Ý nghĩa của chụp X Quang lồng ngực

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Như Tú và Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Vũ - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chụp X quang phổi là kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng, hỗ trợ đắc lực các bác sĩ trong chẩn đoán các bệnh lý ở phổi như lao phổi, tràn dịch màng phổi, thuyên tắc phổi....

1. Tổng quan về kỹ thuật chụp X quang lồng ngực

Kỹ thuật chụp X quang lồng ngực được thực hiện trong một phòng chuyên biệt. Sử dụng một bóng phát tia X gắn vào cần kim loại lớn. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cởi bỏ trang sức, phụ kiện kim loại, mặc áo mỏng và đứng trước 1 tấm chứa phim X quang hoặc 1 đầu thu đặc biệt giúp ghi lại cấu trúc lồng ngực. Các hình ảnh của phổi, đường thở, mạch máu, hạch bạch huyết, tim và xương sườn đều thể hiện rõ trên phim chụp Xquang.

Dựa vào ảnh chụp X quang lồng ngực này, bác sĩ có thể đánh giá rồi đưa ra kết quả về tình trạng sức khỏe người bệnh, cụ thể:

  • Xác định bệnh nhân có gặp vấn đề về phổi như lao phổi, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, ung thư phổi, xẹp phổi, phù phổi cấp, khối u ở phổi, u ở màng phổi, u ở trung thất...
  • Kiểm tra xem có dịch hoặc khí ở bên trong màng phổi, không gian quanh phổi hay không.
  • Hệ thống xương sườn có bị tổn thương, bị ảnh hưởng trong trường hợp chấn thương hay không.

Chụp X quang phổi thường được thực hiện khi tiến hành kiểm tra sức khỏe và sàng lọc bệnh về phổi. Giá trị của ảnh chụp X quang trong chẩn đoán bệnh lý phổi chỉ đứng sau chẩn đoán các bệnh lý về xương.

Tư thế chụp Xquang
Tư thế chụp Xquang lồng ngực

2. Các phương pháp X Quang lồng ngực

Chụp X quang thẳng: Bệnh nhân được hướng dẫn chụp ở tư thế đứng theo chiều sau - trước. Nếu bệnh nhân không đứng được thì có thể chụp ở tư thế Fowler (tư thế thấp, bán chuẩn, chuẩn hoặc cao). Không nên chụp ở tư thế nằm vì sẽ gây khó khăn trong việc chẩn đoán tình trạng tràn dịch, tràn khí màng phổi.

Chụp X quang nghiêng: Thường được áp dụng để làm rõ những tổn thương nghi ngờ có dạng khối khó được quan sát trên phim thẳng. Mục đích của chụp nghiêng là để phân vùng trung thất, định khu tổn thương vào thùy và phân thùy phổi. Nếu nghi ngờ có tổn thương ở bên nào thì chụp nghiêng bên đó.

Chụp cắt lớp vi tính CT: Là phương pháp đặc biệt hữu hiệu giúp chẩn đoán u phổi, u trung thấtgiãn phế quản. Đặc biệt chụp cắt lớp vi tính với độ phân giải cao (HRCT) rất có giá trị trong chẩn đoán giãn phế quản.

Ngoài những phương pháp trên còn một số phương pháp chụp X quang lồng ngực khác như chụp điện áp cao, chụp phế quản có bơm cản quang... tuy nhiên hiện ít được áp dụng.

Tiêu chuẩn đánh giá 1 phim X quang phổi đẹp

  • Tư thế bệnh nhân phù hợp: Bệnh nhân dáng đứng cân đối, không vẹo, lệch. Ở trên phim thấy khớp ức đòn hai bên cân đối, 2 xương bả vai ra ngoài trường phổi. Ảnh chụp khi bệnh nhân hít hơi vào sâu.
  • Phương pháp chụp phù hợp: Về cơ sở vật chất, điện áp KV và mA nếu đặt vào bóng X quang phù hợp sẽ sinh ra dòng tia X có cường độ vừa phải, không quá non hoặc quá già giúp phim chụp có độ tương phản tốt, không đen hoặc trắng quá, từ đó thấy được bóng 3, 4 đốt sống ngực bệnh nhân.
  • Phim lấy hết được trường phổi, không hụt lệch: Ảnh chụp phía trên phải lấy hết đốt sống cổ C6, phía dưới lấy hết 2 vòm hoành, hai bên căn chụp hết khung xương sườn và phần mềm ở thành ngực.
Xquang tim phổi
Xquang tim phổi tư thế thẳng và nghiêng

3. Hình X quang phổi bình thường và lao phổi

3.1. Hình X quang phổi bình thường

Ở phim phổi thẳng: Phim chụp quan sát thấy đầu trong của xương sườn đối xứng qua gai sau cột sống lưng. Cũng thấy được vân phổi cách ngoại vi tầm 1cm, thấy lờ mờ cột sống lưng sau bóng tim. Phim được chụp khi bệnh nhân hít vào, thấy rõ vòm hoành ngang đầu trước xương sườn số 6, xương bả vai phải tách ra khỏi trường phổi.

Ở phim phổi nghiêng: được chụp khi người bệnh hít vào, cung sau các xương sườn chồng lên nhau, các cùng đồ sườn hoành sau khá rõ ràng.

3.2. Hình X quang lao phổi

Tình trạng bệnh lao phổi thể hiện trên Xquang có sự khác biệt theo từng giai đoạn, cụ thể:

  • Sơ nhiễm: Hình ảnh điển hình nhất là hình quả tạ được hình thành bởi ổ sơ nhiễm lao, đường bạch mạch và viêm hạch rốn phổi.
  • Thâm nhiễm sớm: Hình ảnh X-quang cho thấy các đám mờ không đồng đều nhau, có nốt sần, nốt nhỏ; đường bờ ranh giới không rõ và xuất hiện vùng trên phổi.
  • Mãn tính: Hình ảnh X quang phổi thể hiện các nốt hình xơ, hình co kéo xẹp phổi, hình hang, hình nốt...
  • Lao kê: Phổi xuất hiện rải rác các chấm mờ nhỏ giống như hạt kê kín cả 2 phổi.
lao phổi
Hình ảnh Xquang lao phổi

3.3. Hình X quang thuyên tắc phổi

Đa số bệnh nhân thuyên tắc phổiX quang lồng ngực bất thường, dù các dấu hiệu bất thường này khá kín đáo, không đặc hiệu và không giúp quá nhiều cho việc chẩn đoán. Nhìn chung, các dấu hiệu X quang thường gặp là: xẹp phổi và hình mờ ở phổi. Ngoài ra còn có các dấu hiệu được cho là đặc hiệu của thuyên tắc phổi như dấu Westermark (hình tròn vô mạch), dấu Fleischner (động mạch phổi trung tâm lớn), dấu gù Hampton (bóng mờ hình tam giác đáy nằm trên màng phổi, đỉnh hướng về rốn phổi) tuy nhiên những dấu hiệu này khá hiếm khi gặp trên ảnh chụp X quang.

Chụp X quang phổi là một trong những xét nghiệm cơ bản trong tiếp cận chẩn đoán những bệnh nhân có nghi ngờ thuyên tắc phổi, việc nghiên cứu thêm kết quả X quang lồng ngực có thể giúp cải thiện chẩn đoán thuyên tắc phổi và các bệnh lý về phổi khác.

Nhìn chung, chụp X quang lồng ngực được đánh giá là một phương pháp chẩn đoán sẵn có, chi phí hợp lý, đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện các số bệnh lý lâm sàng đặc hiệu như tràn khí màng phổi, gãy xương sườn...Đây cũng là một trong những phương pháp xét nghiệm, đánh giá được nhiều bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng rộng rãi nhất hiện nay.

Tiến sĩ Trần Như Tú với kinh nghiệm trên 20 năm, trong đó 3 năm làm Phó trưởng Khoa cận lâm sàng - Bệnh viện Hòa Vang, 16 năm làm Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, 4 năm làm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Tiến sĩ Tú chẩn đoán chính xác, giảm tối thiểu sai sót dựa trên các hình ảnh thu được, sẵn sàng phục vụ bệnh nhân 24/24 trong các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu.

Tiến sĩ Tú từng được tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước như: Cao học Chẩn đoán hình ảnh, Nghiên cứu sinh Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội, Chẩn đoán hình ảnh tại CHU Reims – Pháp, Điện quang can thiệp tại Winterthur hospital - Thụy Sỹ, Điện quang can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Singapore... trước khi là trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện Vinmec Đà Nẵng như hiện nay.

Thạc sĩ bác sĩ Lê Thị Hồng Vũ có Tiếng Anh tốt, từng tham gia nhiều khóa đào tạo ngắn hạn, liên tục về chẩn đoán hình ảnh thường niên. Bác sĩ có trên 7 năm kinh nghiệm làm bác sĩ trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là siêu âm.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan