Làm thế nào khi bị viêm kết mạc mãn tính?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt.

Viêm kết mạc hay đau mắt đỏ là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng kết mạc làm mí mắt bị sưng và che phủ nhãn cầu. Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc bị viêm, chúng sẽ nhìn thấy rõ hơn, đây là nguyên nhân khiến lòng trắng mắt của bạn xuất hiện màu đỏ hoặc hồng.

1. Viêm kết mạc mãn tính là gì?

Kết mạc là một màng mỏng, gần như trong suốt, bao phủ phía trước củng mạc và mi mắt phía trong. Kết mạc chứa các ống sản sinh chất nhờn giúp mắt được bôi trơn, ngăn chặn các dị vật lọt vào mắt, làm giảm nhiễm trùng mắt. Viêm kết mạc là tình trạng viêm của lớp kết mạc. Khi tình trạng viêm kéo dài hơn 3-4 tuần, được coi là viêm kết mạc mạn tính.

Nguyên nhân viêm kết mạc thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, phản ứng dị ứng... Mặc dù viêm kết mạc có thể gây khó chịu, nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực của bạn. Phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt sự khó chịu của bệnh. Do viêm kết mạc có thể lây nhiễm nên việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp hạn chế sự lây lan của bệnh.

viêm kết mạc
Viêm kết mạc thường do nhiều nguyên nhân dẫn tới mức độ ảnh hưởng khác nhau

2. Triệu chứng của viêm kết mạc mãn tính

Các triệu chứng của viêm kết mạc phổ biến nhất bao gồm:

  • Đỏ ở một hoặc cả hai mắt
  • Ngứa ở một hoặc cả hai mắt
  • Cảm giác khó chịu ở một hoặc cả hai mắt
  • Có rỉ ghèn hoặc chất dịch ở một hoặc cả hai mắt tạo thành lớp trong khi bạn đang ngủ ban đêm và bạn sẽ cảm thấy khó có thể mở mắt vào buổi sáng.

Có một số nguyên nhân nghiêm trọng khác cũng có thể khiến cho mắt bị đỏ với những triệu chứng như đau mắt, cảm giác có thứ gì đó bị mắc kẹt trong mắt bạn, mờ mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Nếu bạn gặp những triệu chứng này, bạn nên đến cơ sở Y tế sớm để được khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thị lực.

Những người đeo kính áp tròng cần ngừng đeo kính áp tròng ngay khi bắt đầu có các triệu chứng đau mắt đỏ. Nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm trong vòng 12 đến 24 giờ, hãy hẹn gặp bác sĩ nhãn khoa để điều trị nhằm giúp bạn không bị nhiễm trùng mắt nghiêm trọng hơn liên quan đến việc sử dụng kính áp tròng.

Viêm kết giác mạc mùa xuân
Viêm kết mạc gây ra triệu chứng đỏ ở một hoặc cả hai mắt

3. Phân loại nguyên nhân gây viêm kết mạc mãn tính

  • Các chủng virus là nguyên nhân phổ biến nhất và là dạng dễ lây lan nhất. Phần lớn các trường hợp đều ảnh hưởng đến cả hai mắt. Người bệnh có cảm giác như có vật gì lọt vào mắt gây chảy nước mắt, chảy mủ, đỏ mắt và sưng mí mắt. Mắt nhạy cảm với ánh sáng và không nhìn được rõ. Mắt trở nên đỏ, chảy mủ nhưng giác mạc và đồng tử vẫn bình thường. Kèm theo các triệu chứng khác như đau họng, sốt và đau đầu. Nhiễm trùng mắt kéo dài 1-2 tuần và thường tự khỏi.
  • Các chủng vi khuẩn thường lây nhiễm một mắt nhưng có thể xuất hiện ở cả hai. Mắt của bạn sẽ tiết ra nhiều mủ và chất nhầy. Nhiễm trùng vùng rìa mí mắt do vi khuẩn có thể dẫn đến viêm kết mạc mãn tính. Người bệnh bị đau nhức mí mắt kèm theo một ít mủ. Mắt trông có vẻ bình thường hoặc hơi đỏ.
  • Các loại dị ứng gây ra chảy nước mắt, ngứa và đỏ ở cả hai mắt. Bạn cũng có thể bị ngứa, sổ mũi. Nguyên nhân không được rõ, nhưng bệnh thường xuất hiện ở những người bị bệnh hen và bệnh chàm hoặc những người bị dị ứng kéo dài. Người bệnh cảm thấy ngứa lặp đi lặp lại, có mủ đặc quánh, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực mờ đục và mắt đổi màu. Cần chữa trị theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa. Viêm kết mạc dị ứng mạn tính gặp ở người lớn hoặc trẻ em bị ngứa mắt đột ngột do tiếp xúc với vật gây dị ứng. Mí mắt và kết mạc sưng lên rõ rệt và chảy nhiều nước mắt và thường không gây đỏ mắt. Bệnh có thể tự khỏi một cách nhanh chóng.
  • Viêm kết mạc sơ sinh là bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Nguyên nhân viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh rất khó xác định vì trong nhiều trường hợp, các triệu chứng không khác nhau. Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh có thể được gây ra bởi tắc tuyến lệ, nhiễm trùng hay bị kích ứng khi dùng kháng sinh nhỏ mắt lúc mới sinh để phòng ngừa một số bệnh từ đường sinh dục mẹ lây qua con. Người mẹ có thể không có triệu chứng vào thời điểm sinh nhưng có thể có mang vi khuẩn hoặc virus có thể lây nhiễm cho con. Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như lậu, chlamydia) có thể rất nghiêm trọng.
Viêm kết mạc sơ sinh
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có thể gây ra bệnh viêm kết mạc sơ sinh
  • Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ do có liên quan đến việc sử dụng lâu dài kính áp tròng hoặc sử dụng mi mắt nhân tạo gây tổn thương dạng nhú to ở mi mắt.

4. Yếu tố nguy cơ mắc viêm kết mạc mãn tính

  • Thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng khiến bạn bị viêm kết mạc dị ứng tái đi tái lại nhiều lần.
  • Tiếp xúc với người bị nhiễm virus viêm kết mạc do virus hoặc vi khuẩn
  • Sử dụng kính áp tròng, đặc biệt là kính áp tròng sử dụng qua đêm.

5. Phòng ngừa viêm kết mạc mãn tính

Để tránh viêm kết mạc chuyển thành viêm kết mạc mãn tính và tránh lây lan bệnh cho người khác, bạn cần thực hành vệ sinh tốt để kiểm soát như:

  • Không chạm vào mắt bạn bằng tay.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Sử dụng khăn mặt và khăn tắm sạch hàng ngày.
  • Không dùng chung khăn mặt và khăn tắm với người khác.
  • Thay đổi hoặc vệ sinh vỏ gối thường xuyên.
  • Không nên sử dụng một số đồ mỹ phẩm mắt, chẳng hạn như mascara.
  • Không chia sẻ mỹ phẩm mắt hoặc các sản phẩm chăm sóc mắt của cá nhân cho người khác.
Phòng ngừa bệnh võng mạc
Sử dụng khăn mặt và khăn tắm sạch hàng ngày phòng tránh bệnh võng mạc

Ngăn ngừa viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh:

Để phòng bệnh viêm kết mạc, ngay sau khi sinh trẻ cần được tra thuốc mỡ tetracyclin 1% hoặc nhỏ mắt bằng dung dịch cloramphenicol 0,4%, argyrol 1% theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trẻ mắc bệnh này chủ yếu do bị nhiễm khuẩn qua đường âm đạo của mẹ khi sinh (do bệnh nhiễm khuẩn sinh dục của người mẹ) nên trước khi mang thai người mẹ cần khám phụ khoa và điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm sinh dục để phòng bệnh cho trẻ khi sinh.

6. Điều trị viêm kết mạc mãn tính

Điều trị viêm kết mạc thường tập trung vào giảm triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng nước mắt nhân tạo, làm sạch mí mắt bằng khăn ướt và chườm lạnh hoặc chườm ấm nhiều lần mỗi ngày.

Nếu bạn đeo kính áp tròng, bạn sẽ được khuyên ngừng đeo chúng cho đến khi khỏi hẳn. Bác sĩ của bạn có thể sẽ khuyên bạn nên vứt bỏ kính áp tròng mà bạn đã đeo nếu kính của bạn là loại dùng một lần.

Vệ sinh hộp đựng kính áp tròng trước khi bạn sử dụng chúng. Hỏi bác sĩ nếu bạn nên loại bỏ và thay thế các phụ kiện kính áp tròng, chẳng hạn như trường hợp ống kính được sử dụng trước hoặc trong khi bị bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ không cần thuốc nhỏ mắt kháng sinh. Vì viêm kết mạc thường là do virus, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng và thậm chí có thể gây hại bằng cách giảm hiệu quả của chúng trong tương lai hoặc gây ra phản ứng thuốc. Thay vào đó, virus cần thời gian để biến mất - tối đa hai hoặc ba tuần.

Vệ sinh hộp đựng kính áp tròng
Vệ sinh hộp đựng kính áp tròng trước khi bạn sử dụng chúng tránh gây ra bệnh viêm kết mạc mãn tĩnh

Viêm kết mạc do virus thường bắt đầu ở một mắt và sau đó lây nhiễm sang mắt còn lại trong vòng vài ngày. Các dấu hiệu và triệu chứng của bạn sẽ dần dần nặng lên. Thuốc kháng virus có thể là một lựa chọn nếu bác sĩ xác định rằng viêm kết mạc do virus như virus herpes simplex (herpes đơn dạng).

Điều trị viêm kết mạc dị ứng: Nếu các chất gây dị ứng là nguồn kích thích dẫn đến viêm kết mạc dị ứng, bác sĩ có thể kê toa gồm nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau cho những người bị dị ứng. Chúng có thể bao gồm các loại thuốc giúp kiểm soát các phản ứng dị ứng, như thuốc kháng histamine và chất ổn định tế bào mast hoặc các loại thuốc giúp kiểm soát tình trạng viêm, như thuốc thông mũi, steroid và thuốc chống viêm. Thuốc nhỏ mắt không kê đơn có chứa thuốc kháng histamine và thuốc chống viêm cũng có thể có hiệu quả. Bạn cũng có thể giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng bằng cách tránh mọi nguyên nhân gây dị ứng.

7. Lựa chọn cơ sở điều trị viêm kết mạc mãn tính

Khoa Mắt Vinmec Times City
Đơn nguyên Mắt Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có chức năng chăm sóc sức khỏe mắt và thị giác toàn diện

Mặc dù trong một số trường hợp bệnh có thể khỏi mà không cần điều trị gì, tuy nhiên với tình trạng môi trường không khí hiện nay, đặc biệt là các thành phố lớn, khói bụi có thể làm tình trạng bệnh viêm kết mạc nặng hơn. Nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng viêm kết mạc mãn tính, các triệu chứng tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và học tập, làm việc của người bệnh. Do đó, việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín là điều cần thiết.

Đơn nguyên Mắt thuộc Khoa Liên Chuyên Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có chức năng chăm sóc sức khỏe mắt và thị giác toàn diện cho trẻ em, người lớn và người già bao gồm kiểm tra tật khúc xạ, khám tổng quát, siêu âm chẩn đoán, điều trị bằng laser và phẫu thuật. Bệnh cạnh đó, Đơn nguyên Mắt cũng có nhiệm vụ phối hợp với các khoa lâm sàng khác trong việc điều trị các biến chứng bệnh lý và tổn thương về mắt, trong đó có viêm kết mạc mãn tính.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org và Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

27.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan