Thuốc tương phản từ Gadolinium sử dụng trong kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) - P2

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Lê Thảo Trâm - Bác sĩ Chẩn Đoán Hình Ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Thuốc đối quang từ với gốc “gadolinium”, dựa vào tính chất thuận từ tác động lên các proton của phân tử nước, chất chứa nguyên tử Hydro (H) – là nguyên tố cơ bản trong kỹ thuật chụp cộng hưởng từ, góp phần làm thay đổi độ tương phản của mô được khảo sát.

1. Một số đối tượng đặc biệt cần lưu ý khi dùng thuốc đối quang từ?

Khuyến cáo chụp MRI với bà bầu
Phụ nữ có thai và cho con bú cần có chỉ định của bác sĩ trước khi tiêm thuốc cản quang

1.1 Phụ nữ có thai và cho con bú

Thuốc đối quang từ có thể đi qua nhau thai và bài tiết qua sữa mẹ với một lượng rất nhỏ.

Tuy nhiên hiện chưa có nhiều dữ liệu nghiên cứu về tác hại của thuốc đối với thai nhi khi sử dụng liều thông thường. Mặc dù không có chống chỉ định tuyệt đối với phụ nữ có thai, thuốc đối quang từ chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết để chẩn đoán bệnh. Khi cần thiết, nên sử dụng thuốc có yếu tố nguy cơ thấp.

Với phụ nữ cho con bú, ít hơn 0.04% lượng thuốc được bài tiết vào sữa mẹ trong 24 giờ đầu, ít hơn 1% lượng thuốc trong sữa được hấp thu qua đường tiêu hóa của trẻ, do đó lượng thuốc hấp thu vào người trẻ từ sữa mẹ ít hơn 0.0004% liều thuốc dùng cho mẹ, là lượng thuốc ít hơn nhiều so với liều lượng cho phép ở trẻ sơ sinh. Như vậy nhìn chung thuốc đối quang từ có thể sử dụng an toàn ở phụ nữ cho con bú. Tuy nhiên nếu lo ngại, người mẹ và bác sĩ có thể thảo luận và ngưng cho bú, vắt bỏ sữa trong vòng 24 giờ.

Trong trường hợp người mẹ mang thai hoặc cho con bú nhưng kèm theo suy thận, không nên sử dụng thuốc đối quang từ Gadolinium.

1.2 Trẻ em

Thuốc đối quang từ có thể được dùng cho trẻ em (bao gồm trẻ sơ sinh) với liều tượng tự người lớn (0.1mmol/kg). Tuy nhiên, FDA chấp thuận sử dụng thuốc đối quang từ ở trẻ em cụ thể như bảng sau:

Bảng GBCAs
Bảng GCBAS được FDA chấp thuận sử dụng cho trẻ em

2. Chống chỉ định của thuốc đối quang từ?

Hầu như có rất ít chống chỉ định của thuốc đối quang từ. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong các trường hợp sau thì nên cân nhắc sử dụng thuốc:

  • Có tiền sử dị ứng thuốc đối quang từ gốc gadolinium.
  • Suy thận nặng (độ lọc cầu thận eGFR < 30ml/phút/1.73m2), suy chức năng thận cấp tính, dẫn đến nguy cơ xơ hóa cầu thận.
  • Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.

3. Khoảng cách về thời gian sử dụng thuốc đối quang từ và thuốc cản quang Iod?

Để hạn chế nguy cơ độc thận, có các khuyến cáo sau:

  • Bệnh nhân có chức năng thận bình thường hoặc giảm nhẹ (eGFR >30 ml/phút/1.73m2). 75% cả gadolinium và iốt được đào thải sau 4 giờ. Nên cách khoảng 4 tiếng giữa 2 lần tiêm thuốc tương phản iốt và gadolinium.
  • Bệnh nhân có chức năng thận giảm nặng (eGFR <30 ml/phút/1.73m2), hoặc lọc máu. Nên cách khoảng 7 ngày giữa 2 lần tiêm thuốc tương phản iốt và gadolinium.

4. Khoảng cách về thời gian sử dụng 2 lần thuốc đối quang từ?

  • Bệnh nhân có chức năng thận bình thường hoặc giảm nhẹ (eGFR >30 ml/phút/1.73m2). 75% thuốc tương phản gadolinium ngoại bào được đào thải sau 4 giờ. Nên cách khoảng 4 tiếng giữa 2 lần tiêm thuốc tương phản gadolinium.
  • Bệnh nhân có chức năng thận giảm nặng (eGFR <30 ml/phút/1.73m2), hoặc lọc máu. Nên cách khoảng 7 ngày giữa 2 lần tiêm thuốc tương phản gadolinium.

Bài viết trên có sử dụng tư liệu của một số đồng nghiệp, cũng như có tham khảo tài liệu từ một số trang web chuyên ngành trong và ngoài nước.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan