Dịch sởi 2019 tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi - hầu hết do trẻ không tiêm vắc-xin đầy đủ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, rất dễ bùng phát thành dịch vào dịp cuối mùa đông, đầu mùa xuân và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Dịch sởi 2019 tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi - hầu hết do trẻ không tiêm vắc-xin hoặc tiêm vắc-xin không đầy đủ theo trào lưu “Anti vắc-xin”.

1. Dịch sởi 2019 bùng phát

Dịch sởi bùng phát
Dịch sởi bùng phát trên nhiều khu vực

Ngày 1 tháng 3 năm 2019 UNICEF đưa ra cảnh báo dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động và tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng. UNICEF cho biết tại 10 quốc gia, trong đó có Ukraine, Philippines và Brazil, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74% tổng số ca nhiễm mới và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố loại bỏ được căn bệnh này.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2018, dịch sởi đã xảy ra tại một số nước ở khu vực Châu Âu. Đặc biệt, việc ghi nhận sự lây truyền dịch sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước trước đó đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga). Điều này đã tạo ra mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này.

Trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, trong đó đặc biệt tại Ukraine, Philippines và Hoa Kỳ.

Tại Ukraine, có 35.120 trường hợp mắc bệnh sởi trong năm 2018 và 24.042 người khác mắc bệnh sởi trong 2 tháng đầu năm 2019.

Tại Philippines, có 12.736 trường hợp mắc bệnh sởi và 203 ca tử vong năm 2019 so với 15.599 ca trong cả năm 2018.

Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố như: Atlanta, New jersey, New York, Oregon, Rockland County, Rochester, Vancouver. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực và nỗ lực của người dân trong việc khống chế dịch bệnh sởi.

Tại Việt Nam, bệnh sởi bùng phát bắt đầu từ tháng 10 năm 2018, tính đến đầu tháng 3 đã ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 ca mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, và tính đến hiện nay số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm. Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống tại các tỉnh, thành phố nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Cụ thể, trong 12 tuần đầu năm 2019 tại TP.Hồ Chí Minh ghi nhận 3.316 trường hợp sốt phát ban nghi sởi trong đó số ca chưa được tiêm chủng là 1.788 ca (tương đương 54%), số ca không rõ tiền sử tiêm chủng là 1.522 ca (45,8%), và số ca có tiêm một mũi vắc-xin phòng sởi là 6 ca (0,2%). Và tại Hà Nội từ đầu năm 2019 tính đến 10 tháng 3 đã ghi nhận 412 ca mắc sởi (tăng 366 ca so với cùng kỳ năm ngoái) phân bố tại các quận, huyện, thị trấn, xã... Điều đáng nói là có đến 92% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng do mất sổ tiêm chủng.

Tiêm vắc xin cho trẻ
Trẻ cần được thăm khám và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất

Bệnh sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, với tốc độ rất nhanh và khó kiểm soát. Tính theo chu kỳ, 4-5 năm dịch bệnh sởi sẽ bùng phát lại. Thời tiết hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây ra bệnh hô hấp và tiêu hóa phát triển. Vì vậy để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung dưới đây:

  • Chủ động đưa con em mình từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc trẻ từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi. hoặc vắc-xin phòng sởi – rubella (MR). Gia đình cũng có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm vắc-xin chứa thành phần kháng nguyên sởi như sởi – quai bị - rubella.
  • Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhằm phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, chưa cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
  • Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh. Virus sởi có thể lây trong vòng 4 ngày trước và 4 ngày sau phát ban sởi.
  • Bệnh sởi rất dễ lây, không được cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc cho trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
  • Người lớn chưa tiêm vắc-xin phòng sởi cần chủ động đi tiêm tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.

Hy vọng qua bài viết này bạn có thể biết được tốc độ lây lan của bệnh sởi và tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và phụ nữ trước khi mang thai cũng nên tiêm vắc-xin phòng sởi – quai bị -rubella ít nhất 1 tháng, tốt nhất là 3 tháng để tránh nhiễm sởi trong quá trình mang thai sẽ truyền bệnh từ mẹ sang con hoặc gây dị tật cho thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan