Vai trò của chụp CT trong chẩn đoán bệnh lý hệ tiết niệu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh về mặt cắt các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả hình thức chụp cắt lớp hệ tiết niệu để từ đó chẩn đoán bệnh tiết niệu.

Kỹ thuật này đem lại những hình ảnh khá rõ ràng của các cơ quan bên trong cơ thể, đặc biệt chụp CT hệ tiết niệu cho thấy rõ hơn hình ảnh các mô mềm hơn chụp X-quang. Dù đây là phương pháp thường được thực hiện với nhiều bệnh nhân khi đến khám tại bệnh viện nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về ý nghĩa của kỹ thuật này.

1. Khi nào cần chụp CT hệ tiết niệu?

Chụp CT hệ tiết niệu là quá trình thăm khám, chụp cắt lớp hệ tiết niệu gồm: thận, 2 bên niệu quản, bàng quang,...theo hệ thống từ vòm hoành đến khớp mu trên hệ thống máy đầu thu ít dãy.

Chụp CT có thể chỉ định rộng rãi để khảo sát hầu hết các bệnh lý của các bộ phận trong cơ thể. Chụp CT hệ tiết niệu sẽ được chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Người bệnh bị các cơn đau quặn ở thận
  • Có sỏi ở bàng quang, thận, niệu quản hoặc tắc niệu quản chưa xác định được nguyên nhân
  • Bị chấn thương thận
  • Bệnh lý bẩm sinh hệ tiết niệu (thận đôi, thận móng ngựa, hẹp khúc nối bể thận niệu quản,...)
  • Có bệnh lý ở túi tinh, tuyến tiền liệt
  • Bị nhiễm khuẩn ở khoang quanh thận và nhu mô thận
  • Bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm nhiễm bể thận, viêm bàng quang, viêm thận.
  • Cần xác định giai đoạn, tình trạng của u thận
  • Đánh giá sự phát triển của u hệ tiết niệu, u tuyến tiền liệt.

Chụp CT thường rất hiếm khi xảy ra các biến chứng, một số rất ít trường hợp có phản ứng dị ứng với thuốc cản quang nhưng sẽ được điều trị ngay lập tức. Thuốc cản quang có thể gây tổn thương thận nhưng rất hiếm gặp, hầu hết chỉ xảy ra ở các bệnh nhân đã có bệnh lý thận trước đó.

Với phụ nữ mang thai nếu không cần thiết thì không nên chụp CT vì tia X có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Hình ảnh CT hệ tiết niệu
Hình ảnh CT hệ tiết niệu

2. Quy trình chụp CT hệ tiết niệu

2.1 Trước khi chụp CT

  • Bệnh nhân nữ cần báo cho bác sĩ biết mình có mang thai hay không.
  • Nếu bệnh nhân chụp với cản quang thì cần thông báo về những bệnh lý đang điều trị (tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn, bệnh tuyến giáp, tiền căn dị ứng nặng...)
  • Tháo hết trang sức và vật dụng kim loại ra khỏi người
  • Để chụp cắt lớp hệ tiết niệu người bệnh cần nhịn ăn chất đặc, tốt nhất chỉ nên uống nước hoa quả hoặc sữa với dung tích không quá 100ml.

2.2 Trong khi chụp CT

  • Người bệnh nằm ở tư thế ngửa, giơ 2 tay lên đầu để tránh làm nhiễu ảnh.
  • Kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân cách nhịn thở để tránh tạo ra di động thở gây nhiễu ảnh.
  • Tiến hành chụp CT hệ tiết niệu trước và sau khi tiêm thuốc cản quang iode vào tĩnh mạch.
  • Bệnh nhân nằm im trong thời gian chụp quét.
  • Tùy theo độ lớn của mỗi cá thể mà thay đổi góc độ nhìn cho phù hợp. Tiến hành đánh giá toàn bộ khí, mô mềm, xương và mỡ ở vùng chụp.
Chụp PET/CT
Chụp CT hệ tiết niệu tư thế nằm ngửa

2.3 Sau khi chụp CT

Bệnh nhân uống nhiều nước để chất cản quang đào thải ra khỏi cơ thể và lưu lại bệnh viện 30 phút trước khi về.

3. Ý nghĩa của các lớp chụp CT Scanner

  • Chụp các lớp cắt trước khi tiêm thuốc cản quang

Bước chụp này nhằm mục đích định vị tổn thương bước đầu để thực hiện các lớp cắt sau tiêm hiệu quả hơn. Đồng thời giúp đánh giá những tổn thương có chứa mỡ hay vôi hóa, chảy máu hay không. Ngoài ra, lớp chụp này còn giúp so sánh với tỷ trọng của tổn thương sau tiêm thuốc, từ đó đánh giá mức độ ngấm thuốc nhiều hay ít của tổn thương.

  • Chụp các lớp cắt thì động mạch (thì vỏ thận)

Mục đích của thì chụp này là để đánh giá mức độ giàu mạch của tổn thương u, đánh giá tình trạng thuốc thoát ra ngoài lòng mạch nếu có chảy máu do chấn thương thận. Đồng thời thể hiện tình trạng tĩnh mạch dẫn lưu sớm đối với các tình trạng thông động mạch hoặc tĩnh mạch,...Đánh giá khả năng bài tiết của vỏ thận.

  • Chụp lớp cắt thì tĩnh mạch (thì nhu mô)

Mục đích của bước chụp này là đánh giá các tổn thương ở u thải thuốc nhanh hay chậm. Đánh giá tình trạng ngấm thuốc của 2 bên tĩnh mạch thận và tĩnh mạch chủ dưới đối với bệnh u thận, từ đó nhìn ra các tổn thương dạng như bị dập hoặc vết vỡ nhu mô ở các chấn thương. Đánh giá khả năng thải thuốc của tủy thận.

  • Các lớp cắt thì muộn (thì bài xuất)

Đánh giá hình thái đài bể thận,niệu quản, bàng quang và các bất thường liên quan. Tùy thuộc vào bệnh lý đường dẫn niệu và khả năng bài xuất của thận, có thể xác định thời điểm chụp muộn hơn.

Các lớp chụp CT Scanner
Các lớp chụp CT Scanner thận - tiết niệu

4. Vai trò chụp CT trong chẩn đoán bệnh lý hệ tiết niệu

Chụp cắt lớp vi tính CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tốt nhất để đánh giá hệ tiết niệu và khoang sau phúc mạc do:

  • Không cần phẫu thuật mà vẫn quan sát được hệ tiết niệu và các cơ quan khác trong ổ bụng.
  • Đo đạc tỷ trọng và hỗ trợ phân biệt các dịch, máu, vôi hóa, mỡ, vết hoại tử,...
  • Hình thành các lớp cắt chi tiết theo trục cơ thể từ thận cho đến tuyến tiền liệt.
  • Hiển thị hình ảnh theo tất cả mặt phẳng khác nhau hoặc hình ảnh 3D giúp quan sát đài bể thận, nhu mô, các đường bài xuất, niệu quản, tuyến tiền liệt, bàng quang.
  • Thuốc cản quang vào cơ thể giúp phân biệt được các cấu trúc, nghiên cứu mạch máu thận, đánh giá tổn thương giàu, nghèo mạch hoặc vô mạch.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan