Thai phụ viêm gan B, C, HIV có nên chọc ối và sinh thiết gai rau không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Một số thủ thuật sàng lọc trước sinh đòi hỏi phải xâm nhập sâu vào bên trong tử cung để lấy mẫu mô, mẫu dịch ối xét nghiệm, ví dụ như chọc ối và sinh thiết gai rau. Vậy với những mẹ nhiễm viêm gan B, viêm gan C, mẹ nhiễm HIV có chọc ối được không?

1. Chọc ối và sinh thiết gai rau là gì?

Chọc ối: Dưới hướng dẫn của siêu âm, nước ối sẽ được rút ra qua thành bụng bằng một cây kim rất nhỏ. Mẫu nước ối này sẽ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Lượng nước ối cần lấy là 15 - 30 ml. Chọc ối thực hiện khi thai >16 tuần tuổi.

Sinh thiết gai nhau: Sinh thiết gai nhau là lấy một ít mô bánh rau từ tử cung của thai phụ. Mẫu gai rau sẽ được lấy bằng kim hoặc ống thông qua đường bụng. Trong thủ thuật sinh thiết gai rau, thai phụ sẽ được gây tê để giảm đau và bớt căng thẳng. Mẫu bánh rau thu được xét đem đi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Sinh thiết gai nhau thực hiện khi thai 12 - 14 tuần tuổi với vị trí bánh rau thuận lợi.

Mẹ bị viêm gan b có chọc ối được không
Dưới hướng dẫn của siêu âm, nước ối sẽ được rút ra qua thành bụng bằng 1 cây kim rất nhỏ

2. Mục đích của việc chọc ối và sinh thiết gai rau

Các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh là xét nghiệm cần thiết, giúp cho bác sĩ biết được thai nhi có bị các bất thường về di truyền và nhiễm trùng hay không. Thông thường các xét nghiệm này được thực hiện dựa trên thủ thuật chọc ối, sinh thiết gai rau.

Kết quả chẩn đoán chọc ối và sinh thiết gai rau sẽ cho biết các vấn đề di truyền trước sinh, từ đó cha mẹ có kế hoạch chăm sóc và điều trị thích hợp sau khi bé ra đời hoặc với một số bệnh có thể điều trị cho bé trước khi sinh. Trong một số trường hợp thai nhi dị tật nặng, khó điều trị trước và sau sinh, cha mẹ có thể quyết định chấm dứt thai kì sau khi được bác sĩ tham vấn kết quả để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

3. Thai phụ bị viêm gan B, viêm gan C, HIV có nên sinh thiết gai rau và chọc ối không?

Mẹ bị viêm gan B có chọc ối được không là thắc mắc của không ít thai phụ nhiễm căn bệnh này. Trên thực tế, nguy cơ lây truyền virus từ mẹ sang con trên thai phụ mắc viêm gan B sau chọc ối khá thấp. Tuy nhiên nếu tải lượng virus HBV DNA > 7log10 copies/ml có thể làm tăng nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Đối với thai phụ mắc viêm gan C, chọc ối hay sinh thiết gai rau không làm tăng nguy cơ lây truyền virus từ mẹ sang con. Tuy nhiên đối với thai phụ HIV, sinh thiết gai rau và chọc ối có thể làm tăng nguy cơ lây truyền (đặc biệt trong nhóm thai phụ không điều trị giảm tải lượng virus trước sinh).

4. Các lưu ý sau khi thực hiện thủ thuật sinh thiết gai rau và chọc ối

  • Một số sản phụ sẽ bị đau bụng nhẹ sau khi chọc ối, bác sĩ sẽ đưa thuốc uống và thai phụ nên nghỉ ngơi vào ngày chọc ối, ngày hôm sau tình trạng đau bụng sẽ giảm.
  • Sản phụ nên nghỉ ngơi khoảng 24 tiếng, tránh làm việc nặng.
Mẹ bị viêm gan b có chọc ối được không
Sản phụ nên nghỉ ngơi khoảng 24 tiếng, tránh làm việc nặng
  • Thực hiện sinh hoạt và tắm rửa bình thường, không kiêng nước.
  • Khám lại ngay khi thấy dấu hiệu đau bụng nhiều, ra nước âm đạo, ra máu âm đạo, sốt cao.
  • Thai phụ đến lấy kết quả chọc ối hoặc sinh thiết gai rau theo lịch hẹn của bác sĩ, tại đây bác sĩ sẽ tham vấn kết quả và có những hướng dẫn cho lần khám thai tiếp theo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan