Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh lý tuyến giáp hơn nam giới?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng có chức năng điều khiển các quá trình chuyển hóa. Bất kỳ sự bất thường nào của tuyến giáp cũng có thể là căn nguyên, hoặc dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Hiểu về các bệnh lý tuyến giáp để đề phòng hay tầm soát, điều trị sớm là việc cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân.

Bệnh lý tuyến giáp là bất kỳ tình trạng lành tính hoặc ác tính nào ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng của tuyến giáp.

Các bệnh lý thường gặp của tuyến giáp là suy giáp, cường giápung thư tuyến giáp. Tỉ lệ phụ nữ mắc cường giáp nhiều hơn gấp 7 lần, bị suy giáp gấp 8 lần so với nam giới. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng rối loạn chuyển hóa tuyến giáp là thiếu I-ốt. Có tới 1 tỷ người có nguy cơ thiếu I-ốt dẫn đến bệnh lý tuyến giáp. Và trong đó, phần lớn gặp ở phụ nữ.

1. Các bệnh lý tuyến giáp là gì?

Muốn hiểu được các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, trước hết chúng ta phải hiểu tuyến giáp là gì, đóng vai trò gì trong hoạt động sống của con người.

  • Hình dạng và vị trí: Tuyến giáp có hình dạng giống như một con bướm nằm ở trước cổ, ngang hàng với các đốt xương sống C5 - T1, cấu tạo gồm 2 thùy (thùy trái và thùy phải) được nối với nhau qua một eo tuyến, nằm áp vào mặt trước bên của sụn giáp và phần trên khí quản.
  • Sơ lược chức năng tuyến giáp: Đây là bộ phận giữ chức năng bài tiết, dự trữ và giải phóng hai hormon T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine), điều hành quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể. Khi bộ phận này hoạt động bình thường, việc trao đổi chất trong cơ thể luôn duy trì ổn định, không quá nhanh, cũng không quá chậm. Ngược lại, sự bất thường trong hoạt động của tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh, đồng thời cũng là biểu hiện của một số bệnh lý liên quan.

2. Những bệnh lý liên quan đến tuyến giáp

2.1 Bệnh suy tuyến giáp/Suy giáp (hypothyroidism)

Suy giáp là một bệnh lý tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, không thể tiết đủ hormone Thyroxine.

Bệnh suy giáp có những dấu hiệu rất mơ hồ và giống với biểu hiện của một số bệnh lý khác như buồn ngủ, mệt mỏi, giảm trí nhớ, khàn tiếng, táo bón, phụ nữ có thể bị chảy máu bất thường ở âm đạo, da khô, mắt và mặt bị phù nhẹ... Trong trường hợp bệnh phát triển ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể có các biểu hiện nghiêm trọng hơn như chán ăn, tinh thần và thể lực suy kiệt, rụng tóc nhiều, hội chứng da và niêm mạc biểu hiện với phù niêm, lưỡi to bè ra hai bên, những biểu hiện khác như nhịp tim chậm, huyết áp thấp, thậm chí có thể bị hôn mê đột ngột.

Để điều trị chứng suy giáp, bệnh nhân cần phải kiên trì uống thuốc và làm theo các chỉ định của bác sĩ. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sẽ bình phục, song cũng có bệnh nhân sẽ phải điều trị kéo dài suốt đời.

2.2 Cường tuyến giáp/Cường giáp (hyperthyroidism)

Cường giáp là tình trạng xảy ra do tăng tiết hormon tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxine). Ngoài ra, chúng ta có thể mắc bệnh cường giáp do nguyên nhân như: Bệnh Basedow, bệnh bướu giáp thể đa nhân, viêm giáp, u tuyến độc, ăn quá nhiều iốt...

2.3 Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh ác tính của, chiếm khoảng 1% các loại ung thư với những biểu hiện như: tuyến giáp to nhanh trong thời gian ngắn và có các hạch nổi lên bất thường vùng xung quanh; ăn nhiều mà vẫn sút cân; chịu nóng kém, hay vã mồ hôi, luôn luôn trong trạng thái tinh thần căng thẳng, mất ngủ; tính khí thất thường; tay chân run rẩy yếu đuối; hoạt động mau bị mệt, hồi hộp, khó thở; phụ nữ thấy kinh ra ít....

2.4 Bướu lành tuyến giáp

Bướu lành tuyến giáp là loại bệnh thường gặp nhất của tuyến giáp. Bệnh phát triển âm thầm và không có những biểu hiện rõ ràng, không gây trở ngại đến đời sống sinh hoạt của bệnh nhân nên rất khó phát hiện. Người bệnh chỉ cảm thấy khó chịu khi thấy vùng cổ phình lớn, nổi u cục, chèn ép các cơ quan xung quanh gây cảm giác khó nuốt, khó thở, ho nhiều...

Trong chuyên khoa nội tiết, nhóm bệnh lý của tuyến giáp khá thường gặp trên đặc điểm dân số nước ta.

Về đặc điểm dịch tễ học, nữ giới mắc các bệnh lý tuyến giáp cao gấp nhiều lần so với nam giới với tỷ lệ từ 3 - 10 lần. Đặc biệt, tần suất mắc bệnh cao nhất rơi vào nhóm phụ nữ trong độ tuổi 20.

3. Vì sao nữ giới gặp bệnh lý tuyến giáp nhiều hơn nam giới?

Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh lý tuyến giáp hơn nam giới?
Nữ giới dễ bị các bệnh lý tuyến giáp hơn chủ yếu do phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố

Chính sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể về mặt giải phẫu cũng như các nhiệm vụ sinh lý của nữ giới so với nam giới là nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ giới cao hơn. Bởi lẽ, trong suốt vòng đời của mình, cơ thể nữ giới phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố hơn nam giới. Các giai đoạn có thể kể ra là quá trình dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh – cho con bú và thời kỳ mãn kinh.

Các giai đoạn thay đổi sinh lý – hormone của cơ thể nữ giới như:

Tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt: Sự thay đổi nội tiết tố sinh dục trong giai đoạn dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt có tác động qua lại và liên quan mật thiết với hormone tuyến giáp.

Phụ nữ thời kỳ mang thai, sinh con và cho con bú:

  • Thay đổi nội tiết trong thai kỳ. Những thay đổi bình thường của chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai.
  • Thay đổi về hormone: Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ sinh ra 2 hormon chính: βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hóc môn TSH (hóc môn kích thích giáp trạng), lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen (hóc môn sinh dục nữ) sẽ làm tăng hóc môn tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hóc môn tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Như vậy chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nếu TSH, FT3 và FT4 bình thường.
  • Thay đổi về kích thước: Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai: Kích thước lớn hơn khoảng 10- 15%, gọi là bướu cổ. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ sống ở vùng núi - nơi thiếu hụt I ốt. Siêu âm là biện pháp tốt nhất giúp phát hiện tăng kích thước tuyến giáp. Khi thai phụ có tăng kích thước tuyến giáp thì nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

Tác động của chức năng tuyến giáp đến mẹ và bé?

Trong 10-12 tuần đầu của thai kỳ, đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của người mẹ. Hết 3 tháng đầu, cơ thể của bé sẽ tự sản xuất ra hóc môn tuyến giáp. Mặc dù vậy, bé vẫn phải phụ thuộc chính vào lượng I ốt bà mẹ ăn vào. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phụ nữ mang thai nên bổ sung 200 mcg I ốt/ngày để duy trì chức năng tuyến giáp.

Phụ nữ thời kỳ mãn kinh: Các tiềm ẩn về bệnh lý tuyến giáp trong suốt thời gian qua có thể bùng phát bệnh lý tuyến giáp ở người mãn kinh. Các yếu tố khác như tuổi tác, sự giảm nội tiết sinh dục nữ, chế độ ăn không hợp lý có thể gây bệnh lý tuyến giáp trên đối tượng này.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như sử dụng thuốc tránh thai, uống thuốc an thần, kháng sinh, sử dụng liệu pháp Hormone điều tiết...

  • Những phụ nữ hay gặp tình trạng mất ngủ, lo âu, căng thẳng trong cuộc sống... cũng khiến nội tiết, hormone thay đổi và là nguy cơ dẫn đến các bệnh về tuyến giáp.
  • Suy giảm miễn dịch: hệ miễn dịch suy yếu kéo theo sự thay đổi về các hormone trong cơ thể, từ đó, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp.
  • Tiền sử gia đình: tiền sử gia đình mắc các bệnh tuyến giáp, đặc biệt là ung thư tuyến giáp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho thế hệ sau, đặc biệt là nữ giới.
  • Yếu tố cá nhân: đã từng mắc bệnh tuyến giáp hoặc từng phẫu thuật, xạ trị ảnh hưởng tới tuyến giáp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Chế độ ăn thừa hoặc thiếu I-ốt.

4. Cách phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp

Triệu chứng bệnh tuyến giáp thường không rõ ràng, tuy nhiên chúng ta cũng có thể phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp bằng cách:

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả giúp cân bằng hormone tuyến giáp.
  • Bổ sung chế độ ăn đầy đủ I-ốt giúp tuyến giáp có đủ nguyên liệu sản sinh hormone và phòng bệnh tuyến giáp. Đặc biệt, chú ý bổ sung I-ốt cho phụ nữ giai đoạn mang thai để phòng ngừa nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, đồng thời giúp thai nhi phát triển trí tuệ.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường miễn dịch cơ thể, phòng ngừa bệnh tật và bệnh tuyến giáp nói riêng.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng thực phẩm chiên rán, đồ uống có chất kích thích. Không sử dụng rượu bia, thuốc lá.
Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh lý tuyến giáp hơn nam giới?
Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cân bằng hormone tuyến giáp

5. Cách tầm soát bệnh lý tuyến giáp như thế nào?

Việc thăm khám tuyến giáp là một phần của công tác kiểm tra sức khỏe hằng năm, khuyến khích cho tất cả nam và nữ, đặc biệt là nữ từ 20 tuổi trở lên.

Ngoài ra, khi đối tượng có các triệu chứng của hội chứng cường giáp và suy giáp theo mô tả bên trên, cần đi khám để được phát hiện bệnh lý tuyến giáp sớm. Một số bệnh tuyến giáp có thể không có biểu hiện gì ngoài tình cờ phát hiện cổ to ra, nuốt nghẹn, nói khàn, cảm giác nghẹt, tức ở cổ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

129.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan