Vì sao có tình trạng thận hư nhiễm mỡ?

Thận hư nhiễm mỡ là một căn bệnh có nhiều cách gọi, phổ biến nhất là dùng thuật ngữ “hội chứng thận hư” đối với tất cả tình trạng thận hư thận yếu, gây viêm phù, nước tiểu có đạm, máu giảm đạm và tăng mỡ.

1. Hai nhóm nguyên nhân khiến thận hư thận yếu

1.1. Hội chứng thận hư nguyên phát

Từ lâu các chuyên gia y tế cả Đông lẫn Tây y đã tìm ra những bệnh phát triển tại chính quả thận, làm thoái hoá và hư hỏng thận. Nói cách khác, những tổn thương chính xác diễn ra ở cầu thận vì nhiều nguyên nhân khác nhau, làm suy giảm chức năng thận. Dấu hiệu thường gặp là viêm phù toàn thân, tiểu ra đạm, đạm trong máu giảm nhưng mỡ lại tăng. Nhóm bệnh này được thống nhất gọi là “hội chứng thận hư nguyên phát”.

1.2. Hội chứng thận hư thứ phát

Không lâu sau đó, dưới sự phát hiện của các bác sĩ và được chứng minh qua kính hiển vi điện tử, tế bào ống thận có nhiều dấu hiệu nhiễm mỡ nhưng cầu thận lại hoàn toàn bình thường, cũng gây ra các tình trạng tương tự như trên. Nhóm bệnh không nằm ở thận, nhưng có liên quan đến thận và gây tác động xấu cho cả toàn thân gọi là “hội chứng thận hư thứ phát”, hay còn có tên khác là “thận hư nhiễm mỡ” hoặc bệnh Epstein - tên của một nhà khoa học đã nêu ra cơ chế căn bệnh vào năm 1937.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, “hội chứng thận hư thứ phát” là bệnh của toàn thân, chứ không chỉ đến từ quá trình hình thành mỡ ở riêng quả thận. Bệnh nhân bị phù do tiểu ra đạm và giảm đạm trong máu có thể là do các bệnh hệ thống như lupus, tiểu đường, hoặc rối loạn hệ miễn dịch, nhiễm trùng, và tác động từ một số loại thuốc điều trị ung thư nhất định.

than-hu-nhiem-mo-1
Phù nề toàn thân là triệu chứng rõ ràng nhất khi bị mất đạm qua nước tiểu.

2. Triệu chứng thận hư nhiễm mỡ

2.1. Thay đổi sinh lý bên trong cơ thể

Mặc dù thận bị tổn thương dạng nguyên phát hay thứ phát, hoặc vì bất cứ lý do nào, thì cũng đều dẫn đến hậu quả là mất đạm thông qua nước tiểu. Albumin thoát ra bằng đường màng lọc cầu thận là nguyên nhân khiến đạm bị mất.

Thông thường, lỗ ở màng ngăn thận có kích thước nhỏ hơn các albumin trong máu nên chất này không thể thoát ra ngoài qua đường nước tiểu được. Hơn nữa, vì cả hai đều mang điện tích âm giống nhau nên theo nguyên lý, các albumin càng bị đẩy ra xa. Tuy nhiên khi mắc phải hội chứng thận hư thận hư và suy thận, màng lọc cầu thận bị tổn thương và hư hỏng, dẫn đến việc các lỗ trở nên to hơn và mất dần điện tích âm, từ đó khiến các albumin dễ dàng thoát ra ngoài.

Khi albumin bị mất, đạm trong máu giảm nhanh đến mức cơ thể không kịp sản sinh ra đạm mới để bù trừ hàm lượng hao hụt. Chức năng của đạm là giữ lại nước nằm trong lòng mạch máu nhờ vào duy trì áp lực keo; đạm trong máu giảm kéo theo áp lực keo cũng giảm, khiến nước từ lòng mạch thoát ra ngoài làm toàn thân người bệnh bị phù.

Bên cạnh đó, albumin không phải là chất đạm duy nhất bị mất thông qua đường nước tiểu. Các chất đạm trong máu khác cũng bị thải trừ qua đường tiểu của bệnh nhân bao gồm các yếu tố đông máu hoặc IgG. Đây là nguyên nhân của tình trạng xuất hiện cục máu đông, suy giảm miễn dịch, khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, đạm trong máu giảm khiến gan phải tăng cường chức năng tổng hợp lipoprotein để bù đắp, kéo theo lipid mỡ trong máu cũng tăng lên.

2.2. Biểu hiện bên ngoài

Triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của tình trạng thận hư nhiễm mỡ là phù toàn thân. Quá trình này diễn ra rất nhanh chóng và trầm trọng, có nguy cơ tràn dịch ở màng bụng, màng phổi, màng tinh hoàn, màng tim, hoặc nặng hơn là làm phù não. Nước thoát ra khỏi lòng mạch máu khiến thể tích máu bị giảm đi, tạo ra phản xạ máu tự động hấp thụ lại lượng nước có trong thận. Tình trạng này khiến cho bệnh nhân tiểu ít hơn hẳn, thường thấp hơn nửa lít một ngày.

Một số triệu chứng khác có tác động đến toàn thân người bệnh, bao gồm:

  • Thường xuyên có cảm giác mệt mỏi
  • Ăn uống kém dẫn đến biến chứng suy dinh dưỡng
  • Da xanh xao, mất ngủ, khó thở...

Khi bệnh diễn tiến nặng hơn có thể dẫn đến suy thận, nhiễm trùng, máu đông ở tĩnh mạch và hạ canxi rất nguy hiểm.

than-hu-nhiem-mo-2
Thận hư và suy thận có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

3. Điều trị thận hư và suy thận

Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng phù toàn thân, song song đó là tiểu đạm với khối lượng hơn 3,5g trong vòng 24 giờ, kèm theo đó là giảm đạm trong máu thì sẽ được chẩn đoán hội chứng thận hư. Tuy nhiên, nếu muốn biết thể bệnh thuộc loại nào thì cần phải tiến hành sinh thiết cầu thận rất phức tạp.

Phương pháp chữa trị bệnh cũng không mấy dễ dàng vì cần chọn phác đồ phù hợp với từng dạng tổn thương khác nhau. Y học hiện đại cho rằng điều trị trình trạng thận hư thận yếu bao gồm 2 phần:

  • Thứ nhất là tập trung vào các triệu chứng hoặc biến chứng
  • Thứ hai theo dõi cơ chế bệnh sinh để có hướng xử lý đúng đắn

Trong đó, điều trị tình trạng phù thường được ưu tiên thực hiện trước. Thuốc lợi tiểu là lựa chọn nhằm hỗ trợ giảm phù ở bệnh nhân một cách đơn giản nhất. Tuy nhiên cần lưu ý là tổn thương bên trong cầu thận mới thật sự đáng quan tâm và lo ngại. Nếu không khống chế được nguyên nhân sâu xa này thì bệnh rất dễ tái phát. Có trường hợp tổn thương thận phát triển âm thầm, rồi dần dần gây ra suy thận không thể lường trước được. Đây là một căn bệnh đa dạng, tùy vào thể tổn thương cầu thận là nguyên phát hay thứ phát mà áp dụng đúng loại thuốc thích hợp, ví dụ như thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc corticoid.

Y học cổ truyền cũng có phương pháp điều trị tình trạng thận hư thận yếu. Song đối với hội chứng thận hư nhiễm mỡ thì nên lựa chọn theo dõi bằng Tây y. Bệnh nhân nhất thiết phải tuân thủ theo phác đồ điều trị và chỉ dùng các thuốc do bác sĩ chuyên khoa thận học chỉ định để kịp thời xử lý tác dụng phụ nếu có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan