Tìm hiểu phương pháp lấy sỏi đường mật bằng phương pháp ERCP tại Vinmec

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Ngọc Thắng, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phương pháp ERCP được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và phẫu thuật lấy sỏi đường mật vì đây là một kỹ thuật an toàn, hiệu quả, ít xâm lấn và thường không gây đau cho bệnh nhân trong và sau khi mổ. Tai khoa ngoại tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Vinmec đã áp dụng thành công kỹ thuật này để chẩn đoán và điều trị bệnh lý sỏi đường mật.

1. Sỏi đường mật là gì?

Sỏi đường mật là sỏi nằm ở đường dẫn mật trong gan (vi quản tiểu mật, tiểu quản mật, ống gan phải, ống gan trái) và đường dẫn mật ngoài gan (ống dẫn mật chủ, cổ túi mật), khác với sỏi túi mật là sỏi hình thành và nằm trong túi mật.

Thành phần của sỏi đường mật bao gồm:

  • Sỏi cholesterol: Sỏi này không cản quang và thường chỉ có một viên, màu vàng sẫm, hình bầu dục hoặc tròn và chiếm 14,8% thành phần sỏi;
  • Sỏi sắc tố mật: Loại sỏi này nhỏ và cứng, có màu xanh, nâu hoặc óng ánh đen và kém cản quang;
  • Sỏi hỗn hợp: Thường có nhiều viên, cản quang được và chiếm 52% thành phần sỏi;
  • Sỏi carbonate calcium: Loại sỏi này có thể phối hợp hoặc không phối hợp với bilirubin calcique và có tính cản quang.

Dựa vào vị trí của sỏi, sỏi đường mật phân làm 3 loại:

  • Sỏi ống mật chủ (sỏi hiện diện trong ống mật chủ, bên dưới ngã ba ống gan);
  • Sỏi gan (sỏi hiện diện bên trên ngã ba ống gan);
  • Sỏi kết hợp (bên nhân có cae sỏi gan và sỏi ống mật chủ).

Triệu chứng của bệnh sỏi đường mật thường không rõ ràng, do đó bệnh nhân thường rất chủ quan về bệnh lý này. Tuy nhiên sỏi đường mật có nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người bệnh. Do vậy, Khi nghi ngờ mắc bệnh sỏi đường mật, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sỏi đường mật
Sỏi đường mật là sỏi nằm ở đường dẫn mật trong gan và đường dẫn mật ngoài gan

2. Phương pháp ERCP là gì?

ERCP là tên gọi của kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng. Nó là kỹ thuật nội soi tá tràng dưới màn tăng sáng X quang dùng để chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý đường mật và tụy tạng.

Kỹ thuật được tiến hành bằng cách đưa catheter vào đường mật hoặc đường tụy qua máy nội soi tá tràng, qua đó bơm thuốc cản quang vào đường mật hoặc đường tụy với mục đích chẩn đoán và điều trị bệnh lý của đường mật và đường tụy.

Hiện nay, phương pháp ERCP chủ yếu được áp dụng vào việc điều trị, ít được sử dụng với mục đích chẩn đoán vì còn nhiều phương pháp chẩn đoán như siêu âm bụng, MRI, CT Scanner,... có độ nhạy và độ an toàn cao hơn.

3. Lấy sỏi đường mật bằng phương pháp ERCP thực hiện như thế nào?

Quy trình thực hiện lấy sỏi đường mật bằng phương pháp ERCP:

  • Người bệnh sẽ được kiểm tra, đánh giá chức năng sống để đảm bảo an toàn trước khi làm thủ thuật, đã tuân thủ nhịn ăn trước đó;
  • Gây mê nội khí quản hoặc tiền mê, bệnh nhân nằm sấp nghiêng sang trái 3/4, đặt ngáng lưỡi và cố định ngáng vào miệng bệnh nhân;
  • Ở tư thế nằm nghiêng trên giường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nuốt đoạn đầu của ống nội soi, Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đẩy ống soi xuống thực quản, dạ dày rồi vào tá tràng;
  • Để tiến hành lấy sỏi, bác sĩ sẽ tiến hành làm rộng lỗ nhú để sỏi thoát xuống tá tràng, sau đó dùng “rọ” để lấy sỏi hoặc để cho sỏi đi ra ngoài cùng với phân.
  • Nếu hình ảnh X quang cho thấy hẹp hoặc tắc nghẽn ống mật, bác sĩ có thể tiến hành đặt stent đường mật để mở rộng lòng ống. Stent là một ống nhỏ làm bằng lưới kim loại hoặc nhựa, nó cho phép mật chảy xuống tá tràng theo đường tự nhiên;
  • Ống nội soi được rút khỏi đường tiêu hóa 1 cách nhẹ nhàng khi thủ thuật kết thúc.

4. Bệnh nhân cần làm gì trước khi thực hiện ERCP?

Xét nghiệm nhóm máu có cần nhịn ăn không?
Ít nhất 6 – 8 tiếng trước khi thực hiện thủ thuật ERCP, bệnh nhân nên hạn chế tối đa việc ăn, uống

Trước khi lấy sỏi đường mật bằng phương pháp ERCP, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Ít nhất 6 – 8 tiếng trước khi thực hiện thủ thuật ERCP, bệnh nhân nên tránh ăn, uống các loại thức ăn đặc và các loại đồ ăn có thể làm tăng tiết nước bọt như kẹo cao su, bạc hà, kẹo cứng hay thuốc lá,...;
  • Bệnh nhân không được uống nước hay bất cứ chất lỏng nào trong vòng 2 giờ trước khi tiến hành thủ thuật;
  • Nếu đang dùng các thuốc điều trị khác, bệnh nhân nên dừng uống thuốc 4 giờ trước thời điểm tiến hành thủ thuật. Trong một số trường hợp, một số loại thuốc hay vitamin có thể bị hạn chế hoàn toàn;
  • Không được tự ý dừng hay thay đổi liều thuốc khi không có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Bởi vì với một số bệnh nếu không dùng thuốc đúng theo chỉ định hoặc thay đổi thời gian sử dụng, liều dùng có thể gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe;
  • Các loại thuốc có thể bị hạn chế trong thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng ERCP như thuốc chống đông máu, thuốc hạ đường huyết, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp và các thuốc chống viêm không steroid.

5. Lưu ý sau khi lấy sỏi đường mật bằng phương pháp ERCP

Sau khi phẫu thuật bằng phương pháp ERCP, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng như viêm tụy, nhiễm trùng đường mật, túi mật,... Do đó để hạn chế các biến chứng này bệnh nhân cần phải tuân thủ các điều sau:

  • Trong ít nhất 8 giờ sau thủ thuật, tác dụng của thuốc an thần có thể khiến bệnh nhân buồn ngủ, do đó bệnh nhân không nên lái xe mà nên nhờ người thân giúp đỡ đưa về nhà;
  • Nên có ai đó ở cùng trong 24 giờ sau khi làm thủ thuật để có thể xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra;
  • Không nên ăn uống gì trong ít nhất 12h sau khi thực hiện thủ thuật ERCP để tránh kích thích tuyến tụy. Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ tiêu hóa, vì vậy, việc ăn ngay sau khi tiến hành thủ thuật ERCP có thể gây biến chứng viêm tụy;
  • Trong thời gian 1 tuần sau khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân nên ăn ít chất béo. Điều này sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa và các biến chứng liên quan đến tuyến tụy và các cơ quan tiêu hóa khác.

6. Tại sao nên lấy sỏi đường mật bằng phương pháp ERCP tại Vinmec?

Hiện nay, Khoa Ngoại tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng để điều trị các bệnh lý sỏi ống mật chủ, sỏi ống gan, u bóng Vater, u đầu tụy, đặt stent đường mật, sond mật mũi, trong đó có bệnh sỏi đường mật, với tỷ lệ thành công cao trên 98%.

Kỹ thuật Nội soi mật tụy ngược dòng tại Vinmec được thực hiện bởi các Bác sĩ nổi tiếng có chuyên môn cao, tay nghề giỏi, tận tâm và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Vinmec đã trang bị 1 hệ thống soi mềm hiện đại với Dao điện Endocut có ưu điểm không gây viêm tụy và các phản ứng tụy, giúp tăng tỷ lệ thành công và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra ở kỹ thuật này,

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan