Dấu hiệu dọa sinh non và sinh non

Sinh non là cuộc chuyển dạ từ tuần 22 đến tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Vì vậy, dự phòng và điều trị đẻ non - dọa đẻ non là một vấn đề cần được quan tâm.

1. Lý do khiến phụ nữ sinh non?

Đa số các trường hợp sinh non đều không rõ nguyên nhân. Một số nguyên nhân chính có thể gây sinh non như vỡ ối non, đa thai, đa ối, thai dị dạng; các bệnh lý ở mẹ như cao huyết áp, viêm đài bể thận, viêm ruột thừa, tử cung dị dạng, ăn uống kém dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu bia, lao động quá sức; nguyên nhân từ nhau thai như nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau.

2. Các dấu hiệu dọa sinh non và sinh non?

2.1 Dấu hiệu dọa sinh non

  • Triệu chứng cơ năng: Đau bụng có tính chất từng cơn, tức nặng bụng dưới, đau lưng; ra dịch âm đạo màu hồng hoặc dịch nhầy.
  • Triệu chứng thực thể: Cơn co tử cung với tần suất 2 cơn/ 10 phút, thời gian co cứng dưới 30 giây; cổ tử cung đóng hoặc mở dưới 2cm

2.2 Dấu hiệu sinh non

  • Triệu chứng cơ năng: Đau bụng từng cơn, tính chất đều đặn và tăng dần; ra dịch âm đạo, dịch nhầy, máu và nước ối.
  • Triệu chứng thực thể: Cơn co tử cung có tính chất dày hơn từ 2 - 3 lần/phút, và tăng dần theo thời gian; cổ tử cung mở trên 2cm; thành lập đầu ối và vỡ ối.
doa-sinh-non-1
Đau bụng từng cơn, tính chất đều đặn và tăng dần là dấu hiệu sinh non

3. Hậu quả của việc sinh non trên trẻ sơ sinh

  • Trẻ bị nhẹ cân.
  • Phổi trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị suy hô hấp và tử vong. Nếu sống được trẻ cũng dễ mắc các bệnh đường hô hấp về sau như viêm phổi, viêm phế quản...
  • Trẻ dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như tim bẩm sinh, mù, điếc, câm...Ngoài ra, khi lớn lên trẻ thường bị những di chứng thần kinh rõ rệt hoặc tiềm tàng, từ đó trở thành gánh nặng về tâm lý và tài chính cho gia đình.

4. Điều trị dọa sinh non - sinh non

4.1 Thuốc giảm hoặc cắt cơn đau tử cung

Nifedipin: là lựa chọn trong thuốc giảm co tử cung, nếu không rơi vào trường hợp bị chống chỉ định.

Chống chỉ định: huyết áp thấp, các bệnh tim mạch như suy tim, tiền sản giật, nhiễm trùng ối, suy thai, xuất huyết trước sinh, cẩn thận khi dùng đồng thời với với Salbutamol và các thuốc có thành phần của MgSo4.

Liều dùng:

  • Liều khởi đầu: uống 20mg Nifedipin (không dùng dạng phóng thích chậm)
  • Sau 30 phút, nếu cơn co tử cung vẫn còn thì cho thêm liều uống 20mg
  • Sau 30 phút nữa, nếu cơn co còn tiếp tục thì cho thêm 1 liều uống 20mg
  • Nếu huyết áp trở lại ổn định, có thể cho liều duy trì 20mg x 3 lần /ngày trong 48-72 giờ

Chú ý: Liều dùng Nifedipin tối đa là 120mg/ ngày

Thận trọng: Kết hợp theo dõi cân bằng điện giải, ure, creatinin và chức năng gan; theo dõi tim thai liên tục đến khi hết cơn co, chức năng tim phổi 8 giờ/lần; kiểm tra dấu hiệu sinh tồn 30 phút/lần đến khi hết cơn co tử cung;

Tác dụng không mong muốn: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nóng bừng mặt, tim đập nhanh, tụt huyết áp, nguy cơ cao hơn ở những người suy tim, tăng men gan.

Salbutamol: Là lựa chọn thứ 2, nếu không rơi vào trường hợp bị chống chỉ định

Chống chỉ định: Không dùng đồng thời với Nifedipin do có tác dụng “hiệp đồng”; không dùng cho phụ nữ bị suy tim, suy tim thai, tiểu đường, bệnh tuyến giáp.

Liều dùng:

  • Giảm các cơn co tử cung: 5mg (ống 5ml Ventolin tiêm truyền trong sản khoa) pha loãng với dung môi đến 100 ml để đạt được dung dịch nồng độ 50mcg/ml
  • Nên dùng bơm tiêm điện khi tiêm truyền tĩnh mạch Salbutamol, với tốc độ truyền ban đầu là 12ml/ giờ (10mcg/ phút) và sau đó mỗi 30 phút được tăng lên 4ml/ giờ (3,3 mcg/phút) cho đến khi ngừng các cơn co tử cung, nhịp tim của mẹ đạt 120 lần/phút, tốc độ truyền đạt 36ml/giờ (30mcg/phút).

Thận trọng:

Kiểm tra cân bằng điện giải, urê và creatinin, trước khi truyền; kiểm tra đường huyết mỗi 4h/lần nếu có bất thường; theo dõi chức năng tim phổi 8h/lần; kiểm tra dấu hiệu sinh tồn 30 phút/lần; giảm tốc độ truyền nếu mạch thai phụ đạt > 120 lần/phút; nếu có các biểu hiện đau ngực, khó thở, tần số thở > 30 lần/phút phải ngừng truyền ngay; điều trị Salbutamol không được kéo dài trên 48 giờ, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt sẽ truyền thêm 24 giờ nữa.

Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, chóng mặt, tụt huyết áp, phù phổi, suy tim, hạ kali máu, run, tim đập nhanh.

4.2 Liệu pháp Corticoid

Tác dụng: Tăng sản xuất surfactan, thúc đẩy sự tăng trưởng của mô liên kết, giảm suy hô hấp ở trẻ thiếu tháng.

Chỉ định: Có thai từ 28 tuần đến hết 34 tuần tuổi.

Thuốc ưu tiên sử dụng:

  • Bethamethasone 12mg, tiêm bắp, khoảng cách giữa các liều là 24 giờ.
  • Dexamethasone 6mg/lần, liều tiêm bắp, tiêm 4 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ.

4.3 Xử lý khi ức chế chuyển dạ không thành công

  • Bảo vệ ối đến khi cổ tử cung mở hết, hạn chế sử dụng oxytoxin, cắt tầng sinh môn rộng ra, mổ lấy thai nếu có chỉ định.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn, sót rau, chảy máu sau sinh
  • Hồi sức cho mẹ và chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng

5. Dự phòng sinh non bằng cách nào?

doa-sinh-non-2
Cần tránh sự luyện tập quá sức trong lúc mang thai, nhất là ở những thai phụ có nguy cơ sinh non cao
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo khẩu phần ăn cân bằng và đầy đủ.
  • Cần tránh sự luyện tập quá sức trong lúc mang thai, nhất là ở những thai phụ có nguy cơ cao.
  • Không nên hút thuốc lá, uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích khác.
  • Cần kiêng giao hợp vì cơn gò tử cung thường xuất hiện sau khoái cảm.
  • Cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh non
  • Nếu có khí hư âm đạo - có thể là nguyên nhân của sanh non và vỡ ối sớm cần phải khám và điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

187.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan