Viêm nội mạc tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm nội mạc tử cung là chứng bệnh không xa lạ với phụ nữ. Ngoài việc gây ra những cơn đau bụng dữ dội, bệnh còn tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm trong đó có nguy cơ vô sinh.

1. Viêm nội mạc tử cung là gì?

Bên trong tử cung có một lớp niêm mạc mềm, xốp, gọi là nội mạc tử cung. Khu vực này sẵn sàng tiếp nhận trứng thụ tinh và nuôi dưỡng chúng phát triển thành bào thai. Nếu trứng không rụng, các mô nội mạc tử cung sẽ bị phá hủy và được tống ra ngoài, tạo thành chu kỳ kinh nguyệt.

Viêm nội mạc tử cung là tình trạng viêm nhiễm trong buồng tử cung, thường xảy ra do một số thủ thuật can thiệp ở buồng tử cung không đảm bảo vô trùng như nạo hút thai, nạo sinh thiết, đặt vòng, lấy vòng. Bệnh cũng có thể xảy ra sau sinh, sau mổ lấy thai nếu có sót nhau hoặc ứ dịch long tử cung kéo dài...

Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng và hậu quả cuối cùng là vô sinh do tinh trùng không gặp trứng để thụ tinh, trứng đã thụ tinh không về được tử cung làm tổ, tử cung không đảm bảo chức năng cho trứng làm tổ.

viêm nội mạc tử cung
Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm

2. Nguyên nhân gây ra viêm nội mạc tử cung

Nguyên nhân gây viêm nội mạc tử cung thường do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, Chlamydia, lao...) hoặc do vi khuẩn lan truyền từ dưới lên trong hoặc sau khi bị viêm cổ tử cung, viêm âm đạo. Tuy vậy, nguyên nhân thường thấy nhất là do nhiễm khuẩn sau sảy thai, đẻ bị sót nhau, bế sản dịch, mổ lấy thai (dụng cụ phẫu thuật không vô khuẩn), vỡ màng ối sớm và chuyển dạ kéo dài thăm khám nhiều lần theo đường âm đạo, đặt dụng cụ tử cung, nạo thai không an toàn)...

3. Triệu chứng của viêm nội mạc tử cung

Triệu chứng chung của bệnh là đau bụng dữ dội trước và trong khi hành kinh, đau khi quan hệ tình dục. Bệnh nhân thường thấy mệt mỏi, đau buốt đường tiết niệu, tiêu chảy, táo bón, nôn mửa... Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng này còn kèm theo dị ứng, thường xuyên bị viêm nhiễm ở vùng kín. Khi bị viêm nội mạc tử cung cấp, người bệnh thấy đau bụng dưới, ra nhiều khí hư kèm mủ, sốt. Nếu điều trị không đúng hoặc không chữa trị, bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, mà biểu hiện chính thường là đau bụng dưới, chảy máu tử cung, rối loạn kinh nguyệt.

viêm nội mạc tử cung
Triệu chứng chung của bệnh là đau bụng dữ dội trước và trong khi hành kinh

4. Tại sao phụ nữ cần cắt bỏ nội mạc tử cung?

Cắt bỏ nội mạc tử cung là thủ thuật phá hủy một lớp mỏng của niêm mạc tử cung. Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ bị ra nhiều máu hoặc máu chảy không ngừng trong kỳ kinh nguyệt sẽ được điều trị bằng thuốc trước tiên. Nếu chảy máu nặng không thể kiểm soát được bằng thuốc, cắt bỏ nội mạc tử cung có thể được sử dụng. Thủ thuật này có thể giúp lượng kinh thoát ra giảm xuống mức bình thường hoặc nhẹ hơn. Nếu việc cắt bỏ vẫn không thể kiểm soát tình trạng này, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị thêm hoặc làm phẫu thuật.

Đối tượng không nên cắt bỏ nội mạc tử cung: Cắt bỏ nội mạc tử cung được khuyến cáo không nên thực hiện ở phụ nữ đã mãn kinh và phụ nữ có những vấn đề sau:

  • Rối loạn tử cung hoặc nội mạc tử cung
  • Tăng sản nội mạc tử cung
  • Ung thư tử cung
  • Mới mang thai
  • Vừa mới hoặc đang bị nhiễm trùng tử cung

5. Có thể mang thai sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung không?

Sau khi đã cắt bỏ nội mạc tử cung khả năng mang thai là rất thấp nhưng vẫn có thể mang thai. Nếu mang thai sau cắt bỏ nội mạc tử cung thì nguy cơ sẩy thai và gặp các vấn đề sức khỏe khác tăng lên rất cao. Nếu bạn vẫn muốn có thai thì không nên thực hiện thủ thuật này. Những phụ nữ đã cắt bỏ nội mạc tử cung nên sử dụng các biện pháp tránh thai cho đến sau thời kỳ mãn kinh, triệt sản cũng có thể là một lựa chọn tốt.

Một phụ nữ đã cắt bỏ nội mạc tử cung vẫn có đầy đủ các cơ quan sinh sản nên việc thường xuyên tầm soát ung thư cổ tử cung và khám phụ khoa vẫn rất cần thiết.

viêm nội mạc tử cung
Sau khi đã cắt bỏ nội mạc tử cung khả năng mang thai là rất thấp nhưng vẫn có thể mang thai

6. Các kỹ thuật thực hiện cắt bỏ nội mạc tử cung?

Các phương pháp sau đây là những phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để thực hiện cắt bỏ nội mạc tử cung:

Sóng vô tuyến: Một đầu dò được đưa vào tử cung thông qua cổ tử cung. Đỉnh của đầu dò sẽ phát ra năng lượng sóng vô tuyến dưới dạng lưới vào lớp nội mạc. Năng lượng và nhiệt độ sẽ tiêu diệt các tế bào nội mạc tử cung, các tế bào này sau đó sẽ được máy hút ra ngoài.

Làm đông: Một đầu dò nhỏ được đưa vào tử cung. Đỉnh của đầu dò sẽ làm đông nội mạc tử cung. Kỹ thuật này thường được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm.

Chất lỏng nóng: Các chất lỏng được đưa vào tử cung thông qua một ống nội soi buồng tử cung (một thiết bị nhỏ truyền ánh sáng để quan sát nội mạc tử cung), sau đó chất lỏng được làm nóng và giữ trong tử cung trong khoảng 10 phút. Nhiệt độ cao sẽ phá hủy nội mạc.

Bóng nước nóng: một quả bóng được đặt vào trong tử cung trong quá trình nội soi buồng tử cung. Bơm chất lỏng nóng vào quả bóng cho phình to đến khi các cạnh của bóng áp vào nội mạc tử cung. Nhiệt độ cao sẽ phá hủy nội mạc tử cung.

Năng lượng vi sóng: Một đầu dò đặc biệt được đưa vào tử cung thông qua cổ tử cung rồi truyền năng lượng vi sóng đến nội mạc tử cung và phá hủy nó.

Phẫu tích bằng điện: được thực hiện với ống soi phẫu tích (resectoscope). Ống soi phẫu tích là một dụng cụ kính soi nhỏ được đưa vào buồng tử cung. Đầu của ống soi phẫu tích có thể là một vòng dây kim loại, một bi lăn hoặc một bi gai, được tích điện để có thể phá hủy nội mạc tử cung. Phương pháp này thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật và cần gây mê toàn thân. Tuy nhiên, nó không phổ biến như các phương pháp khác.

7. Những triệu chứng bạn có thể gặp sau khi phẫu thuật

Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung:

  • Đau bụng giống như đau bụng khi hành kinh trong 1-2 ngày
  • Tiết dịch âm đạo loãng có lẫn máu, có thể kéo dài một vài tuần. Dịch tiết có thể ra nhiều trong 2-3 ngày đầu sau phẫu thuật
  • Đi tiểu thường xuyên hơn trong vòng 24 giờ đầu
  • Buồn nôn

Cắt bỏ nội mạc tử cung có những rủi ro nhất định như: Nguy cơ bị nhiễm trùng và chảy máu thấp. Dụng cụ sử dụng trong thủ thuật có thể gây thủng tử cung hoặc ruột. Một số phương pháp có thể có nguy cơ làm bỏng âm đạo, âm hộ, và ruột. Trong trường hợp hiếm gặp, các chất lỏng sử dụng để làm căng buồng tử cung trong quá trình phẫu thuật điện có thể hấp thụ vào máu gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Chính vì vậy mà lượng chất lỏng sử dụng luôn được kiểm tra cẩn thận trong suốt tiến trình thủ thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Aacog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

97K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Tiepanem 1g
    Công dụng thuốc Tiepanem 1g

    Thuốc Tiepanem 1g là thuốc gì, có phải là thuốc kháng sinh không? Với thành phần chính là Meropenem, Tiepanem 1g được chỉ định tiêm tĩnh mạch để điều trị một số tình trạng nhiễm khuẩn ở hệ hô hấp, ...

    Đọc thêm
  • macxicin
    Công dụng thuốc Macxicin

    Thuốc Macxicin được bào chế dưới dạng bột pha dung dịch tiêm, có thành phần chính là Ceftazidim. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm với thuốc.

    Đọc thêm
  • genperazone
    Công dụng thuốc Genperazone

    Genperazone thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm được bào chế ở dạng bột pha tiêm. Thành phần chính của thuốc Genperazone là Cefoperazone, được chỉ định điều trị nhiễm trùng hô hấp, ...

    Đọc thêm
  • newdaepra
    Công dụng thuốc Newdaepra

    Newdaepra có chứa thành phần chính là hỗn hợp Cefoperazone sodium và Sulbactam sodium. Vậy thuốc Newdaepra có tác dụng gì và cần sử dụng như thế nào cho đúng cách?

    Đọc thêm
  • spmerocin
    Công dụng thuốc Spmerocin

    Spmerocin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và nấm. Thuốc chứa thành phần chính là Meropenem (dưới dạng hỗn hợp Meropenem trihydrat và natri carbonat) 1g, bào chế dưới dạng bột pha tiêm, đóng ...

    Đọc thêm