Bệnh tim có di truyền không

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Yếu tố di truyền và bệnh lý tim mạch có sự liên quan với nhau. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố khác sẽ giúp chúng ta giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh, kể cả khi người bệnh đã có yếu tố tiền sử gia đình.

1. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim

Yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là các yếu tố làm gia tăng khả năng bị mắc bệnh tim mạch. Khi một người mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ thì có nghĩa là có sự gia tăng khả năng mắc bệnh của người đó.

1.1 Yếu tố không thể thay đổi

  • Giới tính: Thường thì nam giới có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn nữ giới và bị bệnh tim khi còn trẻ. Nhưng đến tuổi mãn kinh thì tỉ lệ bệnh tim mạch lại tương đương nhau ở cả nam và nữ.
  • Tuổi cao: Ở người cao tuổi, do lão hoá tự nhiên và do tim làm việc đã lâu năm nên bị yếu đi, vách tim dày hơn, động mạch bị xơ vữa nên khả năng co bóp của tim giảm. Như vậy, tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng tăng. Theo thống kê có hơn 40% số người chết vì đột quỵ ở tuổi trên 65.
  • Di truyền: Người có tiền sử gia đình có người thân từng bị tim mạch hoặc đột quỵ trước tuổi 55 (nam) và 65 (nữ) sẽ có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn những người khác.

1.2 Yếu tố có thể thay đổi

Bao gồm các yếu tố hình thành qua quá trình trưởng thành và phát triển của chúng ta. Việc thay đổi và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ này giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch di truyền.

  • Môi trường sống áp lực căng thẳng kéo dài, dễ tăng huyết áp
  • Lượng cholesterol trong máu cao dễ dẫn đến các rối loạn mỡ máu
  • Lười hoạt động thể dục thể thao
  • Thừa cân, béo phì
  • Chế độ ăn uống không cân đối: ít chất xơ, nhiều chất béo và cholesterol
  • Mắc bệnh tiểu đường dễ dẫn đến biến chứng là bệnh tim mạch
  • Uống nhiều rượu bia, thuốc lá
Bệnh tim bẩm sinh
Lười hoạt động thể dục thể thao, thừa cân, béo phì là những yếu tố dẫn đến bệnh lý tim mạch

2. Yếu tố di truyền và bệnh lý tim mạch

Đầu tiên cần ý thức rằng hầu hết các bệnh lý tim mạch xảy ra chủ yếu là do lối sống không lành mạnh của chúng ta, với chỉ rất ít phần trăm là do các yếu tố di truyền.

Tuy nhiên đối với một số bệnh như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, bệnh mạch vành, hội chứng Brugada, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim... thì có thể có tính chất gia đình. Cụ thể, nếu trong gia đình có bố mẹ hay ông bà mắc những bệnh lý này thì con cái, anh em ruột sẽ có khả năng kế thừa gen bệnh và có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người khác.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch bằng cách tầm soát điện tim cho bản thân và người thân trong gia đình sớm và chủ động có những thay đổi tích cực đối với các yếu tố nguy cơ.

3. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tim mạch?

  • Giữ một lối sống khỏe mạnh và khoa học

Các chuyên gia khuyến cáo, với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim thì nên duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh, chế độ ăn cân bằng hợp lý.

Cụ thể:

  • Nên ăn ngũ cốc nguyên cám, các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin, chất xơ, khoáng chất vi lượng (chuối, cam, quýt, dưa đỏ), đậu nành, trà xanh, các loại nấm, cá...và luôn lưu ý kiểm soát chất béo, hàm lượng calo, cholesterol trong mỗi khẩu phần ăn.
  • Tránh ăn một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn như: Đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ chiên dầu mỡ, thức uống có ga, chứa chất kích thích. Và nếu có thể cắt giảm phần lớn lượng muối và đường tiêu thụ mỗi ngày.

Bên cạnh chế độ ăn uống thì việc tập thể dục đều đặn cũng rất cần thiết để phòng tránh các bệnh về tim mạch. Bạn có thể lựa chọn một môn thể thao thích hợp phù hợp với sở thích và khả năng của mình như đi bộ, yoga, bơi lội, bóng bàn, cầu lông...

Càng giữ lối sống khỏe mạnh và khoa học thì bạn càng giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch đáng kể, bất kể bạn có thừa kế di truyền mắc các bệnh tim mạch hay không.

  • Thư giãn và tránh căng thẳng quá mức

Với những người có di truyền bệnh tim mạch nên bình tĩnh, duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh. Từ đó cần biết phòng tránh các căn bệnh về tim mạch cũng như tiểu đường, béo phì, huyết áp cao. Khả năng bị bệnh tim mạch của thế hệ sau rơi vào khoảng 40-60% nên hi vọng một cuộc sống như người bình thường của những người có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch là hoàn toàn có thể. Bình tĩnh, lạc quan luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng bệnh và chữa bệnh, đặc biệt là tim mạch.

  • Khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm tầm soát tại Bệnh viện Vinmec

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý nguy hiểm, cần sớm chủ động điều trị và phòng ngừa. Vì vậy, khi cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường hoặc biết tiền sử gia đình có người mắc bệnh, bạn nên thăm khám càng sớm càng tốt để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, có nhiều bệnh viện chuyên khoa tim mạch được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Trong đó, đáng chú ý nhất là Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Đây là một trong những địa chỉ tầm soát và điều trị bệnh tim mạch uy tín cả nước. Với hệ thống phòng khám được xây dựng dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất đầu tư hiện đại. Khi thăm khám tại Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bạn hoàn toàn có thể yên tâm bởi đội ngũ chuyên gia gồm các Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2, Thạc sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị và chẩn đoán các bệnh lý tim mạch từ cơ bản đến phức tạp.

Bệnh tim bẩm sinh
Khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm tầm soát để phát hiện và phòng ngừa bệnh tim mạch

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội tim mạch học Việt Nam

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

25.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan