Tiền sản giật - tai biến sản khoa nguy hiểm và cách phòng ngừa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tiền sản giật là một trong những yếu tố hàng đầu gây ra tai biến sản khoa nguy hại cho cả mẹ lẫn con. Vậy tiền sản giật là gì? Làm thế nào để phòng ngừa biến chứng của tiền sản giật?

1. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một tình trạng rối loạn trong thai kỳ mà ở đó, huyết áp của thai phụ tăng cao, huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên cùng với đó là tình trạng xuất hiện protein trong nước tiểu, gây ra bởi sự tổn thương cơ quan đích là thận. Tình trạng tiền sản giật được định nghĩa khi huyết áp tăng cao, xuất hiện protein trong nước tiểu và diễn ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ.

Tiền sản giật sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và bé. Với mẹ, biến chứng nguy hiểm có thể gặp là tình trạng sản giật: cơn co giật xảy ra trên thai phụ có tiền sản giật, hoặc hội chứng HELLP : tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu. Với bé, có thể dẫn tới tình trạng sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thậm chí là tử vong.

Cho đến nay, vẫn chưa biết chắc chắn được nguyên nhân gây ra tình trạng tiền sản giật, nhưng ở những nhóm phụ nữ sau sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn người bình thường

  • Thai kỳ sinh đôi, sinh ba.
  • Con so (con đầu lòng).
  • Mang thai khi tuổi đã cao ( lớn hơn 40 tuổi).
  • Tăng huyết áp mạn (tăng huyết áp xuất hiện trước tuần 20).
  • Có tiền căn đái tháo đường hoặc bệnh lý ở thận.
  • Từng bị tiền sản giật.
  • Có yếu tố gia đình và di truyền.
  • Mẹ thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ.
  • Tình trạng béo phì hay thừa cân trong khi mang thai.

2. Những triệu chứng của tiền sản giật

Mẹ bầu hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán bệnh kịp thời nếu có các triệu chứng tiền sản giật dưới đây:

  • Từ tuần thứ 20 của thai kỳ xuất hiện tăng huyết áp : huyết áp ≥ 140/90 mmHg.
  • Protein trong nước tiểu > 0,3g/l.-
  • Tình trạng phù tay, chân, tuy nhiên, cũng do trong thai kỳ bình thường cũng thường có tình trạng phù đi kèm nên đôi khi triệu chứng bị bỏ lỡ.
Tiền sản giật - tai biến sản khoa nguy hiểm và cách phòng ngừa
Tình trạng phù tay, chân trong khi mang thai

  • Thay đổi về thị giác: nhìn mờ, mất thị lực, bị nhạy cảm với ánh sáng.
  • Tăng cân có thể lên tới > 2kg/ tuần.
  • Đau nhiều vùng thượng vị.
  • Đau đầu kéo dài kèm tình trạng nôn, buồn nôn.

3. Điều trị tiền sản giật như thế nào?

Hiện nay, chưa có phương tiện hay thuốc nào có thể điều trị tiền sản giật. Phương pháp điều trị tốt nhất, dứt điểm nhất là chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, thời điểm chấm dứt thai kỳ cũng cần được đảm bảo yếu tố nguy cơ lên sức khỏe của mẹ và sức khỏe của bé. Nếu quá sớm, bé sẽ gặp nhiều biến chứng gây ra do tình trạng sinh non, nếu quá muộn, thì tình trạng tiền sản giật có thể đe dọa tính mạng người mẹ, đặc biệt trong tiền sản giật nặng. Do vậy, thời điểm chấm dứt thai kỳ vẫn là một bài toán nan giải cần cân nhắc kỹ lưỡng với cả bác sĩ và gia đình. Cho nên, để thai kỳ diễn ra trọn vẹn, an toàn, thai phụ cần được theo dõi thường xuyên, chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Với tình trạng tiền sản giật nhẹ: (tức là tình trạng tiền sản giật chỉ có tăng huyết áp không vượt quá 160/110 mmHg kèm theo có đạm trong nước tiểu) có thể được điều trị ngoại trú, không cần nhập viện, nhưng cần được theo dõi sát sao:

Tiền sản giật - tai biến sản khoa nguy hiểm và cách phòng ngừa
Theo dõi cân nặng, nước tiểu, đếm cử động thai mỗi ngày

  • Nghỉ ngơi nhiều, ăn uống bình thường.
  • Làm NST cho thai mỗi tuần hay mỗi 2 lần một tuần ( đặt monitor sản khoa theo dõi).
  • Làm biểu đồ tăng trưởng của thai mỗi 2 tuần.
  • Thai phụ cần được hướng dẫn các dấu hiệu trở nặng: nhức đầu, mờ mắt, đau thượng vị/ hạ sườn, tiểu ít, tiểu sậm màu, cử động thai giảm...

Cần vào viện ngay khi có dấu hiệu trở nặng hoặc thai có dấu hiệu chậm tăng trưởng.

Đối với tình trạng tiền sản giật nặng: Huyết áp tăng cao, tiểu đạm nhiều, rối loạn chức năng nhiều cơ quan: thiểu niệu, tăng men gan, giảm tiểu cầu, rối loạn ý thức ... thì vấn đề chấm dứt thai kỳ sẽ được đặt ra. Tại viện, thai phụ sẽ được theo dõi sát sao: Huyết áp mỗi 6 giờ, cân nặng, nước tiểu, làm các xét nghiệm cần thiết như: công thức máu, men gan, chức năng thận, siêu âm thai, NST...cùng với việc nghỉ ngơi tuyệt đối và cho thêm thuốc an thần, hạ áp nếu cần. Tùy vào tuổi thai và tình trạng mẹ, bác sĩ sẽ đưa ra những đề nghị thích hợp.

4. Làm thế nào để phòng ngừa tiền sản giật?

Thai phụ cần chủ động phòng tránh, phát hiện sớm tiền sản giật trong thai kỳ lại càng quan trọng, để tránh các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Những biện pháp phòng ngừa tiền sản giật bao gồm:

4.1 Khám thai định kỳ

Việc chủ động khám thai đầy đủ là cực kì cần thiết. Chị em nên tuân thủ theo đúng lịch hẹn khám thai, để được đo huyết áp cũng như đánh giá tình trạng protein trong nước tiểu nhằm phát hiện tình trạng tiền sản giật kịp thời.. Đối với các chị em có nguy cơ cao mắc tiền sản giật như: bị đái tháo đường, bệnh thận, mang thai khi tuổi cao, gia đình có người bị tiền sản giật, hay bản thân bị tiền sản giật ở thai kì trước cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, theo dõi sát sao..

4.2 Theo dõi các dấu hiệu

Mẹ bầu cần nắm được các dấu hiệu, triệu chứng của tiền sản giật để khi gặp phải có thể chẩn đoán bệnh kịp thời. Bởi nếu không được phát hiện sớm và kịp thời để có những biện pháp theo dõi và điều trị thích hợp sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé.

4.3 Điều chỉnh chế độ ăn uống và nghỉ ngơi

Trong thời gian mang thai, người mẹ cần có một chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi điều độ, hợp lý. Chế độ ăn khoa học là chế độ ăn có đầy đủ: protein, canxi, các loại vitamin như: vitamin C, vitamin D cùng với các yếu tố vi lượng như magie, acid folic. Kết hợp với chế độ vận động phù hợp nhằm tránh tình trạng béo phì, thừa cân sẽ giúp mẹ có sức khỏe tốt và thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài ra, chế độ làm việc, nghỉ ngơi cần khoa học, cũng như thai phụ cần giữ cho mình một tinh thần thoải mái ổn định để thai kỳ diễn ra thuận lợi.

Tóm lại, tiền sản giật là một biến cố sản khoa nghiêm trọng xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ, cần được theo dõi sát sao vì tiền sản giật có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hại cho cả mẹ và bé. Việc phòng ngừa biến chứng có thể diễn ra sớm nếu bạn tuân thủ khám thai đầy đủ và theo dõi thai kỳ theo sự tư vấn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan