Bệnh mạch máu ngoại vi được chẩn đoán và điều trị thế nào?

Bệnh mạch máu ngoại vi (bệnh mạch máu ngoại biên) là căn bệnh tắc nghẽn mạch máu ngoại vi tại vùng tiểu khung, chi dưới, chi trên do các mảng xơ vữa và huyết khối. Bệnh có thể dẫn tới hoại tử chi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay thậm chí là tử vong.

1. Phương pháp chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại vi

Các bác sĩ thường áp dụng một loạt các phương pháp dưới đây để chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại vi.

1.1. Thăm khám lâm sàng

Trong chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại biên, thăm khám lâm sàng đóng vai trò rất quan trọng. Bác sĩ thường khám cho bệnh nhân chi tiết như sau:

  • Nhìn: Đánh giá hình thể chi, quan sát vị trí tổn thương, màu sắc da, tình trạng dinh dưỡng da, tình trạng lông, móng, các tĩnh mạch nông dưới da và tình trạng cơ bắp.
  • Sờ: Đánh giá tình trạng phù nề của chi bị tổn thương, nhiệt độ da, trương lực cơ, cảm giác da. Bác sĩ cũng có thể bắt mạch động mạch đùi, khoeo, chày trước, chày sau, nách, cánh tay, quay cổ tay,... xác định mạch đều hay không đều, mạnh hay yếu, nhanh hay chậm,...
  • Nghe: Dùng ống nghe đặt trên đường đi của động mạch hoặc vùng nghi có tổn thương mạch máu để chẩn đoán bệnh.
  • Đo: Dùng thước dây đo kích thước các chi ở các vùng nhất định và so sánh với bên lành để đánh giá mức độ phù nề hoặc biến dạng của chi bị tổn thương.
  • Thực hiện một số nghiệm pháp lâm sàng trong thăm khám hệ thống tĩnh mạch chi dưới để đánh giá van tĩnh mạch nông, van tĩnh mạch xuyên, van tĩnh mạch sâu,...
Thăm khám lâm sàng
Thăm khám lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại vi

1.2. Kiểm tra chỉ số mạch cổ tay - cổ chân

Đây là phương pháp thăm dò đơn giản, không gây đau, bác sĩ có thể thực hiện dễ dàng chỉ trong khoảng vài phút. Bằng cách so sánh áp lực máu ở cổ tay và cổ chân của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đánh giá được tốc độ dòng máu chảy ở chân. Bình thường, áp lực dòng máu ở mắt cá chân tối thiểu bằng 90% áp lực dòng máu ở tay. Tuy nhiên, với trường hợp mắc bệnh mạch máu ngoại vi thì áp lực dòng máu chảy ở chân có thể nhỏ hơn 50% dòng máu ở tay.

1.3. Một số phương pháp chẩn đoán khác

  • Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) mạch máu: Là phương pháp thăm dò không xâm nhập, cho phép dựng lại hình ảnh tổn thương mạch máu một cách rõ ràng với độ chính xác cao. Kết quả thu được cho phép bác sĩ đánh giá rộng rãi các động mạch nghi ngờ tổn thương như động mạch chủ bụng, động mạch chậu, động mạch chi. Phương pháp này rất có ích đối với bệnh nhân có tiền sử đặt máy tạo nhịp tim hay stent.
  • Siêu âm Doppler mạch máu: Là phương pháp chẩn đoán không xâm nhập, sử dụng các sóng âm để đánh giá tốc độ dòng chảy, hướng dòng chảy, áp lực, lưu lượng,... của mạch máu để qua đó xác định được tình trạng tắc nghẽn.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Cung cấp thông tin tương tự như chụp cắt lớp biên tính mạch máu nhưng không dùng tia X. Tuy nhiên, phương pháp này không thể áp dụng cho bệnh nhân có tiền sử đặt máy tạo nhịp tim.
  • Chụp động mạch cản quang: Là phương pháp tiêm chất cản quang vào mạch máu và hình ảnh mạch máu sẽ được thể hiện rõ dưới màn huỳnh quang để bác sĩ phát hiện vị trí bị tắc nghẽn, mức độ tổn thương. Ngoài giá trị chẩn đoán, phương pháp này còn cho phép bác sĩ có thể kết hợp điều trị bệnh mạch máu ngoại vi bằng cách nong hoặc đặt stent tại vị trí bị tổn thương.
Chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại vi
Chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại vi bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ

2. Cách điều trị bệnh mạch máu ngoại vi

Nguyên tắc điều trị bệnh là giảm triệu chứng đau, phòng ngừa những diễn biến xấu của bệnh như cắt cụt chi, xuất hiện các cơn đau thắt ngực hay đột quỵ. Các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp với bệnh nhân dựa trên tình trạng sức khỏe tổng quát và mức độ trầm trọng của bệnh. Những phương pháp cụ thể là:

  • Luyện tập

Phương pháp điều trị bệnh mạch máu ngoại biên hiệu quả nhất chính là thường xuyên luyện tập. Bệnh nhân có thể bắt đầu tập nhẹ nhàng bằng cách đi bộ hoặc thực hiện các bài tập cho chân từ 3 - 4 lần/tuần. Biện pháp này có thể làm giảm triệu chứng của bệnh sau vài tháng. Tuy hiệu quả khá chậm nhưng đây là phương pháp điều trị cơ bản nhất, không gây tác dụng phụ cho bệnh nhân.

  • Điều chỉnh chế độ ăn

Nhiều người mắc bệnh mạch máu ngoại vi có mỡ máu cao. Vì vậy, cách điều trị hiệu quả là bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần áp dụng một chế độ ăn ít cholesterol và mỡ bão hòa để giảm mỡ máu, hạn chế tình trạng xơ vữa mạch máu.

  • Bỏ thuốc lá

Khói thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do vậy, nếu đang hút thuốc lá thì người bệnh nên bỏ ngay để làm chậm tiến triển của bệnh mạch máu ngoại biên và các bệnh liên quan tới tim mạch khác.

  • Sử dụng thuốc

Các bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc điều chỉnh mỡ máu. Các thuốc nhóm cilostazol, pentoxifylline có tác dụng làm giảm độ nhớt của máu, giảm hình thành cục máu đông, cải thiện tốc độ dòng chảy của mạch máu. Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel cũng có công dụng giúp phòng ngừa huyết khối gây nghẽn mạch.

  • Can thiệp điều trị qua đường ống thông

Bên cạnh các phương pháp trên, một số bệnh nhân mắc bệnh mạch máu ngoại vi cần được tiến hành điều trị can thiệp. Phương pháp can thiệp gồm nong hoặc đặt stent động mạch. Các bác sĩ thực hiện đưa một ống thông nhỏ qua da vào động mạch để lấy đi cục máu đông rồi dùng một quả bóng nhỏ bơm lên trong lòng mạch để nong rộng vị trí bị tắc nghẽn. Một stent (giá đỡ kim loại đặc biệt) sẽ được đặt vào vị trí tắc nghẽn để hạn chế nguy cơ tái hẹp mạch máu.

Đây là phương pháp giúp cải thiện mức độ trầm trọng của bệnh. Vì vậy, sau khi đặt stent, người bệnh vẫn cần phải kiên trì dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và duy trì chế độ luyện tập, ăn uống lành mạnh, khoa học.

  • Phẫu thuật

Phương pháp điều trị bệnh mạch máu ngoại vi này được áp dụng trong các trường hợp tắc hoàn toàn một đoạn mạch máu dài và bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu chi nặng. Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy một đoạn mạch (thường là tĩnh mạch) từ một phần khác của cơ thể để bắc cầu nối qua vị trí tắc tới các mạch máu nuôi phần chi dưới chỗ bị tắc nghẽn. Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ tốt việc dùng thuốc và duy trì lối sống khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan