Trẻ sơ sinh và người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm khớp nhiễm trùng nhất. Mặc dù viêm khớp nhiễm khuẩn ảnh hưởng chủ yếu ở khớp gối, nhưng bệnh cũng làm tổn thương các khớp khác như hông, vai.... Tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan rất nhanh và gây ra hậu quả nghiêm trọng như phá hủy sụn và xương trong khớp, vì vậy việc điều trị kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Viêm khớp nhiễm trùng là gì?
Viêm khớp nhiễm trùng là tình trạng khớp bị nhiễm trùng, nghĩa là có sự hiện diện của vi khuẩn xâm nhập vào khớp gây sưng tấy và đau đớn. Thông thường, viêm khớp nhiễm khuẩn không xuất hiện cùng lúc ở nhiều khớp.
Nhiễm trùng có thể xảy ra do vi khuẩn từ bộ phận khác của cơ thể đi qua dòng máu và đến khớp. Ngoài ra, viêm khớp nhiễm khuẩn cũng có thể xảy ra khi chấn thương xuyên thấu đưa vi khuẩn trực tiếp vào khớp.
Những khớp dễ bị nhiễm trùng bao gồm: khớp gối, khớp hông, khớp cổ tay, khớp vai, khuỷu tay và khớp mắt cá chân. Nhiễm trùng khớp có thể gây tổn thương và huỷ hại khớp, một số bệnh nhân thậm chí phải tiến hành phẫu thuật để thay khớp
2. Triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm trùng thường gây khó chịu và các khớp bị ảnh hưởng bị hạn chế khả năng vận động. Các dấu hiệu và triệu chứng viêm khớp nhiễm trùng bao gồm:
- Sốt.
- Có cảm giác đau ở các khớp bị ảnh hưởng, đặc biệt khi bệnh nhân cử động.
- Sưng, đỏ ở vùng khớp bị ảnh hưởng.
- Thấy ấm, nóng tại vùng khớp bị nhiễm trùng.
Triệu chứng viêm khuẩn nhiễm trùng ở trẻ em bao gồm:
- Bé ăn không ngon miệng.
- Cảm thấy cơ thể bất ổn.
- Tim đập nhanh.
- Khó chịu.
Nếu đang dùng thuốc điều trị các loại viêm khớp khác thì người bệnh sẽ không nhận ra cơn đau nghiêm trọng do viêm khớp nhiễm khuẩn, vì các loại thuốc này làm giảm bớt triệu chứng đau và sốt tạm thời.
Các đối tượng dễ bị viêm khớp nhiễm trùng bao gồm:
- Người lớn dễ bị viêm khớp nhiễm khuẩn ở các khớp tay và chân, đặc biệt là đầu gối.
- Trẻ em dễ bị viêm khớp nhiễm khuẩn nhất ở khớp hông, trẻ bị nhiễm trùng khớp ở hông thường cố định hông ở một vị trí cụ thể và tránh xoay người.
- Trong một số trường hợp hiếm, bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn ở các khớp khác như cổ, lưng và đầu.
3. Nguyên nhân viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể do nhiễm trùng từ vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu), vi khuẩn này thường tồn tại trên làn da khỏe mạnh, căng tràn sức sống.
Viêm khớp nhiễm khuẩn cũng có thể phát triển khi bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng từ các vị trí khác trong cơ thể, chẳng hạn như nhiễm trùng da hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi trùng lây lan qua máu đến khớp. Trong một số trường hợp hiếm hơn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp qua vết thương đâm thủng, tiêm thuốc, phẫu thuật trong hoặc gần khớp.
Khả năng tự bảo vệ của màng hoạt dịch khớp xương (synovium) khỏi vi khuẩn rất kém. Vi khuẩn có thể xâm nhập dễ dàng vào màng hoạt dịch và bắt đầu phá hủy sụn khớp. Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn sẽ xuất hiện các triệu chứng như viêm, áp lực quanh khớp, trong khớp tăng và giảm lưu lượng máu đến vùng này, góp phần gây tổn thương khớp.
Những nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm khuẩn thường gặp nhất, nhưng là do có sự thay đổi bất thường bên trong khớp, bao gồm:
- Chấn thương khớp.
- Các dạng viêm khớp khác.
- Sức đề kháng yếu do các bệnh như tiểu đường, bệnh thận, ung thư, hoặc do bệnh nhân sử dụng các loại thuốc đặc trị các bệnh này.
- Cấy ghép khớp nhân tạo.
4. Các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp nhiễm trùng
- Các bệnh mãn tính (như viêm xương khớp, bệnh Gout, viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ) và tình trạng ảnh hưởng đến khớp (như thay khớp nhân tạo, phẫu thuật khớp trước đó và chấn thương khớp) có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp nhiễm trùng.
- Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng là một yếu tố nguy cơ. Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn do các loại thuốc họ dùng làm ức chế hệ miễn dịch, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Viêm khớp nhiễm trùng và viêm khớp dạng thấp có nhiều dấu hiệu và triệu chứng tương đồng. Chính vì thế, việc chẩn đoán nhiễm trùng khớp ở người viêm khớp dạng thấp còn nhiều khó khăn.
- Da mỏng manh và dễ tổn thương cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Các bệnh lý về da như bệnh vẩy nến và bệnh chàm, không chỉ làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp nhiễm trùng mà các vết thương ngoài da cũng dễ bị nhiễm trùng. Những người thường xuyên tiêm thuốc cũng có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
- Chấn thương khớp như bị động vật cắn, vết thương đâm hoặc có vết cắt trên khớp cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp nhiễm trùng.
5. Biến chứng có thể xảy ra
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm khớp nhiễm trùng có thể gây thoái hóa khớp và tổn thương khớp vĩnh viễn. Các biến chứng phổ biến của viêm khớp nhiễm trùng bao gồm:
- Viêm xương khớp.
- Biến dạng khớp.
- Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật tái tạo khớp. Nếu tình trạng nhiễm trùng lan đến các khớp ở chân, tay, bệnh nhân cần được thay thế tay, chân giả.
6. Khi nào bệnh nhân cần đi khám bác sĩ?
Hãy thăm khám bác sĩ nếu bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn, chẳng hạn như đau khớp đột ngột và dữ dội. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao, xuất hiện các triệu chứng bị sốt hoặc thấy ớn lạnh, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức. Việc điều trị kịp thời có thể ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lan rộng và giảm thiểu tổn thương cho khớp bị ảnh hưởng.
7. Cách chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau:
Xét nghiệm dịch khớp: Nhiễm khuẩn có thể làm khớp thay đổi màu sắc, độ đồng nhất, thể tích và thành phần. Dịch khớp được chọc hút từ khớp viêm và mang đi xét nghiệm. Kết quả sẽ giúp bác sĩ xác định liệu khớp có bị nhiễm khuẩn hay không, loại vi khuẩn nào gây ra nhiễm khuẩn, từ đó đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.
Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu có thể xác định các dấu hiệu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn.
Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác đối với khớp bị viêm sẽ hỗ trợ đánh giá tình trạng bệnh chính xác.
8. Cách điều trị
Phương pháp điều trị bao gồm chọc hút dịch khớp bằng cây kim hoặc phẫu thuật, sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Ngoài ra, viêm khớp nhiễm khuẩn có thể gây tổn thương và hủy hoại khớp nên đôi khi, bệnh nhân cần phải phẫu thuật thay khớp.
8.1 Sử dụng thuốc kháng sinh
Viêm khớp nhiễm khuẩn thường được chẩn đoán và điều trị sớm bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả các xét nghiệm để lựa chọn loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây ra viêm khớp.
Người bệnh được tiêm kháng sinh qua tĩnh mạch để đảm bảo thuốc tiêu diệt vi khuẩn nhanh chóng tiếp cận vùng khớp bị viêm, sau đó bệnh nhân sẽ được chỉ định chuyển sang uống thuốc kháng sinh.
Hầu hết triệu chứng bệnh thuyên giảm đi đáng kể trong khoảng 48 giờ sau khi sử dụng kháng sinh. Quá trình điều trị thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần. Bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ từ việc sử dụng kháng sinh, như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Do đó, bệnh nhân cần thảo luận trước với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi điều trị.
8.2 Thoát dịch khớp
Nếu tình trạng viêm nhiễm tái tiết dịch quá nhanh, bác sĩ phải thoát dịch khớp ra khỏi khớp bị nhiễm trùng. Mục đích của việc thoát dịch khớp là loại bỏ vi khuẩn, giảm áp lực lên khớp và cung cấp mẫu thử cho bác sĩ để kiểm tra vi khuẩn cùng các sinh vật khác. Phương pháp phổ biến để loại bỏ dịch khớp là nội soi khớp.
8.3 Các lựa chọn điều trị khác
Chọc hút dịch khớp viêm bằng kim nhỏ có thể được lặp lại hàng ngày cho đến khi bác sĩ thông báo không còn vi khuẩn trong dịch khớp. Trong trường hợp viêm khớp nhiễm trùng ở khớp hông, bác sĩ có thể cần tiến hành mổ mở để thoát dịch. Đôi khi, bệnh nhân cần phải tái phẫu thuật nhiều lần để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn khỏi dịch khớp.
9. Cách phòng ngừa
Không có biện pháp nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn tất cả các nguy cơ gây viêm khớp nhiễm khuẩn. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tạo môi trường phẫu thuật vô trùng tuyệt đối. Ngoài ra, bệnh nhân cần điều trị dứt điểm các tình trạng nhiễm khuẩn khác trên cơ thể như nhiễm trùng da, nhiễm trùng phần mềm và nhiễm trùng xương.
Nhìn chung, viêm khớp nhiễm trùng có thể chữa hoàn toàn khỏi nếu người bệnh thăm khám sớm. Hầu hết bệnh nhân sẽ thấy các triệu chứng dần thuyên giảm trong khoảng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Nếu không được điều trị đúng lúc và đúng cách, viêm khớp nhiễm trùng có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho khớp. Do đó, khi cảm thấy đau và sưng khớp, mọi người cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một bệnh viện đa khoa hỗ trợ thăm khám và điều trị các vấn đề liên quan đến hệ cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp, và nhiều bệnh lý khác. Vinmec đã áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến, hiện đại để đạt được hiệu quả cao và giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh.
Sự thành công của Vinmec được xây dựng dựa trên việc sở hữu các trang thiết bị y tế tiên tiến và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, cùng với đội ngũ bác sĩ có kiến thức chuyên môn sâu và kinh nghiệm phong phú, nhằm mang lại kết quả điều trị tối ưu nhất cho các bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.