Viêm tai giữa thanh dịch ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Các bệnh lý vùng tai mũi họng rất đa dạng. Trong số đó, bệnh viêm tai giữa thanh dịch người lớn là một bệnh rất hay gặp nhưng thường không có nhiều biểu hiện điển hình, bệnh rất dễ bị bỏ sót dẫn đến việc không được điều trị kịp thời.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

1. Viêm tai giữa thanh dịch là gì?

Viêm tai giữa thanh dịch hay còn gọi với tên khác là viêm tai màng nhĩ đóng kín. Đây là tình trạng viêm, xuất hiện dịch nhầy trong hòm tai nhưng không phải do vi khuẩn gây ra, nếu để bệnh kéo dài dễ làm dày dính màng nhĩ và biến chứng nặng nhất là mất thính lực.

Bệnh có thể gặp các thể viêm tai giữa thanh dịch một bên ở người lớn hoặc có khi gặp ở cả 2 bên tai. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

Viêm tai
Viêm tai giữa thanh dịch thường xuất hiện ở trẻ em

2. Nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch người lớn

Các nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Các bệnh lý vùng mũi họng như: Viêm VA, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng hoặc đôi khi do các khối u lành hoặc ác tính ở vòm mũi họng.
  • Một số yếu tố góp phần gây ra bệnh như: VA phì đại, u nang bẩm sinh hay u xơ vùng vòm mũi họng... gây chèn ép và làm tắc vòi nhĩ cơ học.
  • Rối loạn chức năng vòi Eustache dẫn đến tắc vòi nhĩ cơ năng.
  • Tình trạng viêm nhiễm làm phù nề niêm mạc.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, hiện tượng dị ứng và rối loạn chức năng lông chuyển, các bất thường nguyên phát hoặc thứ phát đường hô hấp.
  • Các yếu tố làm thay đổi đột ngột áp lực như khi đi máy bay, khi lặn sâu...
Viêm xoang
Viêm mũi xoang có thể là nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch

3. Các dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa thanh dịch

Thông thường, các triệu chứng của bệnh thường nghèo nàn và không đặc trưng, các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Thay đổi cảm giác ở tai, có thể sẽ bị ù tai, cảm giác đầy nặng ở tai, đôi khi nghe thấy những tiếng lạ như tiếng vang trong đầu và trong hai tai.
  • Giảm thính lực, nghe kém.
  • Các triệu chứng gợi ý bệnh kèm theo như: Ngạt mũi, chảy mũi, hắt hơi...

Nội soi tai mũi họng thường gặp các hình ảnh như màng nhĩ lành lặn, không thủng; nón sáng bị thu hẹp hoặc bị mất; đặc biệt nhất là màng nhĩ có thể thay đổi màu sắc, trở nên dày hơn bình thường, mờ đục, đôi khi có màu vàng ánh kim; các thay đổi khác bao gồm: màng nhĩ phồng to do ứ dịch hoặc lõm vào do xơ dính, đôi khi lại không di động khi tạo áp lực lên màng nhĩ.

Tìm nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa thanh lịch bằng cách khám tỉ mỉ vùng mũi họng để thấy các nguyên nhân như: VA quá phát, viêm Amidan, các khối u vòm mũi họng, polyp mũi hoặc bất thường vách ngăn mũi...

Đo thính lực hoặc đo nhĩ lượng giúp xác định tình trạng hòm tai, khả năng nghe của bệnh nhân

4. Viêm tai giữa thanh dịch có nguy hiểm không?

Viêm tai giữa thanh dịch người lớn nếu không phát hiện và điều trị kịp lúc sẽ dẫn đến màng nhĩ bị co, lõm, dính tạo thành túi co kéo làm khả năng thính lực ngày càng giảm. Bên cạnh đó, túi co kéo màng nhĩ là yếu tố thuận lợi gây nên viêm tai giữa, nguy hiểm hơn là viêm tai giữa có Cholesteatoma, đây là bệnh lý dễ gây các biến chứng nội sọ cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não.

5. Điều trị bệnh viêm tai giữa thanh lịch như thế nào?

Mục đích chính của điều trị là tái lập hoạt động bình thường của hòm tai, giảm tình trạng viêm, hạn chế biến chứng và điều trị nguyên nhân bệnh tránh tái phát về sau. Điều trị bao gồm cả dùng thuốc hoặc ngoại khoa.

Về điều trị nội, bác sĩ có thể cho kháng sinh để dự phòng các nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng thứ phát do viêm tai giữa thanh dịch gây ra, đồng thời kháng viêm bằng thuốc corticoid. Bên cạnh đó, có thể giảm triệu chứng tiết dịch nhầy bằng các thuốc kháng histamin H1.

Về điều trị ngoại khoa, bác sĩ có thể chích rạch màng nhĩ nếu bên trong hòm tai ứ nhiều dịch, khi màng nhĩ căng phồng hoặc khi màng nhĩ bị lõm, dính thì sẽ đặt 1 ống thông khí vào hòm nhĩ. Tìm và điều trị các nguyên nhân như nạo vét VA, cắt Amidan viêm, chỉnh hình vách ngăn và cuốn mũi hoặc phẫu thuật lấy bỏ các khối u vòm mũi họng.

Hiện nay, có một phương pháp hiện đại hơn đang được áp dụng là Kỹ thuật sửa chữa màng nhĩ CS của Đức, đây là kỹ thuật vi phẫu giúp xác định độ sâu của tai và tìm các tổn thương bị che giấu. Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật sửa chữa màng nhĩ CS là vết mổ nhỏ, thời gian làm ngắn, chảy máu ít, không ảnh hưởng đến ngoại quan, tốc độ hồi phục nhanh. Đồng thời, tỷ lệ tái phát bệnh ít hơn so với phương pháp chữa trị truyền thống, hiệu quả cao, an toàn đáng tin cậy.

Histamin
Dùng thuốc kháng histamin H1 để giảm triệu chứng tiết dịch nhầy

Điều quan trọng nhất trong điều trị vẫn là phát hiện bệnh kịp thời và đến khám ở chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn phương pháp điều trị cụ thể, thích hợp.

Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng cách rửa mũi, súc họng. Khi có biểu hiện bệnh lý như ngạt mũi, chảy mũi, hắt hơi, ù tai... bạn cần đến cơ sở khám chữa bệnh để điều trị kịp thời.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

86.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan