Viễn thị có thể điều trị thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Các nghiên cứu thống kê cho thấy, tỉ lệ mắc các tật khúc xạ đang tăng nhanh ở Việt Nam. Trong đó viễn thị là một vấn đề thị giác phổ biến. Viễn thị không chỉ gặp ở người lớn mà ngay cả trẻ em vẫn có thể mắc viễn thị. Vậy thế nào là viễn thị và cách làm giảm độ viễn thị là gì?

1. Viễn thị là như thế nào?

Viễn thị (Hyperopia, Hypermetropia, Farsightedness) là một tật khúc xạ mà người bệnh có thể nhìn thấy những vật ở xa rất tốt, nhưng lại gặp khó khăn khi tập trung vào những vật ở gần. Viễn thị là sự sai lệch về khúc xạ, khi mắt ở trạng thái nghỉ ngơi, các tia sáng tới song song chiếu vào mắt sẽ hội tụ ở phía sau võng mạc. Muốn nhìn rõ hơn, mắt của người bệnh phải điều tiết để đưa ảnh từ sau về đúng trên võng mạc. Trong một số trường hợp viễn thị nghiêm trọng, người bệnh chỉ có thể nhìn những thứ ở khoảng cách rất xa.

Viễn thị có thể di truyền trong gia đình. Triệu chứng của tật này khá giống với tật lão thị ở người già.

2. Dấu hiệu nhận biết tật viễn thị

Có khá nhiều biểu hiện của mắt liên quan đến tật viễn thị, phổ biến nhất ban đầu đó là mỏi mắt. Người bị viễn thị đầu tiên sẽ cảm thấy việc nhìn gần khó khăn trong khi khả năng nhìn xa còn rất tốt.

Viễn thị còn gây ra cảm giác nặng ở trán, đau ở 2 bên thái dương, đôi khi người viễn thị còn bị nhức đầu. Vì muốn nhìn rõ hơn nên mắt phải cố gắng điều tiết kéo theo sự co kéo các cơ trán, lông mày và mi, khiến cho mắt của người viễn thị có những nếp nhăn tạo nên một dạng kiểu hình riêng gọi là “bộ mặt viễn thị”. Người viễn thị thỉnh thoảng sẽ thấy nhức đầu hoặc đau mắt, phải nheo mắt hoặc thường cảm thấy mệt mỏi khi làm việc ở khoảng cách gần.

Mắt viễn thị luôn luôn có xu hướng quay vào trong, trông mắt rất “hoạt động”, thường cho ta cảm giác là đôi mắt rất tinh. Một số trường hợp viễn thị có thể bị lác mắt.

3. Nguyên nhân gây ra tật viễn thị

Tật viễn thị có 3 nguyên nhân chính:

  • Bẩm sinh do trục nhãn cầu mắt ngắn. Yếu tố di truyền có vai trò khá quan trọng vì bạn sẽ dễ bị viễn thị hơn nếu cha mẹ của bạn cũng bị viễn thị;
  • Không giữ đúng khoảng cách nhìn, thường xuyên nhìn xa khiến thể thủy tinh luôn phải đàn hồi , lâu dần tính đàn hồi giảm và mất dần khả năng điều tiết
  • Thể thủy tinh đã bị lão hóa, mất tính đàn hồi,độ dàn hồi giảm
Viễn thị có thể điều trị thế nào?
Bầu thủy tinh tật viễn thị

4. Các biến chứng của tật viễn thị

Viễn thị nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống, không có khả năng thực hiện các hoạt động như mong muốn, tầm nhìn hạn chế có thể làm giảm sự thú vị của cuộc sống cũng như sự an toàn cho bản thân.

Ở trẻ em, viễn thị không điều trị có thể gây ra các vấn đề trong học tập, khiến trẻ nheo mắt hoặc căng mắt để duy trì sự tập trung, dẫn đến mỏi mắt và nhức đầu.để lâu nếu không được khám và điều trị có thể dẫn đến nhược thị (Thị lực không hồi phục ngay cả điều chỉnh kính)

5. Điều trị viễn thị

Viễn thị có thể được chữa trị bằng cách đeo kính có gọng hoặc kính áp tròng để làm thay đổi điểm hội tụ của tia sáng khi đi vào mắt. Bệnh nhân có thể lựa chọn mang kính có gọng hoặc kính áp tròng liên tục hoặc chỉ khi đọc sách, làm việc với máy tính hoặc làm những việc khác ở khoảng cách gần.

Khi chọn kính viễn thị để điều chỉnh tật mắt, nên chọn tròng kính phi cầu có độ chiết suất cao (aspheric high-index lenses), đặc biệt với tật viễn nặng. Những tròng kính này trông sẽ mỏng, nhẹ và gọn hơn so với trong kính thường, giảm hình ảnh mắt lồi thường gặp khi mang kính viễn. Tuy nhiên, lưu ý rằng tròng kính phi cầu có độ chiết suất cao, phản chiếu ánh sáng nhiều vì vậy, để đạt thẩm mỹ và thoải mái cho mắt, bệnh nhân nên chọn loại tròng có lớp phủ phản quang chống lóa, giúp khắc phục nhược điểm của tròng kính phi cầu.

Các tròng kính viễn thị cho trẻ em nên được làm bằng vật liệu polycarbonate vì vừa nhẹ, vừa chống va đập tốt. Ngoài ra, loại tròng kính quang học có khả năng chuyển sang màu sẫm hơn khi ra nắng rất được khuyên dùng cho trẻ hoặc những ai phải ở ngoài trời nhiều.

6. Cách chữa viễn thị tại nhà

Việc đeo kính phải đi kèm với chế độ luyện tập mắt tích cực để làm giảm độ viễn thị. Trẻ cần được khuyến khích các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ tranh, tô màu, đọc truyện..., mục đích là làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh dẫn đến giảm độ viễn thị (cận thị hóa viễn thị).

Với những trẻ bị nhược thị thì cần chế độ luyện tập tích cực hơn như bịt mắt lành và tập nhìn với mắt nhược thị hoặc tập trên các hệ thống máy kích thích hoàng điểm, máy tập thị giác 2 mắt....

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được điều trị chứng lác mắt (nếu có) và cần được theo dõi ít nhất 6 tháng 1 lần để điều chỉnh kính cho phù hợp với sự tiến triển của viễn thị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan