Tổng quan về bệnh viêm tắc động mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa và Cố vấn chuyên môn, Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm tắc động mạch diễn biến từ từ, khó chẩn đoán dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác vì vậy nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là nhiễm trùng toàn thân, phải cắt cụt chi bị hoại tử, thậm chí tử vong.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm tắc động mạch

Viêm tắc động mạch là tình trạng viêm co thắt các động mạch hoặc xơ vữa gây thiếu máu nuôi dưỡng gây rối loạn dinh dưỡng và hoại tử tổ chức mô của cơ thể Đặc điểm diễn biến bệnh: Bệnh diễn biến với đau chi tăng dần, đau theo đợt, đau tăng khi đi lại đỡ khi nghỉ ngơi sau đó mạch đập yếu dần rồi mất mạch hẳn. Thời gian giữa các đợt ngày càng ngắn lại và thời gian bệnh ngày càng kéo dài ra làm cho bệnh nhân đau đớn, toàn trạng suy sụp, hoại tử chi... cuối cùng phải chỉ định mổ cắt cụt chi. Ngoài ra bệnh nhân có thể tử vong do hoại tử chi lan rộng gây sốc nhiễm trùng nhiễm độc.

Vị trí thường tắc mạch là chi dưới, chi trên cũng có thể gặp và những vùng khác của cơ thể như tắc mạch vành, tắc mạch máu não,...

Bệnh viêm tắc động mạch thường gặp ở nam giới, người hút thuốc lá nhiều, béo phì,...

Hút thuốc lá
Lạm dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ gây viêm tắc động mạch

2. Nguyên nhân gây viêm tắc động mạch

Các nguyên nhân gây bệnh viêm tắc động mạch:

  • Biến chứng mạch máu nhỏ của đái tháo đường gây tổn thương các mạch máu và thần kinh dẫn đến viêm tắc mạch máu thường gây hoại tử, loét vùng tỳ đè.
  • Xơ vữa động mạch ở người cao tuổi nội mạc mạch máu bị dày lên gây hẹp các mạch máu. Khi vận động, nhu cầu về lưu lượng máu cung cấp không đủ gây viêm tắc động mạch.
  • Hút thuốc lá: Chất độc từ khói thuốc sẽ gây viêm và kích thích co thắt mạch máu ở đầu chi. Lúc đầu chỉ đau nhức đầu chi, nhưng dần dần sẽ tím tái các đầu ngón và đưa đến hoại tử loét không lành.

3. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh viêm tắc động mạch

3.1 Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng của bệnh viêm tắc động mạch bao gồm:

  • Dị cảm: Vùng tắc động mạch có cảm giác lạnh và dị cảm như: Tê bì, kiến bò, mỏi chi và giảm vận động của chi.
  • Dấu hiệu đau cách hồi: Dấu hiệu đau cách hồi biểu hiện khi bệnh nhân đi được một đoạn thì xuất hiện đau dữ dội và co rút cơ ở bắp chân, cần phải dừng lại để nghỉ cho đỡ đau sau đó mới có thể đi tiếp. Hiện tượng trên lặp đi lặp lại khi đi được 1 đoạn. Tình trạng đau cứ tiếp diễn và tăng dần quãng đường đi được giữa các lần nghỉ ngày càng ngắn lại trong khi thời gian phải nghỉ để đỡ đau ngày càng dài hơn.
Tê bì chân tay
Tắc động mạch gây tê bì tay chân

  • Thay đổi màu sắc da vùng chi bị tổn thương theo tư thế. Bình thường thấy da có màu tái nhợt, khi bệnh nhân để thõng chân xuống (để máu đến chi nhiều hơn) thì thấy da đỡ tái nhợt và hồng hào lên.
  • Mạch yếu hoặc mất hẳn: Mạch chày sau và mạch mu chân yếu hoặc mất.
  • Các triệu chứng khác: Rối loạn tiết mồ hôi, da chi thường khô, teo, lông thưa, rụng, cơ bị teo, nhẽo, loét hoại tử đầu chi.

3.2 Triệu chứng cận lâm sàng

  • Siêu âm động mạch và Doppler động mạch:
  • Siêu âm động mạch: Xác định tình trạng thành động mạch dày lên, nội mạc động mạch dày, xác định tình trạng các cục nghẽn mạch..
  • Doppler động mạch xác định được các biến đổi của dòng máu lưu thông trong động mạch bị viêm tắc như: Giảm tốc độ dòng máu, giảm lưu lượng máu, các cục nghẽn...
  • Chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ động mạch: Xác định được các biến đổi về hình thái của động mạch bị viêm tắc, xác định được vị trí viêm tắc, các thay đổi về hình thái của các tổ chức và cơ quan xung quanh.
  • Chụp động mạch cản quang: Giúp xác định được tình trạng và mức độ co thắt của các động mạch bị viêm tắc, các cục nghẽn trong động mạch, đánh giá lưu thông của dòng máu trong động mạch...
Hình ảnh chụp động mạch vành
Hình ảnh chụp động mạch cản quang

4. Điều trị bệnh viêm tắc động mạch

4.1 Điều trị nội khoa

  • Loại bỏ các yếu tố kích thích gây co thắt mạch máu như môi trường lạnh, ẩm, không hút thuốc, tránh các căng thẳng về tâm lý và sinh lý, chế độ ăn uống đầy đủ các chất và Vitamin...
  • Dùng các thuốc chống co thắt mạch máu
  • Dùng lý liệu pháp để giãn mạch như chiếu sóng ngắn, liệu pháp ion, xoa bóp...

4.2 Điều trị ngoại khoa

Các phương pháp tác động lên hệ thần kinh giao cảm:

  • Mổ cắt bỏ mạng lưới thần kinh giao cảm quanh động mạch. Việc mổ cắt bỏ mạng lưới này làm giảm co thắt mạch máu
  • Mổ cắt bỏ tuyến thượng thận sẽ làm giảm được các Adrenalin do tủy tuyến thượng thận tiết ra làm giảm được tình trạng co thắt động mạch.

Phẫu thuật phục hồi tuần hoàn vùng chi bị viêm tắc động mạch:

  • Mổ cắt lớp nội mạc, sau đó lấy bỏ các cục nghẽn động mạch:
  • Mổ ghép mạch máu: Dùng một đoạn mạch máu để ghép thay vào đoạn động mạch đã bị cắt bỏ.
  • Làm thông mạch máu bằng can thiệp nội mạch máu bằng các phương pháp sau:
  • Nong rộng đoạn động mạch bị hẹp do viêm tắc bằng cách đưa bóng nong vào lòng động mạch đến đoạn động mạch hẹp, bơm bóng cho căng ra để nong rộng lòng động mạch
  • Đặt Stent vào đoạn động mạch hẹp: Stent là một khung có độ cứng nhất định, được đặt trên một bóng nong động mạch. Phương pháp này giúp tránh được tình trạng động mạch bị xẹp lại sau khi nong.
Stent mạch vành
Đặt stent nong động mạch

Phẫu thuật cắt cụt chi bị viêm tắc động mạch:

Đây là biện pháp điều trị cuối cùng. Chỉ định khi tình trạng hoại tử chi tiến triển không thể điều trị bảo tồn, giúp giữ được tính mạng cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan