U nang buồng trứng khi mang thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Chí Quang, Khoa Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ Quang đã có nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn sâu sắc và thế mạnh trong điều trị các bệnh lý sản phụ khoa.

U nang buồng trứng trong thai kỳ thường được chẩn đoán tình cờ qua siêu âm thai. Thai phụ có thể bị bất kỳ loại nang nào nhưng hay gặp nhất là nang hoàng thể, ít gặp các loại nang ác tính gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

1. U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là khối u thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ 3,6 % các bệnh phụ khoa. Bệnh phát triển âm thầm, có thời gian im lặng kéo dài nhưng khi chuyển sang ác tính thì tiến triển rất nhanh. Giai đoạn dễ bị mắc bệnh nhất là ở trong độ tuổi sinh đẻ. Nếu không được phát hiện sớm, u nang có thể biến chứng thành ung thư buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng có con, thậm chí có thể gây nguy hại đến tính mạng của phụ nữ. U nang buồng trứng có thể phát triển và tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau với nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó xoắn u nang buồng trứng là dạng biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ lứa tuổi 30 trở lên.

U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là bệnh phụ khoa phổ biến

2. Nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng

Có 5 nguyên nhân phổ biến dẫn đến u nang buồng trứng đã được công nhận, bao gồm:

  • Các nang trứng phát triển không đầy đủ, không rụng và không hấp thu được các chất lỏng trong buồng trứng.
  • Mạch máu của các vùng lạc nội mạc tử cung trong buồng trứng vỡ gây chảy máu tạo thành nang.
  • Lượng hormon Chorionic Gonadotropin dư thừa dẫn tới hình thành u nang lutein.
  • Sự tăng tiết quá mức của luteinizing hormone (LH).
  • Thể vàng phát triển dẫn tới dẫn tới xuất hiện u hoàng thể.

3. Xử trí cho thai phụ bị u nang buồng trứng

Đối với u nang buồng trứng khi mang thai, chỉ định phẫu thuật sẽ được cân nhắc hơn. Nếu không tiên lượng chính xác về thời gian và tình trạng sức khỏe thì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Các biến chứng như sảy thai, bị sinh sớm, không thể nuôi được có thể xảy ra.

Thai phụ được chẩn đoán bị u nang buồng trứng qua khám thai định kỳ hoặc qua siêu âm thai. Loại nang nào cũng có thể bị nhưng hay gặp là nang hoàng thể (u nang bì), ít khi gặp nang ác tính. Nếu tiên lượng nguy cơ xảy ra xoắn nang cao thì mổ càng sớm càng tốt.

Nếu mổ sớm trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén thì dễ gây sảy thai. Do đó, nên mổ đối với thai nhi sau 16 tuần tuổi vì lúc này rau thai đã tiết đủ progesterone để nuôi dưỡng thai.

Không cần thiết phải mổ nếu là nang hoàng thể vì thời điểm này là thời điểm nang đã giảm kích thước hoặc không phát triển nữa. Tuy nhiên, thai phụ phải thực hiện một số xét nghiệm bắt buộc, phải siêu âm đánh giá khối u buồng trứng kỹ càng và phải theo dõi thật sát tiến triển của khối u buồng trứng.

Nếu u phát triển sau 16 tuần thì nên mổ ngay, trừ khi phát hiện muộn trong thời kỳ cuối thai nghén. Nếu không mổ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.

4. Biến chứng của u nang buồng trứng khi mang thai

Chèn ép thai nhi

U nang buồng trứng khi mang thai gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nó gắn liền với sự phát triển của kích thước và chịu ảnh hưởng trực tiếp của khối u nang, bào thai sẽ chịu nhiều sự chèn ép của khối u. Sự chèn ép này sẽ cản trở đáng kể sự phát triển bình thường của thai nhi, khiến bé không có nhiều không gian để phát triển. Biểu hiện rõ hơn trong những tháng cuối cùng của thai kỳ. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho bà bầu có thai nghén nặng hơn và luôn trong trạng thái khó chịu, nặng nề, chướng bụng.

Nguy cơ sảy thai sớm

U nang khi phát triển có thể bị vỡ và xoắn. Hai biến chứng này chính là nguy cơ cao dẫn đến sảy thai sớm khi thai còn ở những tuần tuổi đầu tiên. Không ít các trường hợp buộc phải đình chỉ thai nghén để bảo vệ sức khỏe cho thai phụ bởi ngay khi phát hiện có thai thì cũng là lúc khối u nang bị biến chứng nặng và phải phẫu thuật.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có biến chứng xảy ra. U nang buồng trứng vẫn có thể mang thai và có thể an toàn suốt 9 tháng 10 ngày để sinh nở mẹ tròn con vuông mà không xảy ra vấn đề gì.

Bạn phải theo dõi chặt chẽ thai kỳ và có những quyết định chính xác, đôi khi phải chấp nhận những tình huống không mong muốn.

Bà bầu
U nang khi phát triển có thể bị vỡ và xoắn dẫn đến sảy thai sớm

5. Phòng ngừa u buồng trứng khi mang thai

Cách là trước khi dự định mang thai và sinh nở, phụ nữ nên đi khám phụ khoa, siêu âm, đặc biệt là tử cung và hai buồng trứng. Sau đó, nên đi khám thai trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ để phát hiện u bướu của tử cung hoặc buồng trứng. Vì sau 3 tháng đầu, tử cung sẽ lớn lên theo sự phát triển của thai nhi, u buồng trứng sẽ khó sờ thấy khi khám và khó quan sát bằng máy siêu âm, khả năng bỏ sót sẽ cao hơn. Trong khi đó, biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sống còn của cả mẹ và con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan