Gãy cổ xương đùi có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình.

Gãy cổ xương đùi thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt khi mật độ xương bị loãng. Có thể nói gãy cổ xương đùi là một thảm họa với người cao tuổi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị gãy cổ xương đùi là rất cần thiết.

1. Nguyên nhân gây gãy cổ xương đùi

Cổ xương đùi là nơi nối chỏm xương đùi vào thân xương đùi. Do đặc điểm cấu tạo xương, vùng cổ xương đùi có một vùng điểm yếu nhất, gọi là tam giác Ward. Đây là điểm dễ gãy nhất.

Có nhiều nguyên nhân gây nên gãy cổ xương đùi đã được xác nhận. Tuy nhiên, chấn thương là nguyên nhân thường gặp nhất. Một số ít còn lại liên quan đến các bệnh lí nào đó.

  • Trên 50 tuổi hoặc có tình trạng bệnh làm suy yếu xương, chẳng hạn như loãng xương, làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi đáng kể.
  • Ung thư xương, u xương, viêm xương, lao xương.. cũng là một yếu tố nguy cơ gây gãy cổ xương đùi.
  • Té ngã là nguyên nhân phổ biến nhất của gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi.
  • Một chấn thương gián tiếp cũng có thể gây gãy cổ xương đùi. Lực tác động vào gối hoặc bàn chân ở tư thế đùi khép gây ra một lực lớn dồn lên làm gãy cổ xương đùi.
  • Ở người già chỉ cần một chấn thương nhẹ cũng có thể gây gãy cổ xương đùi.
  • Ở những người trẻ tuổi, gãy cổ xương đùi thường chủ yếu xảy ra do chấn thương năng lượng cao. Chẳng hạn như va chạm xe cộ hoặc rơi từ độ cao lớn.

Gãy cổ xương đùi thường hiếm gặp ở trẻ em( có thể gặp bong sụn tiếp hợp đầu trên xương đùi). Cùng với chấn thương năng lượng cao, gãy xương cũng có thể xảy ra bởi mật độ khoáng xương thấp, chẳng hạn như loãng xương. Ngoài ra, do một số tình trạng bệnh lý khác gây nên điển hình như bại não, loạn dưỡng cơ.

Các phương pháp đo mật độ xương để phát hiện nguy cơ loãng xương
Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi

2. Triệu chứng, dấu hiệu gãy cổ xương đùi

Triệu chứng phổ biến nhất của gãy cổ xương đùi là đau. Đau tại vùng háng. Cơn đau trầm trọng hơn khi bạn chống chân xuống đất hoặc cố gắng xoay khớp háng. Mức độ đau thay đổi theo từng cá nhân.

Sau chấn thương, gãy cổ xương đùi có thể gặp:

  • Đau ở vùng hông hoặc vùng háng.
  • Không thể nhấc gót chân lên khỏi mặt giường hoặc không thể đi lại được.
  • Sưng nề nhiều vùng khớp háng
  • Chân gãy có thể ngắn hơn chân bình thường và xoay ra ngoài (đổ bàn chân).
  • Tràn dịch khớp gối do phản ứng.

Một số ít trường hợp gãy cổ xương đùi người bệnh vẫn có thể đi lại sau chấn thương (gãy cài). Điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến tình trạng xương đùi xấu hơn( gãy rời).

3. Điều trị gãy cổ xương đùi

NSAIDs
Thuốc kháng viêm không steroid giúp làm dịu các cơn đau

Những phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi có thể là thuốc, điều trị bào tổn, phẫu thuật, phục hồi chức năng.

3.1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc giảm đau giúp làm dịu các cơn đau, thường cho trong thời gian ngắn. Có thể là những thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), hoặc những thuốc giảm đau cần kê đơn của bác sĩ, như các opioid.

Bác sĩ cũng có thể kê các thuốc biophosphonate và những thuốc loãng xương khác. Mục đích để tăng mật độ khoáng chất cho xương, làm tăng sự vững chắc cho xương. Những thuốc này giúp giảm nguy cơ cho những gãy xương háng khác, tùy thuộc vào độ tuổi bệnh nhân.

Các thuốc chống đông máu được dùng để đề phòng huyết khối tĩnh mạch chi dưới đối với trường hợp đa chấn thương hoặc có nguy cơ.

3.2. Điều trị bảo tồn

Đối với gãy cài (độ 1, độ 2): đây là tiên lượng tốt, có thể điều trị bảo tồn bó bột Whitman, kéo liên tục trên giàn Braun, tuy nhiên do biến chứng nằm lâu nên ít sử dụng, thường dành cho trẻ em.

Một số phương pháp điều trị bảo tồn như bó bột, kéo liên tục, nẹp chống xoay.

gãy cổ xương đùi
Gãy cổ xương đùi điều trị theo phương pháp điều trị bảo tồn

3.3. Điều trị phẫu thuật

Gãy cổ xương đùi nên được chuyển đến bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình vì hầu hết các trường hợp gãy cổ xương đùi cần điều trị bằng phẫu thuật. Thời gian tiến hành thường được chỉ định trong một vài ngày sau chấn thương. Phẫu thuật giúp bệnh nhân vận động sớm tránh các biến chứng do nằm lâu như nhiễm trùng( viêm phổi, viêm đường tiết niệu), loét. Có hai phương pháp phẫu thuật chính được chỉ định, tùy thuộc vào loại gãy và bệnh nhân cụ thể.

  • Việc gãy xương cổ đùi của bạn có gây tổn thương mạch máu hay không cũng góp phần xác định loại phẫu thuật nào được thực hiện( ít gặp).
  • Cố định trong: Phương pháp này sử dụng những đinh hay nẹp vít kim loại để giữ xương gãy lại với nhau. Điều này giúp ổ xương gãy liền. Những dụng cụ kim loại này được chèn vào xương của bạn hoặc gắn vào một tấm kim loại chạy dọc xương đùi của bạn.
  • Thay khớp háng một phần: Đây là phương pháp loại bỏ đi chỏm và cổ xương đùi. Sau đó thay thế chúng bằng một bộ phận giả bằng kim loại.
  • Thay khớp háng toàn phần: Thay khớp háng toàn phần là thay cả đầu trên xương đùi và ổ cối khớp háng.

Vật lý trị liệu sau mổ:

  • Tuần 1: bệnh nhân ngồi để chân xuống giường (háng gấp 900, gối gấp 900), bệnh nhân đi 2 nạng.
  • Tuần 2-8: bệnh nhân đi 2 nạng, chạm chân đau, tập tầm vận động tối đa.
  • Tuần 8-12: tùy theo tình hình lành xương, mức độ đau, có thể cho bệnh nhân bỏ nạng.

Qua đó ta có thể thấy gãy cổ xương đùi là tình trạng khá nguy hiểm. Khi phát hiện có các biểu hiện và triệu trứng nêu trên cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để tiến hành điều trị nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan