Vì sao cần chú ý bổ sung vitamin A cho trẻ em bị sởi?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BS. Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Trẻ mắc sởi bị thiếu hụt vitamin A có thể gây ra các vấn đề về giác mạc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y Tế Việt Nam đã khuyến cáo sử dụng vitamin A liều cao trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em nhằm giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và tránh xảy ra biến chứng sau khi mắc bệnh.

1. Bệnh sởi ở trẻ em

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong (tỷ lệ tử vong 0,02% ở các nước tiên tiến. 0,3 – 0,7% ở các nước đang phát triển) nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.....

2. Vai trò của vitamin A đối với trẻ em mắc bệnh sởi

Vitamin A có vai trò bảo tồn tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, ngoài ra còn đóng vai trò trong tăng trưởng và tăng cường miễn dịch, rất cần thiết đối với các bệnh nhi bị sởi. Theo khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vitamin A được sử dụng trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em, đặc biệt là tại các địa phương đang có tình trạng thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A thường xảy ra ở trẻ em được nuôi dưỡng không đầy đủ. Những bệnh nhân này thường có dự trữ vitamin A ở gan rất thấp khi bị nhiễm sởi, mặc dù nguyên nhân chính xác còn chưa rõ ràng. Nguyên nhân có thể là do giảm nồng độ protein (prealbumin và protein gắn retinol) cần thiết để huy động vitamin A từ gan. Sự sụt giảm này được quan sát thấy ở trẻ em mắc bệnh sởi và các bệnh cấp tính khác. Kết quả dẫn đến nồng độ netinol huyết thanh thấp và giảm tái tạo bề mặt biểu mô. Nồng độ vitamin A huyết thanh thấp có mối tương quan với nồng độ kháng thể đặc hiệu kháng sởi thấp hơn và tăng tỷ lệ mắc bệnh. Một cuộc điều tra tương tự tại Nam Phi cho thấy có mối liên quan giữa vitamin A và các yếu tố miễn dịch làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở bệnh nhân sởi.

Bên cạnh đó, ở các nước đang phát triển, điều trị vitamin A cho trẻ em mắc bệnh sởi làm giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm khuẩn khác (tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn hô hấp) và hạn chế xảy ra biến chứng dẫn đến tử vong.

Vì vậy, theo khuyến cáo điều trị bệnh sởi trong quyết định 1327/QĐ-BYT về “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi” do Bộ Y tế ban hành vào ngày 18/4/2014, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh sởi, trẻ cần được uống ngay vitamin A với liều lượng thích hợp.

Vitamin A cho mắt bé
Vitamin A giúp bảo vệ đôi mắt của trẻ, tránh bị viêm loét giác mạc do bệnh sởi

3. Liều dùng vitamin A trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em

Bệnh sởi ở trẻ em làm tăng nhu cầu vitamin A của cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin A. Cho dù trước đó trẻ được nuôi dưỡng tốt và bồi dưỡng vitamin A đầy đủ thì vẫn có nguy cơ xảy ra biến chứng liên quan đến thiếu hụt vitamin A, như viêm loét giác mạc, thậm chí có thể khiến trẻ bị mù lòa. Theo phác đồ do Bộ Y Tế ban hành về điều trị bệnh sởi, liều dùng vitamin A áp dụng đối với bệnh sởi như sau:

Liều dùng vitamin A áp dụng đối với bệnh sởi
Liều dùng vitamin A áp dụng đối với bệnh sởi

Đối với trường hợp bệnh nhi bị sởi kèm theo các vấn đề về nhãn khoa mà nguyên nhân là do thiếu vitamin A, bao gồm quáng gà, xuất hiện vệt Bitot (vệt màu trắng đục nằm trên giác mạc mắt) hoặc khô mắt, thì liều dùng cần lặp lại một lần nữa sau 4-6 tuần điều trị.

4. Lưu ý trong việc bổ sung vitamin A cho bệnh nhi bị sởi

Bệnh sởi gây ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng của trẻ em. Trẻ bị sởi thường cảm thấy chán ăn, bỏ bữa do miệng bị viêm loét, nhiễm trùng, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ bị nôn ói, tiêu chảy nhiều, làm mất nước và chất điện giải, tăng đào thải và giảm hấp thu nhiều dưỡng chất cần thiết, trong đó có vitamin A. Do đó, bố mẹ cần hết sức lưu ý trong việc bổ sung vitamin A điều trị bệnh sởi ở trẻ:

  • Sử dụng nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin A, kết hợp trong các bữa ăn: gan động vật, chất béo từ thịt, lòng đỏ trứng là các thực phẩm có nguồn gốc động vật có chứa một lượng vitamin A đáng kể. Bên cạnh đó, nên phối hợp cùng các nguồn thực vật giàu beta-carotene (tiền chất vitamin A), như các loại củ quả có màu vàng/đỏ và các loại rau có màu xanh đậm, như rau ngót, rau dền, rau cải xanh, rau mồng tơi, rau muống, rau đay, dầu cọ, dầu nành và các loại dầu thực vật khác.
  • Vitamin A tan trong chất béo. Vì vậy chế độ ăn cần sử dụng đủ lượng dầu, chất béo để giúp vitamin được hòa tan và chuyển hóa từ dạng tiền vitamin A sang dạng vitamin A mà cơ thể hấp thu được.
  • Để hỗ trợ chữa trị tốt đối với bệnh sởi ở trẻ em, nên bổ sung đa dạng vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin A, E, C, kẽm, selen..., trong đó quan trọng nhất là vitamin A, C và kẽm, giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.
  • Sau khi hết bệnh sởi, cơ thể trẻ thường yếu, cần được ăn nhiều hơn. Nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng ít nhất là trong 2 tuần, để trẻ nhanh chóng hồi phục, lấy lại sức khỏe bình thường.
Vitamin A
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A cho trẻ bị sởi

5. Phòng tránh bệnh sởi ở trẻ em

Để dự phòng bệnh sởi ở trẻ em, bố mẹ cần cho trẻ tiêm vắc-xin phòng sởi đầy đủ, đúng lịch (vắc-xin phòng sởi đơn liều có thể bắt tiêm từ 9 tháng tuổi, vùng có dịch có thể tiêm sớm hơn từ 6 tháng tuổi). Đồng thời, cho trẻ uống bổ sung vitamin A liều cao mỗi 6 tháng một lần đối với trẻ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, gia đình nên chủ động giữ nhà cửa thông thoáng, chú ý cho bé vệ sinh cá nhân sạch sẽ (nhất là vệ sinh tai, mũi, họng), giữ ấm cho cơ thể của bé, dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng. Đối với các trẻ còn trong giai đoạn bú mẹ, cần tiếp tục cho con bú. Nếu được, mẹ nên cho con bú nhiều lần hơn kết hợp với bổ sung dinh dưỡng hợp lý theo ý kiến của bác sĩ. Đối với trẻ em, việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu là biện pháp tốt tạo điều kiện cho sự tăng trưởng, phát triển tối ưu và phòng tránh bệnh sởi trẻ em.

Để giảm thiểu những nguy cơ bệnh sởi diễn biến nặng hơn, cha mẹ hãy cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ có biểu hiện nghi ngờ nhiễm sởi (sốt, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, phát ban đỏ trên da tuần tự từ đầu xuống chân...).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan