Tiền sản giật và huyết áp cao khi mang thai: Những điều cần nhớ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Huyết áp cao khi mang thai có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa sức khỏe sản phụ, một trong những hậu quả nặng nề nhất là tiền sản giật.

1. Huyết áp cao khi mang thai

1.1. Huyết áp cao là gì?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch khi tim co bóp để bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp cao (còn gọi là tăng huyết áp) có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe. Trong quá trình mang thai, tăng huyết áp nặng hoặc không kiểm soát có thể gây ra các biến chứng cho mẹ bầu và thai nhi.

Tăng huyết áp thai kỳ là khi huyết áp cao khởi phát vào nửa sau của thai kỳ (sau tuần thứ 20) ở các phụ nữ có chỉ số huyết áp trước lúc mang thai hoàn toàn bình thường. Mặc dù các mẹ bầu thường khỏi bệnh sau khi sinh bé, song tăng huyết áp thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao sau này.

Huyết áp được xác định như sau:

  • Huyết áp bình thường: Dưới 120/80 mmHg
  • Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu trong khoảng 120 - 129 và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu trong khoảng 130 - 139 hoặc huyết áp tâm trương trong khoảng 80 - 89 mmHg
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu từ 140 trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên

1.2. Cao huyết áp khi mang thai có thể gây ra những vấn đề gì?

Huyết áp cao trong thai kỳ có thể khiến tim và thận của mẹ bầu làm việc căng thẳng hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận và đột quỵ. Những biến chứng khác có thể xảy ra gồm có:

  • Hạn chế phát triển của thai nhi – Huyết áp cao có thể làm giảm dòng dinh dưỡng nuôi bé qua nhau thai, hệ quả là có thể có các vấn đề trong phát triển của thai nhi.
  • Tiền sản giật – Thường xảy ra nhiều hơn ở những phụ nữ có huyết áp cao mãn tính so với những người có huyết áp bình thường.
  • Sinh non – Có thể xảy ra khi nhau thai không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho bé
  • Nhau bong non – Là trạng thái xảy ra khi nhau thai sớm tách ra khỏi thành tử cung. Mẹ bầu bị nhau thai bong non cần được cấp cứu ngay lập tức.
  • Mổ lấy thai - Tỷ lệ mẹ bầu bị tăng huyết áp có khả năng phải áp dụng phương pháp sinh mổ cao hơn so với những mẹ bầu có huyết áp bình thường. Những rủi ro của sinh mổ gồm có nhiễm trùng, tổn thương nội tạng và chảy máu trong cuộc mổ.
tien-san-giat-1
Huyết áp cao trong thai kỳ có thể khiến tim và thận của mẹ bầu làm việc căng thẳng hơn

1.3. Điều trị và theo dõi cao huyết áp khi mang thai như thế nào?

Thai phụ sẽ được theo dõi huyết áp một cách sát sao xuyên suốt thai kỳ (có thể bao gồm tự theo dõi huyết áp tại nhà). Mẹ bầu sẽ được siêu âm định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp nghi ngờ có vấn đề về phát triển thai nhi, thông thường trong 3 tháng cuối, sẽ có các xét nghiệm để theo dõi sức khỏe cho bé. Nếu chỉ tăng huyết áp nhẹ, có khả năng trong thai kỳ, chỉ số huyết áp của mẹ bầu sẽ giữ nguyên, hoặc thậm chí giảm xuống mức bình thường, khi đó có thể ngừng thuốc hoặc giảm liều điều trị. Nếu tình trạng tăng huyết áp nặng, hay huyết áp cao khi mang thai gây ra những vấn đề về sức khỏe, mẹ bầu có thể cần phải uống thuốc điều trị huyết áp trong thời gian mang thai.

2. Tiền sản giật

2.1 Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là tình trạng rối loạn huyết áp nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trong cơ thể của phụ nữ. Tiền sản giật là hệ quả của huyết áp cao khi mang thai và các dấu hiệu hoạt động bất thường của hệ cơ quan (Như Protein niệu – tình trạng bất thường lượng protein trong nước tiểu). Các dấu hiệu và triệu chứng nặng kèm theo do tiền sản giật nghiêm trọng gồm: Số lượng tiểu cầu trong máu thấp, bất thường chức năng gan thận, đau bụng trên, thị lực thay đổi, tràn dịch phổi, đau đầu nghiêm trọng, huyết áp rất cao.

2.2 Thời điểm xuất hiện tiền sản giật?

Thường xuất hiện sau tuần mang thai thứ 20 (thường trong 3 tháng cuối thai kỳ). Tiền sản giật xuất hiện trước tuần thứ 32 của thai kỳ được gọi là tiền sản giật khởi phát sớm.Tiền sản giật cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn hậu sản.

2.3 Nguyên nhân gây tiền sản giật?

Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân sinh bệnh của tiền sản giật. Tuy nhiên, có một số yếu tố sau đây có thể góp phần tăng nguy cơ tiền sản giật:

  • Mang thai lần đầu
  • Đã mắc tiền sản giật trong lần mang thai trước, hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc tiền sản giật
  • Có tiền sử tăng huyết áp mãn tính, bệnh thận.
  • Trong độ tuổi từ 40 trở lên
  • Mang đa thai
  • Có vấn đề về sức khỏe như đái tháo đường, hội chứng tăng đông máu, bệnh lupus.
  • Béo phì
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

2.4 Những nguy cơ xảy đến với mẹ và bé tiền sản giật?

Nguy cơ với trẻ: Nếu tiền sản giật xảy ra trong thai kỳ, có thể phải chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai. Sinh non gia tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng cho trẻ, trong đó có những biến chứng phải chung sống và điều trị nội khoa liên tục suốt đời. Những trẻ sinh quá sớm có thể tử vong.

Nguy cơ với mẹ:

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh thận gia tăng đối với thai phụ có tiền sản giật – đặc biệt ở những người phải sinh non – bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tăng huyết áp. Tiền sử tiền sản giật làm tăng nguy cơ tiền sản giật trong những lần mang thai sau.

Ngoài ra, tiền sản giật còn là nguyên nhân gây ra sản giật và hội chứng HELLP.

  • 2.5 Dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật
  • Sưng mặt và bàn tay
  • Đau đầu không dứt
  • Nhìn thấy đốm trước mắt, hoặc thị lực thay đổi
  • Đau bụng trên hoặc vai
  • Buồn nôn và nôn (trong nửa sau thai kỳ)
  • Tăng cân đột ngột
  • Khó thở
tien-san-giat-2
Đau đầu không dứt là một trong những triệu chứng của tiền sản giật

3. Điều trị tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật mức độ nhẹ như thế nào?

Nếu tăng huyết áp thai kỳ hay tiền sản giật không nghiêm trọng, thai phụ có thể theo dõi ở bệnh viện hoặc theo dõi ngoại trú (nhân viên y tế theo dõi sát sao tại nhà). Thai phụ có thể đếm số lần bé đạp trong ngày và đo huyết áp tại nhà, gặp nhân viên y tế chăm sóc ít nhất một lần/tuần hoặc đôi khi là hai lần/tuần. Thai phụ có thể sẽ sinh ở tuần thứ 37, hoặc sớm hơn nếu kết quả xét nghiệm cho thấy em bé không được khỏe.

Trường hợp thai phụ bị tiền sản giật nặng thường được điều trị ngay tại bệnh viện. Thai phụ từ tuần thứ 34 trở đi thường được khuyến cáo sinh bé ngay khi thể trạng ổn định. Những bà mẹ trong thời gian trước tuần thai thứ 34 với thể trạng ổn định có thể chờ thời điểm sinh bé. Có thể sử dụng Corticosteroids để thúc đẩy phổi bé trưởng thành. Ngoài ra, mẹ sẽ được kê thuốc hạ huyết áp và phòng ngừa co giật. Cần sinh nhanh nếu tình trạng của mẹ hoặc thai nhi chuyển biến xấu.

4. Làm gì để phòng ngừa tiền sản giật và huyết áp cao khi mang thai?

Để phòng ngừa, cần xác định thai phụ có nguy cơ mắc tiền sản giật hay không, nếu có, cần tìm ra các yếu tố nguy cơ. Phụ nữ mắc bệnh tăng huyết áp và có kế hoạch mang thai cần kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để kiểm tra có thể kiểm soát huyết áp hay không, tình trạng tăng huyết áp có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không. Người thừa cân được khuyến cáo giảm cân trước khi mang bầu. Những phụ nữ mắc một số bệnh như tiểu đường thường được khuyên kiểm soát tình trạng bệnh trước khi mang thai.

tien-san-giat-3
Phụ nữ mác bệnh tiểu đường nên kiểm soát tình trạng bệnh trước khi mang thai

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Acog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

68.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan