Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi bằng máy laser

Thông qua các thông số của xét nghiệm tế bào máu ngoại vi bằng máy laser, bác sĩ sẽ nắm được những thông tin hữu ích về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, từ đó gợi ý theo dõi, xác định nguyên nhân gây bệnh, phát hiện ra các hiện tượng bất thường của cơ thể để đưa ra hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.

1. Thành phần và chức năng của máu

Máu gồm 2 thành phần: các tế bào máu và huyết tương.

Các tế bào máu gồm:

  • Hồng cầu: Chiếm số lượng nhiều nhất, chứa huyết sắc tố, giúp máu có màu đỏ. Hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi tới các mô và nhận CO2 từ các mô lên đào thải ở phổi. Thời gian sống trung bình của hồng cầu khoảng 90 - 120 ngày. Mỗi ngày có trung bình khoảng 200 - 400 tỷ hồng cầu chết đi, được thay thế từ hồng cầu mới sinh ra từ tủy xương;
  • Bạch cầu: Có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các tác nhân lạ gây bệnh. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, thời gian sống trung bình từ 1 tuần tới vài tháng;
  • Tiểu cầu: Là những mảnh tế bào rất nhỏ, tham gia vào chức năng cầm máu, tạo các cục máu đông để bịt các vết thương ở thành mạch. Tiểu cầu có thời gian sống trung bình khoảng 5 -7 ngày.

Huyết tương là phần vô hình, có màu vàng, chứa chủ yếu là nước. Ngoài ra, huyết tương còn chứa nhiều chất quan trọng đối với sự phát triển và chuyển hóa của cơ thể như Albumin, các yếu tố đông máu, đường, vitamin, muối khoáng, các kháng thể, hormone và các men,...

Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi bằng máy laser
Thành phần của máu

2. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là gì?

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (Complete blood count) hay xét nghiệm tế bào máu ngoại vi là một xét nghiệm thường quy, được sử dụng để đánh giá sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và phát hiện các rối loạn như nhiễm trùng, thiếu máu hay các bệnh về máu,... Mẫu máu sau khi được lấy ra sẽ được cho vào ống nghiệm có chứa chất chống đông để ngăn máu đông lại, sau đó được cho vào máy phân tích nhằm:

  • Đếm số lượng các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong mỗi ml máu;
  • Tính thể tích khối hồng cầu chiếm chỗ trong 1 lít máu toàn phần;
  • Đo kích thước và tính kích thước trung bình của tế bào hồng cầu ;
  • Định lượng hemoglobin có trong các tế bào hồng cầu;
  • Xác định tỷ lệ của từng loại tế bào bạch cầu trong mẫu máu;

3. Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi để làm gì?

Các chỉ số tế bào máu sẽ phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp tình trạng sinh lý của bệnh nhân hoặc đưa ra thông tin về một số bệnh lý của cơ thể. Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi gợi ý định hướng nguyên nhân gây bệnh và phát hiện ra các hiện tượng bất thường của cơ thể như:

  • Thiếu máu: Xét nghiệm giúp kiểm tra xem bệnh nhân có bị thiếu máu hay không. Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng thiếu máu có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm tế bào máu. Cụ thể, dựa vào kích thước trung bình của tế bào hồng cầu - chỉ số MCV - bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt hoặc bệnh Thalassemia (kích thước tế bào hồng cầu nhỏ) hoặc bệnh nhân bị thiếu axit folic, vitamin B12 (kích thước tế bào hồng cầu lớn hơn trung bình);
  • Đa hồng cầu: Do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu do rối loạn chức năng tủy xương bởi sự khiếm khuyết trong gen;
  • Giảm bạch cầu: Gồm nhiều dạng như giảm bạch cầu đa nhân trung tính, giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu ưa axit;
  • Tăng bạch cầu: Gồm các loại tăng bạch cầu đa nhân trung tính, tăng bạch cầu ưa axit, tăng bạch cầu lympho, tăng bạch cầu đơn nhân, tăng bạch cầu ưa kiềm,... Những nguyên nhân gây ra hiện tượng này gồm: nhiễm trùng, mắc bệnh dị ứng (tăng bạch cầu ưa axit), mắc ung thư máu (tăng đột ngột số lượng của nhiều loại bạch cầu);
  • Giảm tiểu cầu: Gây hậu quả là cơ thể dễ bị bầm tím và chảy máu kéo dài, khó đông máu;
  • Tăng tiểu cầu: Là hệ quả của tình trạng rối loạn ảnh hưởng đến các tế bào tủy xương làm nhiệm vụ sản xuất tiểu cầu.
Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi bằng máy laser
Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi để làm gì?

4. Quy trình xét nghiệm tế bào máu ngoại vi

4.1 Chuẩn bị

  • 1 kỹ thuật viên vận hành máy;
  • Máy đếm tế bào tự động theo nguyên lý trở kháng và laser;
  • Máy lắc ống máu;
  • Máy in kèm theo;
  • Máy lập công thức bạch cầu;
  • Bàn sấy (đèn hoặc máy sấy tiêu bản);
  • Giá cắm tiêu bản;
  • Cóng (bể) nhuộm tiêu bản;
  • Kính hiển vi quang học;
  • Ống nghiệm có chất chống đông;
  • Mã vạch, giấy in kết quả, sổ nhật ký máy, sổ lưu kết quả;
  • Lam kính, lam kéo, dầu soi kính, gạc;
  • Bút chì đánh dấu, bút bi vào sổ, bút dạ ghi sổ, găng tay;
  • Máu chuẩn máy;
  • Dung dịch chạy máy và rửa máy;
  • Cồn tuyệt đối cố định tiêu bản;
  • Dung dịch Giemsa nguyên chất và Giemsa pha loãng 1/5;
  • Mẫu bệnh phẩm: 2ml máu ngoại vi chồng đông bằng EDTA;
  • Phiếu xét nghiệm có đầy đủ thông tin người bệnh, có đánh dấu những thông số cần xét nghiệm, ghi rõ ràng ngày, tháng, năm và chữ ký bác sĩ.

4.2 Thực hiện

Nhận bệnh phẩm

  • Kiểm tra mẫu máu đủ số lượng và chất lượng, trên ống máu ghi đầy đủ thông tin phù hợp với giấy xét nghiệm;
  • Nhân viên y tế ghi và ký nhận vào sổ nhận bệnh phẩm, dán mã vạch vào giấy xét nghiệm và ống máu, nhập thông tin người bệnh vào phần mềm.

Tiến hành kỹ thuật

  • Kiểm tra hóa chất và đồ tiêu hao về lượng, thời hạn sử dụng;
  • Bật máy tính và bật máy xét nghiệm tế bào máu ngoại vi bằng laser;
  • Chuẩn máy: Để mẫu chuẩn lên máy, lắc khoảng 10 phút. Khi máy đủ nhiệt độ thì thực hiện chuẩn tất cả các chỉ số theo từng lô. Sau khi đạt chuẩn thực hiện chạy mẫu;
  • Kiểm tra mẫu trước khi chạy: Thông tin hành chính và chất lượng mẫu;
  • Chọn chế độ và chương trình làm việc tương ứng với chỉ định;
  • Xếp mẫu bệnh phẩm lên rack bệnh phẩm theo thứ tự từ trái sang phải, mặt mã vạch hướng về phía khe đọc rồi đặt rack vào khay chuyển mẫu tự động;
  • Chạy máy: Khởi động chế độ chạy máy tự động, vừa chạy máy vừa theo dõi máy;
  • Xem và in kết quả;
  • Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường, nhân viên xét nghiệm cần kéo tiêu bản và nhuộm Giemsa rồi đọc trên kính hiển vi và đối chiếu tiêu bản với kết quả chạy máy.

4.3 Đọc kết quả

  • Nếu kết quả chạy máy phù hợp với tiêu bản, nhân viên xét nghiệm ký tên, ghi ngày tháng xét nghiệm và trả kết quả;
  • Nếu kết quả chạy máy không phù hợp, nhân viên xét nghiệm cần kiểm tra lại và báo cáo cho bác sĩ.

Lưu ý: Thời gian từ khi lấy máy ra khỏi thành mạch tới khi làm xét nghiệm không quá 6 giờ.

5. Giá trị bình thường của các dòng tế bào máu

Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi bằng máy laser
Giá trị bình thường của các dòng tế bào máu

6. Làm gì khi có xét nghiệm tổng phân tích máu bất thường?

Hiện tượng bất thường được phát hiện trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, khi phát hiện thấy kết quả xét nghiệm bất thường, bệnh nhân nên phối hợp với bác sĩ thực hiện thêm những xét nghiệm khác để làm rõ nguyên nhân.

Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra những chỉ số bất thường trong kết quả xét nghiệm tế bào máu.

Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi sẽ cung cấp những bằng chứng sớm nhất về các thay đổi tình trạng sức khỏe và tiến triển bệnh lý của bệnh nhân. Vì vậy, khi được chỉ định thực hiện xét nghiệm này, bệnh nhân cần tuyệt đối phối hợp với nhân viên y tế để thu được kết quả chẩn đoán chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

61.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: