Có cần điều trị vi khuẩn HP ở trẻ em?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Vi khuẩn HP (tên khoa học: Helicobacter pylori) được biết đến là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong cơ quan dạ dày. Loại vi khuẩn này có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua nhiều con đường khác nhau, sinh sống và phát triển trong dạ dày người.

1. Dấu hiệu nhận biết nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em

Vi khuẩn HP thường không ra những triệu chứng rõ ràng hoặc thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Dưới đây là 5 dấu hiệu nhận biết nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em cha mẹ cần lưu ý:

1.1. Đau bụng

Trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP thường bị đau bụng do bị tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Tình trạng này có thể lặp lại nhiều lần, mức độ đau tăng lên sau khi ăn. Nếu người lớn chỉ đau ở vùng thượng vị thì vi khuẩn HP ở trẻ em có thể gây đau ở nhiều vị trí khác nhau. Việc này khiến cha mẹ dễ nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa thông thường.

Trẻ đau bụng
Dấu hiệu nhận biết đầu tiên của trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP là đau bụng

1.2. Buồn nôn, nôn

Vi khuẩn HP ở trẻ em khiến hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động không bình thường gây ra tình trạng ứ đọng thức ăn, sinh ra các khí tạo áp lực trong dạ dày trẻ. Khi trẻ ăn sẽ khiến áp lực trong dạ dày tăng cao hơn khiến trẻ có xu hướng nôn ra ngoài để giảm áp lực tại dạ dày. Vi khuẩn HP ở trẻ em cũng khiến trẻ dễ bị chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, suy dinh dưỡng.

1.3. Rối loạn tiêu hóa

Vi khuẩn HP ở trẻ em gây ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn. Trẻ có thể gặp phải những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: táo bón, tiêu chảy...

1.4. Hôi miệng

Vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, các mảng bám ở răng miệng khiến hơi thở của trẻ có mùi hôi khó chịu.

1.5. Nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen

Vi khuẩn HP ở trẻ em có thể gây những tổn thương ở niêm mạc dạ dày nếu không được điều trị sớm. Trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP sẽ xuất hiện các triệu chứng như: nôn ra máu, đi ngoài, phân màu đen, cơ thể thiếu máu khiến da xanh xao, nhợt nhạt. Khi thấy trẻ gặp phải những triệu chứng này, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

2. Khi nào cần điều trị vi khuẩn HP ở trẻ nhỏ?

Điều trị vi khuẩn HP ở trẻ là rất quan trọng. Điều trị càng sớm sẽ càng hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Vi khuẩn HP có thể gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày. Do đó, khi phát hiện vi khuẩn HP ở trẻ em, phụ huynh cần điều trị sớm để điều trị bệnh tận gốc và triệt để. Tuy nhiên, ngay cả khi đã được điều trị thì vi khuẩn HP vẫn có khả năng tái phát do trẻ chưa có khả năng nhận thức và phòng tránh mầm bệnh triệt để.

Nếu trẻ nhiễm vi khuẩn HP mà chưa có triệu chứng thì chưa cần điều trị, không phải trường hợp nào nhiễm vi khuẩn HP cũng có hại hoàn toàn. Nếu không có triệu chứng gì, sự có mặt của vi khuẩn HP giống như một vi khuẩn cộng sinh, đem lại một số tác dụng cho cơ thể. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người bệnh cần điều trị vi khuẩn HP triệt để trong một số trường hợp sau:

  • Viêm loét dạ dày, tá tràng: Không tiêu diệt vi khuẩn HP có thể gây viêm loét dạ dày, tá tràng thậm chí tái phát nhiều lần.
  • Trường hợp trẻ xuất hiện các triệu chứng khó tiêu, ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa
  • Xuất huyết, giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân
  • Ung thư dạ dày dù đã phẫu thuật
  • Thiếu sắt, thiếu máu
  • Trường hợp người thân trong gia đình như: bố, mẹ, anh, chị có tiền sử bị ung thư dạ dày
  • Viêm teo niêm mạc dạ dày

Để điều trị vi khuẩn HP ở trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định ít nhất 2 loại thuốc kháng sinh kết hợp với nhau. Ngoài ra, trẻ cần dùng thêm thuốc kháng hoặc ức chế axit dạ dày. Liệu trình điều trị kéo dài ít nhất 2 tuần hoặc có thể lâu hơn. Tuy nhiên, việc điều trị vi khuẩn HP ở trẻ khá khó khăn bởi những nguyên nhân sau:

  • Tỷ lệ tái phát bệnh ở trẻ cao.
  • Khó tuân thủ liệu trình điều trị do trẻ dễ gặp phải những tác dụng phụ như: buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, đắng miệng...
  • Vi khuẩn HP có khả năng kháng kháng sinh làm giảm hiệu quả của phác đồ điều trị.

Việc điều trị vi khuẩn HP ở trẻ em cần được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn cao tại những cơ sở y tế uy tín, chất lượng để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan