Tổng quan về sản giật và tiền sản giật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sản giật là biến chứng nặng của tiền sản giật. Đây là hai bệnh lý hiếm gặp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng khi huyết áp tăng cao khiến sản phụ bị co giật khi mang thai.

1. Tiền sản giật và sản giật là gì?

Tiền sản giật và sản giật là hai bệnh của thai kỳ có triệu chứng liên quan đến sự phát triển hoặc làm nặng hơn tình trạng tăng huyết áp trong khoảng sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc xuất hiện ngay sau khi sinh. Tiền sản giật, trước đây gọi là "nhiễm độc thai nghén", đây là tình trạng được phát triển trong thời kỳ mang thai có dấu hiệu đặc trưng gồm tăng huyết áp và có protein trong nước tiểu. Nếu không được nhận biết và quản lý đúng cách, tiền sản giật có thể tiến triển thành sản giật.

Tình trạng huyết áp cao rất nguy hiểm khi mang thai vì nó cản trở khả năng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi qua nhau thai. Trẻ sinh ra sẽ có cân nặng thấp hơn bình thường, kèm các vấn đề sức khỏe khác và có thể cần được sinh sớm.

Nếu huyết áp của sản phụ tiếp tục tăng cao hơn, thận sẽ có vấn đề khi hoạt động. Sản phụ có thể gặp các vấn đề về máu như bị phá hủy các tế bào hồng cầu dẫn đến thiếu máu, rối loạn chức năng gan và giảm tiểu cầu. Trong trường hợp có quá ít tiểu cầu, sản phụ có nguy cơ chảy máu không kiểm soát được trong quá trình chuyển dạ. Ngoài ra, huyết áp cao có thể khiến nhau thai bắt đầu tách ra khỏi thành tử cung hay còn gọi là nhau bong non. Khi nhau bong non sẽ dẫn đến chảy máu nghiêm trọng, thậm chí tử vong cả mẹ lẫn con.

Sản giật
Dấu hiệu tiền sản giật ở phụ nữ mang thai

Nếu sản phụ bắt đầu lên cơn co giật do tiền sản giật, thì sẽ được chẩn đoán là sản giật. Đây là tình huống đe dọa tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi do trong cơn co giật, cả mẹ và thai nhi đều có nguy cơ bị thiếu oxy.

2. Nguyên nhân tiền sản giật và sản giật

Nguyên nhân của tiền sản giật vẫn chưa rõ ràng. Hầu hết các lý thuyết cho rằng nguyên nhân có thể do sự phát triển bất thường của thai nhi, vấn đề về mạch máu, hệ thống miễn dịch hoặc các yếu tố di truyền.

Tại Mỹ, có 3% đến 7% thai phụ được chẩn đoán tiền sản giật. Bất kỳ phụ nữ mang thai nào cũng có thể bị tiền sản giật, nhưng nếu sản phụ có các yếu tố nào dưới đây thì nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn:

  • Mang thai lần đầu tiên
  • Mẹ hoặc chị gái của sản phụ bị tiền sản giật hoặc sản giật khi mang thai
  • Mang đa thai
  • Người Mỹ gốc Phi
  • Sản phụ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi tại thời điểm mang thai
  • Sản phụ đã bị tăng huyết áp, các bệnh lý về thận hoặc tiểu đường
  • Sản phụ có chỉ số khối cơ thể trước khi mang thai (BMI) lớn hơn 30
  • Sản phụ đã từng bị tiền sản giật ở lần mang thai trước
Đa thai
Các mẹ bầu mang đa thai có nguy cơ cao tiền sản giật và sản giật

3. Chẩn đoán tiền sản giật và sản giật

3.1 Tiền sản giật

Để chẩn đoán tiền sản giật, sản phụ có huyết áp cao và một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây ở thời điểm sau tuần thứ 20 của thai kỳ:

  • Protein trong nước tiểu của sản phụ
  • Số lượng tiểu cầu thấp
  • Chức năng gan suy giảm
  • Dấu hiệu của các vấn đề về thận khác
  • Dịch trong phổi
  • Nhức đầu hoặc rối loạn thị giác

Trước đây, tiền sản giật chỉ được chẩn đoán nếu có huyết áp cao và protein trong nước tiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có một số trường hợp bị tiền sản giật nhưng lại không có protein trong nước tiểu.

Chỉ số huyết áp trên 140/90 mm Hg là bất thường trong thai kỳ. Tuy nhiên, chỉ số huyết áp cao không có nghĩa là sản phụ đó bị tiền sản giật. Nếu sản phụ có một lần kết quả trong phạm vi bất thường hoặc một lần đọc cao hơn đáng kể so với huyết áp thông thường của sản phụ thì bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi sát huyết áp.

nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán tiền sản giật và sản giật

Sau 4 giờ đo lại, nếu huyết áp bất thường vẫn tiếp tục xuất hiện ở lần đọc thứ hai thì bác sĩ sẽ nghi ngờ sản phụ có tiền sản giật. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, chức năng thận và đo lượng tiểu cầu.
  • Phân tích nước tiểu. Bác sĩ sẽ hướng dẫn sản phụ thu thập nước tiểu trong 24 giờ, để đo lượng protein trong nước tiểu. Và mẫu nước tiểu sẽ được lấy để đo tỷ lệ protein và creatinine cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán.
  • Siêu âm thai nhi. Bác sĩ theo dõi chặt chẽ sự tăng trưởng của em bé thông qua siêu âm. Hình ảnh của thai nhi trên siêu âm cho phép bác sĩ ước tính trọng lượng của thai nhi và lượng nước ối.

Xét nghiệm Nonstress hoặc trắc đồ sinh lý học (biophysical profile). Nonstress là kỹ thuật đơn giản được thực hiện để kiểm tra nhịp tim của thai nhi phản ứng như thế nào khi thi nhi di chuyển. Trắc đồ sinh lý học sử dụng siêu âm để đo nhịp thở, trương lực cơ, chuyển động của thai nhi và thể tích nước ối trong tử cung.

3.2 Sản giật

Triệu chứng phổ biến nhất của sản giật là co giật. Tương tự như tiền sản giật, những thay đổi và triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện và thay đổi tùy theo cơ quan nào bị ảnh hưởng. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến mẹ, thai nhi hoặc phổ biến hơn là cả mẹ và thai nhi.

  • Nguy cơ sản giật tăng khi huyết áp tăng trên 160/110 mm Hg.
  • Thận lọc máu không hiệu quả nên bài tiết protein qua nước tiểu bất thường.
  • Thay đổi về hệ thần kinh như mờ mắt, nhìn thấy các đốm, nhức đầu dữ dội, co giật và đôi khi bị mù.
  • Những thay đổi ảnh hưởng đến gan gây đau bụng trên. Cơn đau này có thể bị nhầm lẫn với cơn đau do khó tiêu hoặc bệnh túi mật.
  • Tăng huyết áp của tiền sản giật có thể làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi nên làm giảm sự phát triển của thai nhi. Do đó, thai có thể nhỏ hơn so với thai nhi khỏe mạnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, chuyển động của thai nhi có thể bị giảm do quá trình oxy hóa của thai nhi bị suy giảm. Do đó, nếu sản phụ cảm thấy thai nhi giảm máy hoặc giảm di động thì nên đến cơ sở Y tế ngay lập tức.
Tăng huyết áp kịch phát: Những điều cần biết
Huyết áp mẹ bầu tăng cao gây nguy hiểm cho thai nhi

4. Nguyên tắc xử trí tiền sản giật và sản giật

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho tiền sản giật và sản giật là sản phụ sinh con. Do sản phụ có nguy cơ bị co giật, đứt nhau thai, đột quỵ và có thể chảy máu nghiêm trọng cho đến khi huyết áp của sản phụ giảm. Tuy nhiên, nếu sinh quá sớm thì lại không phải là điều tốt cho thai nhi.

Nếu sản phụ được chẩn đoán tiền sản giật, bác sĩ sẽ hướng dẫn sản phụ biết tần suất khám thai, có thể thường xuyên hơn so với thai phụ không có tiền sản giật. Trong mỗi lần khám, sản phụ cũng sẽ cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn.

Thuốc điều trị có thể cho tiền sản giật có thể bao gồm: Thuốc hạ huyết áp, thuốc Corticosteroidthuốc chống co giật.

Trong trường hợp tiền sản giật nặng, sản phụ có thể phải nhập viện để theo dõi tình trạng sức khỏe cả mẹ và thai nhi. Nếu sản phụ được chẩn đoán bị tiền sản giật gần cuối thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định chuyển dạ ngay lập tức. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể không thể xem xét đến tuổi thai hoặc sự mức độ mở cổ tử cung, bác sĩ sẽ gây ra chuyển dạ hoặc phẫu thuật bắt con. Trong khi sinh, sản phụ có thể được truyền tĩnh mạch magie sulfat để ngăn ngừa co giật.

Nếu sản phụ cần dùng thuốc giảm đau sau khi sinh, bác sĩ có thể kê cho một số thuốc NSAID, như ibuprofen và naproxen natri. Sau khi sinh, có thể sản phụ sẽ phải mất một thời gian để huyết áp trở về bình thường và các triệu chứng của tiền sản giật và sản giật được điều trị.

Sản giật là một cấp cứu y tế và bệnh lý này được điều trị bằng thuốc để kiểm soát cơn co giật và duy trì huyết áp ổn định với mục tiêu giảm thiểu các biến chứng cho cả mẹ và bé. Magiê sulfate là một điều trị đầu tay khi xảy ra co giật sản giật. Nếu các cơn động kinh không được kiểm soát bởi magiê sulfat, các loại thuốc khác như lorazepam (Ativan) và phenytoin (Dilantin, Dilantin-125) có thể được sử dụng.

Khám thai định kỳ tại Vinmec
Định kỳ khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ giúp phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật và sản giật
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan