Virus cúm A/H1N1 có nguy hiểm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Cúm A (H1N1) do loại virus cúm mới, có khả năng lây lan từ người sang người thông qua đường giọt bắn khi ho, hắt hơi... Hầu hết bệnh do virus cúm A H1N1 nhẹ, người bệnh có thể hồi phục mà không cần dùng thuốc điều trị, tuy nhiên cũng đã có trường hợp tử vong do nhiễm virus này.

1. Cúm A H1N1 là gì

Cúm A H1N1 (tên khoa học virus pdm09 (A)) là một loại virus cúm lây lan từ người sang người. Tên gọi H1N1 bắt nguồn từ protein kháng nguyên trên vỏ virus là hemagglutinin nhóm 1 (H1) và neuraminidase nhóm 1 (N1).

Trước đây, người ta từng gọi Cúm A/H1N1 là “cúm lợn”. Nguyên nhân là bởi nhiều nhà khoa học cho rằng bệnh có nguồn gốc từ lợn. Tuy nhiên, thực tế chủng virus này được kết hợp từ nhiều nguồn virus khác nhau. VD: Lợn, chim, người,... và gây ra bệnh cúm ở người.

Bệnh xuất hiện theo mùa, rất dễ lây lan và có thể bắt gặp ở bất kỳ ai

Tương tự như cúm mùa, các triệu chứng của virus cúm A/H1N1 bao gồm: Ho, sốt, đau họng, đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh... Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy và nôn mửa.

2. Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại bao lâu ngoài môi trường?

Virus cúm A H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường (ngoại cảnh), có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ... hay có thể tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, cúm A/H1N1 có thể sống lâu trong môi trường nước như sống đến 4 ngày ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống vài tuần ở nhiệt độ 0-4oC. Do đó, các hồ bơi, điểm bơi công cộng có thể tạo ra môi trường cho virus A/H1N1 hoạt động mạnh, nhất là vào thời tiết mưa nhiều, độ ẩm thấp, thiếu ánh nắng để tiêu diệt virus. Thậm chí, ở nhiệt độ -20oC và đông khô, virus cúm có thể tồn tại cả năm.

Mặt khác, vì bản chất của virus cúm là lipoprotein (protein + lipid) nên virus cúm A H1N1 có sức đề kháng yếu và dễ bị bất hoại bởi bức xạ mặt trời hay tia tử ngoại. Cụ thể, virus cúm cũng dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56oC và các chất hòa tan lipid như beta-propiolactone, ether, chloramine, formol, cồn,...

H1N1
Virus cúm A/H1N1

3. Virus cúm A/H1N1 có nguy hiểm không?

Thông thường, người mắc bệnh cúm A/H1N1 sẽ tự khỏi trong vòng chưa đến 2 tuần mà không cần can thiệp thuốc điều trị hoặc chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cúm có thể khiến người bệnh gặp các biến chứng nặng nề kéo dài chẳng hạn như viêm phổi, ở những đối tượng có nguy cơ cao: trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, đái tháo đường hoặc tim mạch,... Với đặc điểm đặc trưng là cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh rất ngắn từ 1- 2 ngày, cơ chế lây truyền, khả năng tồn tại lâu dài khiến bệnh cảnh diễn biến nhanh chóng, gây các biến chứng nặng nề, đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài và tốn kém chi phí. Vì vậy, Cúm A/H1N1 được xem là bệnh nguy hiểm do tỷ lệ lây lan rất nhanh và mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch rất lớn.

4. Virus cúm A/H1N1 lây truyền như thế nào?

Virus cúm lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi, nói chuyện từ những người bị cúm. Người khỏe mạnh cũng có thể lây truyền virus cúm do chạm vào bề mặt, vật dụng có virus cúm, sau đó chạm lại vào mũi hoặc miệng.

Virus cúm A H1N1 có thể lây truyền từ một ngày trước khi có triệu chứng bệnh cho đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Nhóm đối tượng nguy cơ đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

Cúm lây như thế nào, đường lây của cúm
Con đường lây truyền của cúm A/H1N1

5. Làm thế nào nếu bị virus cúm A H1N1?

  • Khi xác nhận nhiễm virus cúm A H1N1, người bệnh cần nghỉ ngơi ở nhà để tránh lây nhiễm virus cho cộng đồng.
  • Chuẩn bị thuốc hạ sốt, dung dịch sát khuẩn, khăn giấy và các vật dụng liên quan khác.
  • Không tự ý mua thuốc điều trị nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Khi có những dấu hiệu bệnh chuyển nặng, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
  • Uống nhiều nước, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
  • Đeo khẩu trang khi ho, hắt hơi, nói chuyện với những người xung quanh.

Các dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện khẩn cấp bao gồm:

  • Thở nhanh hoặc khó thở.
  • Da xanh hoặc xanh xám
  • Nôn mửa nghiêm trọng hoặc kéo dài
  • Không thức dậy hoặc không tương tác
  • Khó chịu bực tức, không muốn được đụng chạm
  • Các triệu chứng giống như cúm cải thiện nhưng sau đó trở lại với sốt và ho nặng hơn
  • Đau hoặc chèn ép ngực hoặc bụng
  • Đột nhiên choáng váng; Không tỉnh táo
Điều trị cúm tại nhà
Điều trị cúm A tại nhà

Để phòng ngừa virus cúm A H1N1, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh, Vệ sinh tay bằng xà phòng, Vệ sinh vật dụng, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn... Bên cạnh đó, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn cần được tiêm vắc xin cúm hàng năm để phòng bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin phòng cúm mùa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

40.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan