Vai trò của chụp cộng hưởng từ trong chấn thương sọ não

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Hiếu - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cộng hưởng từ não là một kỹ thuật hình ảnh tiến tiến, cho hình ảnh chi tiết và rõ nét về các bất thường của sọ não như u não hay chấn thương sọ não.

1. Vì sao chấn thương sọ não thường được chỉ định chụp cộng hưởng từ?

Trong chấn thương sọ não, kỹ thuật hình ảnh thường được chỉ định đầu tiên là chụp cắt lớp vi tính - CT scan, vì đây là phương tiện sẵn có ở hầu hết các cơ sở y tế. Kỹ thuật này thực hiện nhanh, sử dụng được trong các trường hợp bệnh nặng, có phương tiện hồi sức cấp cứu, theo dõi đi kèm. Chụp cắt lớp vi tính phát hiện tốt các tụ máu, nội sọ, gãy, nứt xương vùng đầu mặt, tổn thương xoang, ổ mắt... hay thuận tiện trong việc khảo sát đa chấn thương. Chụp CT scan có thể chụp toàn thân đồng thời khảo sát mạch máu.

Tuy nhiên, chụp cắt lớp vi tính CT scan sử dụng tia X nên có thể gây bất lợi đối với phụ nữ có thai và trẻ em. Vì vậy ở hai đối tượng này, chỉ định chụp cộng hưởng từ trong chấn thương sọ não có thể được ưu tiên chỉ định .

Ngoài ra, trong một số trường hợp, hình ảnh từ chụp cắt lớp vi tính không giải thích được hết các triệu chứng lâm sàng của người bệnh, ví dụ như trong tổn thương sợi trục lan tỏa do căng giãn, giật đứt những sợi thần kinh nhỏ. Và cộng hưởng từ là chọn lựa thích hợp để cho ra kết quả chi tiết, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ sọ não này có thể thấy được các xuất huyết nhỏ vài milimet mà chụp cắt lớp vi tính không thấy được.

Chụp cộng hưởng từ còn được chỉ định trong trường hợp cần phân biệt chấn thương sọ não hay bệnh lý thần kinh khác như đột quỵ gây té ngã; đánh giá tổn thương não bán cấp và mạn tính do chấn thương. Kết hợp với chụp cắt lớp vi tính trong đánh giá tổn thương thần kinh thị, ổ mắt, thân não

Chụp MRI sọ não
Chụp cộng hưởng từ giúp bác sĩ đánh giá tổn thương vùng não bộ

2. Chụp cộng hưởng từ trong chấn thương sọ não cho biết điều gì?

Chụp cộng hưởng từ chấn thương sọ não có độ chính xác cao trong chẩn đoán bệnh lý sợi thần kinh trong chấn thương (tổn thương sợi trục lan tỏa) cũng như trong phát hiện xuất huyết, tụ máu, các đụng dập vỏ não không xuất huyết, tổn thương hố sau. Ngoài ra, chụp MRI có thể đánh giá tốt các di chứng sau chấn thương.

3. Các lưu ý khi chụp cộng hưởng từ chấn thương sọ não

Người tiến hành chụp cộng hưởng từ chấn thương sọ não cần thay đồ và mặc áo choàng bệnh viện trước khi chụp, để tránh các vật dụng có thể gây hại khi vào trong phòng chụp có từ trường cao hoặc gây ảnh giả làm cho bác sĩ không đọc được hình ảnh tổn thương.

Trong một số trường hợp, cộng hưởng từ cần sử dụng chất tương phản. Nếu người bệnh có tiền sử về hen, dị ứng với thuốc, thực phẩm hoặc môi trường; bị bệnh thận nặng, khả năng đang mang thai... cần thông báo với nhân viên y tế và bác sĩ chỉ định thực hiện chụp cộng hưởng từ.

Kim loại và các thiết bị điện tử không được phép mang vào phòng chụp. Các thiết bị điện tử hoặc kim loại trong cơ thế có thể bị hỏng hóc hoặc gây nguy hiểm cho người bệnh khi vào môi trường từ trường cao, vì vậy cần thông báo với nhân viên y tế và điền vào bảng kiểm trước chụp nếu có, đặc biệt là máy khử rung, máy tạo nhịp tim, vật liệu cấy ghép ốc tai điện tử, các clip kẹp phình mạch não, dị vật kim loại (mảnh đạn) trong đầu.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan