán và bắt đầu điều trị. Nếu điều trị sớm thì lao thận và chức năng thận không bị ảnh hưởng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan