Tỷ lệ sống cho ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy là một căn bệnh ung thư hiếm gặp, tuy nhiên nó có thể gây ra nguy cơ tử vong cao, hơn nữa, tiên lượng sống cho những bệnh nhân mắc phải thường rất thấp ngay cả khi đã được điều trị sớm. Không có một con số cụ thể nào cho biết bạn sẽ sống được bao lâu, tất cả chỉ là ước tính và dựa trên tình trạng bệnh của mỗi người.

1. Ung thư tuyến tụy là gì?

Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư ác tính thường bắt đầu khi các tế bào ngoại tiết trong tuyến tụy phát triển ngoài tầm kiểm soát. Đây là một cơ quan nội tiết có vai trò vô cùng quan trọng, nhận nhiệm vụ sản xuất ra các enzyme giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn có chứa protein, carbohydrate và chất béo.

Mặc dù căn bệnh ung thư này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các căn bệnh ung thư ác tính khác nhưng mức độ nghiêm trọng của nó gây ra cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh thường rất lớn. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các khối u sẽ phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy là ung thư ác tính gây tử vong cao.

2. Các loại ung thư tuyến tụy

Ung thư ngoại tiết là loại ung thư tuyến tụy thường gặp phải nhất. Đa số các bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy đều thuộc loại ung thư tuyến tụy ngoại tiết. Dưới đây là các loại ung thư tuyến tụy phổ biến nhất, bao gồm:

  • Ung thư tuyến tụy: đây là loại ung thư thường bắt đầu trong các ống dẫn của tuyến tụy. Trong một số trường hợp hiếm gặp, ung thư sẽ phát triển từ các tế bào có chức năng tạo ra enzym tuyến tụy, được gọi là ung thư biểu mô tế bào acinar.
  • Một số loại ung thư ngoại tiết ít gặp: ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vòng, ung thư biểu mô tế bào lớn (không phân biệt), ung thư biểu mô không phân biệt .
  • Ung thư biểu mô bóng Vater (carcinoma of ampulla of Vater): loại ung thư này thường bắt đầu trong bóng Vater, là nơi ống tụy và ống mật kết hợp với nhau và thoát khỏi bóng Vater vào tá tràng. Về mặt kỹ thuật, đây không phải là ung thư tuyến tụy, tuy nhiên chúng được đề cập đến ở đây vì các phương pháp để điều trị cho những loại ung thư này là giống nhau. Ung thư biểu mô bóng Vater thường chặn các ống mật, khiến mật tích tụ lại trong cơ thể, từ đó dẫn đến tình trạng vàng da, vàng mắt. Do triệu chứng này của bệnh xuất hiện khá sớm, cho nên ung thư sẽ được phát hiện sớm hơn hầu hết các bệnh ung thư tuyến tụy khác và bệnh nhân có tiên lượng sống tốt hơn.

3. Nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây nên ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến căn bệnh này, bao gồm:

3.1 Tuổi tác

Nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy càng tăng cao khi tuổi tác của bạn ngày một già đi. Đa số các bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy đều thuộc độ tuổi từ 45 trở lên, trong đó có 2/3 các trường hợp 60 tuổi. Như vậy, độ tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán ung thư là 70 tuổi.

3.2 Giới tính

Nam giới là đối tượng có nhiều khả năng mắc ung thư tuyến tụy hơn so với nữ giới. Nguyên nhân một phần xuất phát từ thói quen hút thuốc lá của cánh mày râu.

Đàn ông
Nam giới là đối tượng dễ mắc bệnh hơn

3.3 Chủng tộc

Người Mỹ gốc Phi thường có nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tụy cao hơn so với người da trắng.

3.4 Tiền sử gia đình

Ung thư tuyến tụy thường mang yếu tố di truyền trong gia đình. Bạn sẽ có khả năng cao bị mắc bệnh nếu trong gia đình cũng có thành viên đã có tiền sử mắc ung thư tuyến tụy.

3.5 Hội chứng di truyền

Đột biến gen di truyền có thể truyền từ cha mẹ sang con cái. Theo các nghiên cứu cho thấy, những thay đổi về gen này chiếm 10% nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy. Đôi khi, hội chứng di truyền cũng có thể dẫn đến các bệnh ung thư hoặc một số vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:

  • Hội chứng ung thư buồng trứng: bắt nguồn từ sự đột biến ở các gen BRCA1 hoặc BRCA2.
  • Ung thư vú di truyền: gây ra bởi đột biến gen PALB2.
  • Hội chứng đa nốt ruồi không điển hình và hắc tố (FAMMM): được gây ra bởi đột biến gen p16 / CDKN2A, thường liên quan đến u hắc tố da và mắt.
  • Hội chứng Lynch: hay còn được gọi là ung thư đại tràng do di truyền không phải đa polyp (HNPCC). Tình trạng này xảy ra do một khiếm khuyết có trong gen MLH1 hoặc MSH2.
  • Viêm tụy di truyền: thường là do đột biến gen PRSS1.
  • Hội chứng Peutz-Jeghers: bắt nguồn từ các khiếm khuyết trong gen STK11. Ngoài ra, hội chứng này cũng liên quan đến polyp trong đường tiêu hóa và một số căn bệnh ung thư khác.

3.6 Hút thuốc lá

Thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư tuyến tụy. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư này ở người có thói quen hút thuốc sẽ cao gấp đôi so với những người chưa từng hút thuốc lá. Theo thống kê, có khoảng 25% các trường hợp ung thư tuyến tụy đều được kết luận là do hút thuốc lá. Ngoài ra, hút xì gà, hoặc các sản phẩm thuốc lá không khói cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khả năng mắc ung thư tuyến tụy sẽ giảm đáng kể nếu bạn ngừng hút thuốc lá.

Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy

3.7 Viêm tụy mãn tính

Những người có tình trạng viêm tụy lâu dài sẽ có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy. Viêm tụy mãn tính thường gặp nhất ở những người sử dụng rượu nặng và thường xuyên hút thuốc lá.

4. Triệu chứng của ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy ở giai đoạn đầu thường không gây ra bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện cũng là lúc ung thư đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra ngoài tuyến tụy. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh ung thư tuyến tụy, bao gồm:

  • Vàng da, vàng mắt: hầu hết những bệnh nhân ung thư tuyến tụy đều sẽ bị vàng da. Đây là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Tình trạng vàng da là do sự tích tụ một lượng lớn bilirubin- một chất có màu nâu vàng sẫm được tạo ra từ gan. Bình thường, gan sẽ tiết ra mật có chứa bilirubin. Mật sẽ đi qua ống mật để vào ruột, nơi có nhiệm vụ phân hủy các chất béo. Sau đó, chúng sẽ rời khỏi cơ thể theo đường phân. Tuy nhiên, khi ống mật bị tắc nghẽn sẽ cản trở mật đi đến ruột, từ đó gây tích tụ bilirubin trong cơ thể, và dẫn đến vàng da.
  • Nước tiểu sẫm màu: đây là hệ lụy kéo theo do nồng độ bilirubin trong máu tăng cao, khiến cho nước tiểu có màu nâu.
  • Phân màu nhạt hoặc có dầu mỡ: bilirubin là một chất giúp phân có màu nâu. Khi ống mật bị tắc, phân có thể chuyển sang màu xám hoặc sáng. Bên cạnh đó, nếu các enzym ở mật và tuyến tụy không đi vào ruột để thực hiện nhiệm vụ phân hủy chất béo của mình, phân sẽ trở nên nhờn, hoặc có lẫn dầu mỡ.
  • Đau bụng và đau lưng: đây là những triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến tụy. Ung thư thưởng bắt đầu ở phần đuôi của tuyến tụy, sau đó phát triển lớn hơn và chèn ép các cơ quan khác xung quanh, gây ra đau đớn cho người bệnh. Khi ung thư lan đến các dây thần kinh gần ngay cạnh tuyến tụy, sẽ gây ra cảm giác đau lưng.
  • Một số triệu chứng khác: bao gồm chán ăn, giảm cân, buồn nôn, ói mửa, túi mật hoặc gan to, xuất hiện các cục máu đông, hoặc bệnh tiểu đường.
nước tiểu màu cam đậm
Nước tiểu sẫm màu là triệu chứng phổ biến của bệnh

>>Xem thêm: Xét nghiệm sinh học phân tử trong chẩn đoán ung thư tuỵ– Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

5. Tỷ lệ sống cho ung thư tuyến tụy

Tỷ lệ sống cho ung thư tuyến tụy là bao nhiêu? Đây là một câu hỏi mà hầu hết những người mắc căn bệnh này đều băn khoăn và lo lắng. Thực tế, ngay cả khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị bởi nhiều phương pháp khác nhau, thì tiên lượng sống của bệnh nhân vẫn không có cơ hội kéo dài nhiều.

Tỷ lệ sống sót tương đối thường được so sánh giữa những người có cùng loại và giai đoạn ung thư tuyến tụy với nhau. Chẳng hạn như, nếu tỷ lệ sống tương đối 5 năm cho một giai đoạn xác định của ung thư tuyến tụy là 50%, điều này có nghĩa là những bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư này sẽ có trung bình khoảng 50% tỷ lệ sống sót ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã dựa vào thông tin từ cơ sở dữ liệu SEER, được cung cấp bởi Viện Ung thư Quốc gia (NCI) để lấy số liệu thống kê tỷ lệ sống sót cho các loại ung thư khác nhau. Theo SEER, tỷ lệ sống tương đối 5 năm đối với những bệnh nhân ung thư tuyến tụy sẽ dựa trên mức độ lan rộng của ung thư. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu SEER không phân chia các nhóm ung thư thành các giai đoạn AJCC TNM (ví dụ giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3,..). Thay vào đó, nhóm ung thư sẽ được phân thành các giai đoạn, bao gồm cục bộ, tiến triển cục bộ và di căn.

  • Giai đoạn cục bộ: không có dấu hiệu nào bất thường cho thấy ung thư đã lan ra ngoài tuyến tụy. Bệnh nhân sẽ có khoảng 12- 14% cơ hội sống trong 5 năm.
  • Giai đoạn tiến triển cục bộ: lúc này, ung thư đã lan từ tuyến tụy đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết ở khu vực gần đó. Bệnh nhân sẽ có khoảng 5-7 % cơ hội sống.
  • Giai đoạn di căn: ung thư đã lan rộng đến các bộ phận xa của cơ thể, như gan, phổi hoặc xương. Cơ hội sống của bệnh nhân chỉ còn 1-3 % (rất thấp).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan