Trầm cảm là bệnh gì và vì sao dễ dẫn tới tự sát?

Trầm cảm là bệnh rối loạn trầm trọng về mặt tâm lý và xã hội. Nếu không nhận biết và điều trị sớm, trầm cảm có thể tước đi sinh mạng của bệnh nhân ngay trong thời điểm tươi đẹp nhất của cuộc đời.

1. Trầm cảm là bệnh gì?

Trầm cảm là bệnh lý rối loạn thần kinh có nguy cơ đe dọa tính mạng và ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên thế giới. Bệnh nhân thường không thể tự nhận ra những dấu hiệu trầm cảm của bản thân và mọi người xung quanh cũng khó nhận biết được các dấu hiệu này.

Ở Việt Nam, có đến 30% dân số mắc các rối loạn về tâm thần, trong đó đặc biệt là trầm cảm. Người bệnh cảm thấy buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú với cuộc sống, ăn không ngon, mất ngủ, làm việc không hiệu quả, mặc cảm thua kém, liên tục rầu rĩ và nghĩ đến cái chết. Trầm cảm thường kèm theo lo lắng, nặng đầu, đau mỏi vai gáy, đau ngực, hồi hộp, tay chân lạnh.

Trầm cảm có thể gặp ở mọi độ tuổi, nữ nhiều hơn nam gấp 2 lần. Bệnh gây tổn hại nghiêm trọng cho gia đình và xã hội vì đem đến nỗi đau khổ, phá hoại cuộc sống bình thường và nếu không điều trị thì có nguy cơ trầm cảm dẫn đến tự sát. Ví dụ: trường hợp mới đây một nữ thần tượng Hàn Quốc đã tự tử sau thời gian dài bị trầm cảm, người mẹ tước đi sinh mạng của chính con mình mới sinh (trầm cảm sau sinh),...

2. Hoàn cảnh nào dễ dẫn đến trầm cảm?

Trầm cảm thường xảy ra trong những hoàn cảnh (và những trường hợp tương tự) sau đây:

  • Sang chấn về tinh thần: Mất người thân, mất tài sản, áp lực trong công việc, gánh nặng gia đình, đối mặt với khó khăn quá lớn, đánh mất sự nghiệp, gặp bất hòa kéo dài,...;
  • Học sinh, sinh viên học quá nặng, nhiều bài vở, hụt hẫng, quá tải vì áp lực của phụ huynh và nhà trường;
  • Người lớn tuổi không được quan tâm chăm sóc, phiền muộn nhiều, chậm chạp, ít nói, quên lẫn (dễ lầm với dấu hiệu tuổi già);
  • Người đã qua một thời gian hưng cảm quá mức: Tự tin thái quá, không cần ngủ, ăn nói nhanh, bốc đồng (bệnh nhân rối loạn khí sắc lưỡng cực);
  • Người bệnh tâm thần phân liệt, từng có thời kỳ bị trầm cảm;
  • Phụ nữ vài tuần sau khi sinh con (trầm cảm sau sinh), tỷ lệ không nhiều nhưng khá trầm trọng, phải phát hiện và điều trị sớm.
Trầm cảm là bệnh gì
Hoàn cảnh nào dễ dẫn đến trầm cảm?

3. Nguy cơ trầm cảm dẫn đến tự sát

Trầm cảm biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau. Tự tử là mức độ cuối cùng, sau những rối loạn nghiêm trọng và kéo dài về tâm lý. Tỷ lệ trầm cảm dẫn đến tự sát khá cao ở lứa tuổi từ 15 đến 24. Nguy cơ trầm cảm dẫn đến tử vong liên quan đến những tác nhân mà người bệnh thường xuyên phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày.

Trầm cảm gây nguy hiểm bởi chính những lúc bệnh nhân suy nghĩ về sự kết thúc, nảy ra ý tưởng tự sát và bắt đầu có hành vi tìm đến cái chết. Người bệnh dường như không còn kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của bản thân. Họ cho rằng tự tử là cách duy nhất giúp giải thoát bản thân khỏi những nỗi ám ảnh, đau khổ dằn vặt trong thời gian dài. Trên thực tế, những ý nghĩ tự tử hay hành vi liên quan đến tự tử, làm hại người khác chính là một trong những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng.

Trầm cảm nói chung không phải là một rối loạn có tính đồng nhất mà là một hiện tượng phức tạp, thể hiện dưới nhiều dạng lâm sàng và có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Để hạn chế và đề phòng trầm cảm dẫn đến tự sát, cần nhận biết các dấu hiệu trầm cảm, đánh giá nghiêm túc ngay từ khi phát hiện bệnh nhân có ý nghĩ muốn tìm đến cái chết.

4. Dấu hiệu trầm cảm dẫn đến tự sát

Trầm cảm là bệnh gì
Không phải bất cứ ai trầm cảm cũng có nguy cơ dẫn đến tự kết liễu cuộc đời mình

4.1. Yếu tố nguy cơ trầm cảm dẫn đến tự sát

Không phải bất cứ ai trầm cảm cũng có nguy cơ dẫn đến tự kết liễu cuộc đời mình. Trong những tình huống nhất định, các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự sát có thể xuất hiện, bao gồm:

  • Đột nhiên suy nghĩ đến cái chết;
  • Người phạm tội bị tống giam;
  • Tiền sử gia đình đã có người tự sát;
  • Cảm giác tuyệt vọng vì các biến cố lên đến đỉnh điểm;
  • Đã từng cố gắng tự sát trong quá khứ;
  • Trong gia đình có người mắc bệnh tâm thần;
  • Đã từng hoặc đang sử dụng các chất gây nghiện (như rượu, bia, thuốc lá, thuốc phiện...);
  • Tại nơi cư ngụ có các loại vũ khí, dụng cụ gây sát thương hoặc đồ vật hỗ trợ cho việc tự sát (súng, dao, dây thừng...).

Trường hợp được xem là khẩn cấp nhất của bệnh nhân trầm cảm chính là khi có những ý nghĩ về tự sát.

4.2. Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự sát

Theo thông tin từ tổ chức National Suicide Prevention Lifeline (Tổ chức Ngăn ngừa Tự sát Quốc gia) tại Hoa Kỳ, các dấu hiệu cảnh báo trầm cảm dẫn đến tự sát bao gồm:

  • Biểu lộ tâm trạng thay đổi thất thường;
  • Ngủ quá ít hoặc quá nhiều;
  • Nói về ý định muốn chết hoặc muốn tự sát;
  • Nói về việc bản thân trở thành gánh nặng cho người khác;
  • Có biểu hiện lo lắng thái quá hoặc kích động, cư xử liều lĩnh;
  • Tự tách biệt khỏi cộng đồng hoặc tự cô lập;
  • Có khuynh hướng tìm đến rượu bia và ma túy;
  • Thể hiện cơn thịnh nộ hoặc nói về việc tìm cách trả thù cho điều gì đó;
  • Nói về cảm giác vô vọng hoặc không còn lý do gì để tiếp tục sống;
  • Nói về hoàn cảnh bế tắc hoặc đau đớn không thể chịu đựng được;
  • Bắt đầu tìm cách tự sát, chẳng hạn như tìm kiếm những từ khóa liên quan đến tự sát hoặc chuẩn bị vũ khí, phương tiện để thực hiện hành vi này.

5. Cách ngăn ngừa tự sát do trầm cảm

Trầm cảm là bệnh gì
Bệnh nhân trầm cảm nên tiến hành điều trị từ sớm với bác sĩ tâm lý để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp

5.1. Dành thời gian trò chuyện với bệnh nhân

Nếu là người thân của bệnh nhân trầm cảm, bạn cần thu xếp nhiều thời gian để ở bên cạnh lắng nghe họ chia sẻ nỗi đau tâm lý. Lúc này người bệnh đang phải đối mặt với ý nghĩ muốn tự tử nên tâm trạng sẽ luôn u ám, muốn tách biệt và tìm cách thu người lại.

Hãy thử gợi ý cho họ để cùng làm những điều họ thích, những điều tích cực, như học cách viết nhật ký hoặc cùng đi du lịch đến một nơi bình yên để thư giãn. Đặc biệt, gia đình nên quan sát, để ý xem họ có cất giấu các dụng cụ gây sát thương trong phòng riêng hay không. Nếu thấy trên cơ thể bệnh nhân (tay, chân, ngực...) có vết trầy xước hoặc bị tổn thương thì nên theo dõi liên tục, không được để họ rời khỏi tầm mắt.

5.2. Giải quyết những vấn đề gây căng thẳng

Nếu bạn là người có thể hiểu được những vấn đề gây căng thẳng của bệnh nhân (tiền bạc, công việc hay các mối quan hệ...), hãy giúp họ tìm cách giải quyết các vấn đề này. Rất nhiều người xuất hiện dấu hiệu trầm cảm khi có tâm trạng chán nản, mệt mỏi nghiêm trọng hay vừa trải qua một biến cố đau lòng như mất mát người thân, mất tài sản lớn, chia tay người yêu, ly hôn với chồng hay vợ...

Để buông bỏ muộn phiền và những suy nghĩ tiêu cực, có thể gợi ý bệnh nhân học lối sống tối giản, tiếp tục bước về phía trước. Trường hợp không thể giải quyết được vấn đề, ít nhất bạn nên tìm cách giúp bệnh nhân tránh xa những đối tượng, sự việc dễ gây căng thẳng.

5.3. Tìm kiếm hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý

Bệnh nhân trầm cảm nên tiến hành điều trị từ sớm với bác sĩ tâm lý để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Với những đối tượng có dấu hiệu trầm cảm khi điều trị một bệnh lý nào đó, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì các thuốc sử dụng có thể gây cản trở quá trình điều trị.

Những bệnh nhân bị trầm cảm nặng thường rất khó để nhận ra mình đang cần được giúp đỡ hay điều trị về tâm lý. Càng tự cô lập bản thân, triệu chứng bệnh càng kéo dài mà không chữa trị, rủi ro trầm cảm dẫn đến tự sát lại càng cao. Vì vậy, nên nhận biết sớm dấu hiệu trầm cảm, nhất là khi có những biểu hiện, suy nghĩ tiêu cực để có thể kịp thời tự cứu lấy mình và cứu người thân, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Bệnh nhân bị trầm cảm hoặc xuất hiện dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Tâm lý được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; ứng dụng các phương pháp trắc nghiệm tâm lý và liệu pháp tâm lý tiên tiến trên thế giới; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

194.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan