Vắc-xin lao (BCG) cần tiêm mấy mũi là đủ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Tiêm vắc-xin phòng lao là một trong các mũi vắc-xin bắt buộc, quan trọng không thể thiếu trong Chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ sơ sinh. Việc phòng lao là thiết yếu, không chỉ tốt cho bản thân mà còn tốt cho cộng đồng.

1. Vắc-xin tiêm phòng lao (BCG)

Vắc-xin phòng lao là một loại vắc-xin sống giảm độc lực, được sản xuất đưa vào sử dụng dưới dạng bột đông khô kèm với dung môi để pha thuốc. Vắc-xin sau khi pha phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, phần còn lại sau tiêm không được sử dụng nếu để ngoài 6 giờ tính từ thời điểm mở nắp pha hồi chỉnh vắc-xin.

Lao có thể gây bệnh ở nhiều bộ phận trong cơ thể như lao phổi, lao hạch, lao màng não, lao xương... Bệnh lao không những khiến suy giảm trầm trọng hệ miễn dịch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, mà còn rất dễ dàng truyền bệnh cho người khác một cách nhanh chóng thông qua đường hô hấp. Do đó, việc phòng lao là thiết yếu, không chỉ tốt cho bản thân mà còn tốt cho cộng đồng.

Vắc-xin phòng lao BCG có 2 loại là vắc-xin BCG sống giảm độc lực và vắc-xin BCG chết. Tuy nhiên, trên lâm sàng, thời gian tồn tại của vắc-xin BCG chết tương đối ngắn, nếu sử dụng thì phải lặp lại nhiều lần. Do đó hiện nay chủ yếu sử dụng vắc-xin BCG sống giảm độc lực để tiêm phòng lao và chỉ cần tiêm một lần là có thể đạt được hiệu quả phòng bệnh.

Tiêm vắc-xin phòng lao:

  • Tiêm liều duy nhất: tiêm vắc-xin phòng lao BCG chỉ cần tiêm một liều duy nhất và không cần phải nhắc lại.
  • Liều lượng: 0,1ml (hàm lượng 0.5mg/ml)
  • Thời điểm tiêm: tiêm ngay sau sinh, càng sớm càng tốt trong vòng 30 ngày đầu sau sinh. Trong trường hợp trẻ chưa được tiêm vắc-xin BCG giai đoạn sơ sinh có thể xét nghiệm Mantoux hoặc kháng thể kháng lao để đánh giá tình trạng nhiễm lao của trẻ, trẻ vẫn có thể tiêm BCG ngoài giai đoạn sơ sinh nếu trẻ chưa bị nhiễm lao.
  • Vị trí tiêm: tiêm ở mặt ngoài phía trên của cơ delta cánh tay hoặc vai trái.
  • Kỹ thuật: tiêm trong da. Lưu ý sử dụng kim tiêm chuyên biệt để tiêm phòng lao.

Phản ứng sau tiêm:

  • Ngay sau tiêm vắc-xin phòng lao, tại vết tiêm sẽ xuất hiện một nốt đỏ nhỏ và biến mất sau 30 phút đến 1giờ.
  • Trong 24 giờ sau tiêm vắc-xin lao BCG có thể có biểu hiện sưng, áp xe tại chỗ, có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch. Các triệu chứng này thường tự khỏi trong 1 - 3 ngày sau tiêm mà không cần phải điều trị gì.
  • Sau 2 tuần đến 2 tháng, có trường hợp lâu hơn, tại vết tiêm xuất hiện đỏ da, hóa mủ trắng, mụn mủ tự vỡ tạo vết loét tại vùng tiêm, kéo dài khoảng 2 tuần. Sau đó, vết loét tự lành và để lại một vết sẹo nhỏ khoảng 3-5mm. Quá trình này đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ đã có miễn dịch với vi khuẩn lao.
vacxin
Vắc-xin lao BCG hiện nay có 2 loại là vắc-xin BCG sống và vắc-xin BCG chết

2. Những lưu ý khi sử dụng vắc-xin phòng lao (BCG)

Đối với vắc-xin lao BCG, khi sử dụng cần lưu ý:

  • Không sử dụng vắc-xin đã quá hạn hoặc bị ấm dính dẫn đến biến đổi chất lượng của vắc-xin. Bảo quản vắc-xin đúng theo quy định khuyến cáo của Bộ y tế. Bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C. Trước khi sử dụng cần pha hồi chỉnh vắc-xin.
  • Tiêm đúng kỹ thuật, tiêm trong da. Không tiêm dưới da vì có thể tạo nên những bọc mụn sau đó hình thành lên những mụn mủ và vết sẹo quá to hoặc có thể nổi hạch lao phản ứng tại nách, hạch dưới đòn, hạch cổ bên trái. Quá trình tiêm phải được đảm bảo vô trùng, pha thuốc đúng hướng dẫn, đúng tỉ lệ.
  • Tiêm đúng liều, không sử dụng quá liều quy định của Bộ y tế.
  • Không tiêm vắc-xin phòng lao cho những người bị nhiễm HIV ở giai đoạn AIDS hoặc trẻ giả định nhiễm HIV nặng, không tiêm cho những người đã bị nhiễm khuẩn lao. Theo thống kê số liệu cho thấy trong tổng số các trường hợp đã được tiêm vắc-xin phòng lao có khoảng 1/1.000.000 trường hợp bị nhiễm lao sau tiêm, rơi vào các trường hợp người bị nhiễm HIV hay suy giảm miễn dịch nặng.
  • Lưu ý vắc-xin phòng lao thường chỉ tiêm cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chưa bị nhiễm lao. Các trường hợp khác, đặc biệt các trường hợp mang thai, chỉ sử dụng vắc-xin phòng lao khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cân nhắc kỹ nếu trẻ có biểu hiện của viêm da có mủ, sốt cao, suy dinh dưỡng...
  • Sau khi tiêm nếu thấy có các hiện tượng nhiễm trùng toàn thân hay viêm sưng mủ quá to tại vết tiêm, sốt, sưng hạch, cần cho trẻ đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa, không tự ý xử lý và điều trị.

Ngoài việc tránh tiếp xúc với người bệnh, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng cho cơ thể..., tiêm vắc-xin phòng lao vẫn là phương pháp dự phòng bệnh lao tối ưu và hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan