Lún xẹp đốt sống do loãng xương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Lún xẹp đốt sống là loại gãy xương thường gặp ở những người bị loãng xương. Lún xẹp đốt sống có thể gây đau dữ dội, biến dạng và mất đi chiều cao của đốt sống.

1. Lún xẹp đốt sống

Lún xẹp đốt sống là loại gãy thường gặp nhất ở những bệnh nhân bị loãng xương. Tỉ lệ mắc lún xẹp đốt sống tăng dần theo tuổi. Bệnh lún xẹp đốt sống phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.

Lún xẹp đốt sống xảy ra khi thân đốt sống hoặc khối xương bị xẹp lún, có thể gây đau dữ dội, biến dạng và mất chiều cao của đốt sống. Loại gãy này thường xảy ra ở đốt sống ngực, phần giữa của cột sống đặc biệt là ở phần ngực thấp, và ở đốt sống thắt lưng. Những người đã từng bị lún xẹp đốt sống do loãng xương sẽ có nguy cơ bị gãy lún lần thứ hai cao hơn gấp năm lần.

2. Nguyên nhân lún xẹp đốt sống chủ yếu do loãng xương

Nguyên nhân thường gặp nhất là do loãng xương, tuy nhiên lún xẹp đốt sống cũng có thể do chấn thương hoặc ung thư di căn.

2.1 Do loãng xương

  • Đối với những người bị loãng xương nặng, các hoạt động đơn giản hàng ngày ví dụ như: hắt hơi mạnh, nâng vật nhẹ, bước ra khỏi bồn tắm,... cũng có thể gây lún xẹp đốt sống.
  • Đối với những người bị loãng xương mức độ trung bình, lún xẹp đốt sống thường do tác động lực hoặc chấn thương như té ngã hoặc cố gắng nâng một vật nặng.
  • Những người có cột sống khỏe mạnh bị lún xẹp đốt sống, nguyên nhân thường do chấn thương nghiêm trọng ví dụ như: chấn thương thể thao, tai nạn xe hơi, hoặc ngã cao.

2.2 Do ung thư di căn

Nguyên nhân lún xẹp đốt sống do ung thư di căn thường gặp những bệnh nhân dưới 55 tuổi, không có tiền sử chấn thương hoặc chỉ bị chấn thương rất nhẹ.

Vị trí thường gặp cho nhiều loại ung thư di căn tới là các xương ở cột sống. Ung thư có thể gây phá hủy một phần cột sống và làm yếu xương cho đến khi xương bị xẹp lún.

Loãng xương
Đối với những người bị loãng xương nặng, các hoạt động đơn giản hàng ngày cũng có thể gây lún xẹp đốt sống

3. Triệu chứng lún xẹp đốt sống

Xẹp đốt sống có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Đột ngột đau lưng.
  • Tăng mức độ đau khi đứng hoặc đi lại.
  • Giảm đau khi nằm ngửa.
  • Hạn chế cử động cột sống.
  • Có thể giảm chiều cao.
  • Có thể biến dạng và tàn tật.

4. Các biến chứng lún xẹp đốt sống

4.1 Mất vững từng đoạn cột sống

Khi lún xẹp hơn 50% phần thân đốt sống sẽ có nguy cơ mất vững từng đoạn cột sống. Các đoạn cột sống được gắn kết với nhau để giúp cho cơ thể chịu được sức nặng, nâng đỡ toàn bộ cột sống và di chuyển. Khi một đoạn cột sống bị tổn thương hoặc xẹp lún đến mức mất vững, nó có thể gây ra đau và làm giảm đi các hoạt động hàng ngày. Về sau, mất vững sẽ gây thoái hóa nhanh hơn ở vùng cột sống bị tổn thương.

4.2 Gù cột sống

Gù cột sống là một rối loạn thường gặp ở những người phụ nữ lớn tuổi, bị loãng xương và thường xuyên lún xẹp đốt sống. Thiếu khoảng đốt sống bình thường sẽ dẫn tới phần trước của đốt sống sẽ bị xẹp và tạo thành hình chêm. Gù làm cho cột sống ngực cong hơn so với bình thường.

Gù nặng có thể gây suy yếu và gây đau dữ dội. Biến dạng gù lưng khi để lâu có thể gây chèn ép tim, phổi, ruột. Ngoài ra, cũng có thể gây khó thở, mệt mỏi, và chán ăn.

4.3 Các biến chứng thần kinh

Nếu chỗ lún làm cho một phần thân đốt sống chèn ép lên tủy sống, các dây thần kinh và tủy sống có thể bị tổn thương. Nếu các mảnh vỡ của thân sống bị đẩy vào bên trong ống sống thì khoảng trống bình thường giữa tủy sống và ống sống có thể bị thu hẹp.

Hẹp ống sống do lún xẹp đốt sống có thể dẫn đến chấn thương thần kinh tủy sống ngay lập tức, hoặc gây ra những vấn đề về sau do kích thích thần kinh. Thu hẹp khoảng trống giữa ống sống và tủy sống có thể dẫn đến thiếu máu và oxy đến tủy sống, dẫn tới tê và đau nhức tương tự như với các dây thần kinh bị tổn thương. Khi khoảng trống quanh nó bị giảm đi thì các dây thần kinh có thể mất tính di động, từ đó gây kích thích và viêm dây thần kinh.

5. Chẩn đoán lún xẹp đốt sống

Chẩn đoán lún xẹp đốt sống thường dựa vào bệnh sử, khám lâm sàng, ngoài ra để củng cố chẩn đoán, tiên lượng, và xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân cần chụp X-quang, CT hoặc MRI.

  • X-quang:

Là ứng dụng bức xạ tạo ra hình ảnh hoặc một phim của một phần cơ thể, cho thấy được cấu trúc của cột sống và hình dạng chính của khớp. Chụp X-quang cũng cho thấy sự thẳng hàng của xương, thoái hóa đĩa đệm, và những gai xương có thể kích thích các rễ thần kinh.

  • CT scan hay còn gọi là chụp cắt lớp điện toán:

Là một chẩn đoán hình ảnh được sử dụng tia X để xử lý qua máy tính, có thể cho thấy được hình dạng và kích thước của ống sống, bên trong ống sống và các cấu trúc bao quanh ống sống. Kỹ thuật chụp CT scan có thể được thực hiện cùng với chụp tủy sống cản quang để cung cấp thêm thông tin. Kỹ thuật này lý tưởng để thấy chi tiết của xương, bao gồm cả hẹp ống sống.

Là một kỹ thuật tạo ra hình ảnh các cấu trúc cơ thể trong không gian 3 chiều, dùng các từ trường mạnh và kỹ thuật máy tính, cho thấy tủy sống, rễ thần kinh và các vùng xung quanh, cũng như tình trạng phì đại, thoái hóa và khối u.

  • Đo hấp thụ tia X (năng lượng) kép (Dual-energy x-ray absorptiometry - DXA/DEXA) hoặc đo đậm độ xương:

Là tiêu chuẩn để đo mật độ khoáng của xương và có thể xác định tình trạng loãng xương. Kỹ thuật đo hấp thụ tia X không gây đau, nó sử dụng 2 nguồn tia X khác nhau hướng vào xương theo một tần số có sẵn. DEXA scan có thể phát hiện được những thay đổi nhỏ trong khối xương. Ngoài ra có thể dùng để khảo sát cả xương sống và các chi. Đây là một kỹ thuật quét cột sống, hông, hoặc toàn bộ cơ thể với thời gian ngắn dưới 4 phút.

Xquang
Chụp X-quang cho thấy được cấu trúc của cột sống và hình dạng chính của khớp

6. Điều trị lún xẹp đốt sống

6.1 Điều trị không cần phẫu thuật

Thông thường, bệnh nhân bị đau nhiều do lún xẹp đốt sống được điều trị bằng nằm nghỉ tại giường, dùng thuốc, nẹp hoặc phẫu thuật cột sống có xâm lấn, thường có hiệu quả hạn chế.

Đau sau lún xẹp đốt sống cấp tính một phần là do cột sống mất vững tại vị trí lún. Đau liên quan đến lún xẹp đốt sống có thể hồi phục tự nhiên sau 3 tháng. Tuy nhiên, cơn đau sẽ giảm đi chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh nhân có thể được nghỉ ngơi tại giường trong một thời gian ngắn. Sau đó giới hạn một vài hoạt động. Tuy nhiên, tránh để bệnh nhân nằm bất động kéo dài.

Các thuốc giảm đau không cần kê toa thường có hiệu quả giảm đau. Cả hai loại thuốc bao gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và acetaminophen đều được khuyên dùng. Do tác dụng phụ của thuốc giảm đau và các thuốc giãn cơ là gây nghiện, tuy nhiên vẫn được kê toa và chỉ dùng trong thời gian ngắn.

Có thể dùng nẹp lưng để nâng đỡ bên ngoài nhằm hạn chế cử động tại chỗ gãy, tương tự như tác dụng bó bột cho chân gãy. Loại nẹp lưng cứng có thể hạn chế cử động cột sống khá tốt, nhờ đó giúp giảm đau.

Trong khi điều trị, ngay lập tức cần giảm đau và giảm nguy cơ gãy, việc phòng ngừa gãy sau đó cũng rất quan trọng. Bác sĩ có thể kê toa các thuốc hỗ trợ xương như Biphosphonates (ví dụ: Actonel, Boniva, và Fosamax) nhằm giúp ổn định và phục hồi xương gãy.

6.2 Phẫu thuật tạo hình

Nếu điều trị bảo tồn được chứng minh là không hiệu quả, có 2 phương pháp xâm lấn tối thiểu, gọi là tạo hình đốt sống (vertebroplasty) và tạo hình gù (kyphoplasty). Các tiến bộ hiện nay trong các kỹ thuật điều trị đã làm giảm sự cần thiết của phẫu thuật xâm lấn trong nhiều trường hợp.

Tạo hình đốt sống:

Tạo hình đốt sống để điều trị gãy xẹp đốt sống được giới thiệu tại Mỹ trong những năm đầu thập niên 90. Phương pháp này thường được dùng cho bệnh nhân ngoại trú, mặc dù một số bệnh nhân có thể ở bệnh viện qua đêm. Tạo hình đốt sống cần thực hiện trong 1-2 giờ, tùy thuộc vào số đốt sống được điều trị.

Kỹ thuật này có thể được thực hiện với gây tê tại chỗ và thuốc an thần tiêm tĩnh mạch hoặc gây mê toàn thân. Với hướng dẫn của tia X, một kim nhỏ chứa xi-măng xương acrylic với công thức đặc biệt được tiêm vào đốt sống bị xẹp. Xi-măng sẽ cứng lại trong vòng vài phút, tạo độ vững chắc và ổn định cho đốt sống bị gãy. Hầu hết các chuyên gia cho rằng bệnh nhân có thể giảm đau nhờ tác dụng nâng đỡ cơ học và tính vững chắc của xi-măng xương.

Tạo hình vùng gù (hay tạo hình đốt sống có bóng):

Một kỹ thuật mới hơn, gọi là tạo hình vùng gù, liên quan đến một kỹ thuật được thực hiện trước khi tiêm xi-măng vào đốt sống.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ rạch 2 vết nhỏ và đặt một đầu dò vào khoang đốt sống bị gãy. Xương được khoan và một bong bóng (gọi là đệm xương) được chèn vào mỗi bên. Sau đó, hai bong bóng được bơm phồng với chất cản quang (là chất có thể thấy được dưới tia X) cho đến khi nó giãn ra đến độ cao mong muốn và được lấy ra. Sau đó, khoảng trống tạo bởi bong bóng sẽ được lấp đầy bằng xi-măng. Tạo hình vùng gù có thêm lợi ích là phục hồi chiều cao cột sống.

Các bệnh nhân với các tiêu chuẩn sau có thể được xem xét tạo hình đốt sống hoặc tạo hình vùng gù:

  • Gãy xẹp đốt sống do loãng xương ở bất kỳ vùng nào của cột sống, đã gãy trên 2 tuần, gây đau vừa đến đau nặng, và không đáp ứng với điều trị bảo tồn.
  • Ung thư di căn gây đau và đa u tủy (multiple myelomas).
  • U máu đốt sống gây đau (lành tính, u dị dạng mạch máu tạo thành từ các mạch máu tân tạo).
  • Hoại tử xương đốt sống (vertebral osteonecrosis), một tình trạng do thiếu máu nuôi một vùng xương, làm xương chết.
  • Củng cố thân xương sống bị yếu do bệnh lý trước phẫu thuật ổn định xương.

Không nên thực hiện các kỹ thuật này đối với các bệnh nhân có bất kỳ tiêu chuẩn nào dưới đây:

  • Gãy xẹp đốt sống lành hoàn toàn hoặc đáp ứng hiệu quả với điều trị bảo tồn.
  • Gãy xẹp đốt sống đã trên 1 năm.
  • Xẹp trên 80 - 90% thân đốt sống.
  • Cong cột sống (như gù, vẹo) do các nguyên nhân khác loãng xương.
  • Hẹp ống sống (spinal stenosis) hoặc thoát vị đĩa đệm có chèn ép thần kinh hoặc tủy sống và mất chức năng thần kinh không liên quan với gãy xẹp đốt sống.
  • Bệnh rối loạn đông máu không được điều trị.
  • Viêm xương - tủy xương (osteomyelitis) (thường do vi khuẩn).
  • Viêm đĩa đệm (là tình trạng viêm đĩa đệm hoặc khoang đĩa đệm không do vi khuẩn).
  • Ống sống bị chèn ép đáng kể do mảnh xương vỡ hoặc u.

Tỉ lệ biến chứng của tạo hình đốt sốngtạo hình vùng gù ước tính dưới 2% đối với gãy xẹp đốt sống do loãng xương và 10% đối với gãy xẹp đốt sống do ung thư ác tính. Lợi ích của điều trị phẫu thuật cần luôn cân nhắc cẩn thận so với nguy cơ. Mặc dù một tỉ lệ lớn bệnh nhân ghi nhận giảm đau đáng kể sau 2 kỹ thuật này, nhưng không đảm bảo rằng phẫu thuật có ích cho tất cả mọi người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan