Thời gian ủ bệnh dịch hạch

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Tùy từng thể bệnh, thời gian ủ bệnh dịch hạch khác nhau, trung bình là 1 - 7 ngày.

1. Bệnh dịch hạch là gì?

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tiến triển cấp tính, có tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn gram âm Yersinia pestis thuộc họ Enterobacteriaceae gây ra, lưu hành trong các loài động vật gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh dịch hạch lây truyền sang người qua trung gian là bọ chét nhiễm khuẩn.

Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: Thể hạch, thể phổi, thể nhiễm khuẩn huyết và thể màng não. Trong đó, thể hạch là thường gặp nhất, chiếm tới hơn 90% các ca bệnh. Dịch hạch là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên tới 30 - 60% nếu không được điều trị.

2. Bệnh dịch hạch lây qua đường nào?

Trong tự nhiên, bệnh dịch hạch lây truyền qua các con đường sau:

  • Qua trung gian bọ chét, đặc biệt là Xenopsylla cheopis: Là con đường phổ biến nhất. Theo đó, bọ chét hút máu vật chủ (chuột), vi khuẩn dịch hạch nhân lên trong tiền dạ dày của bọ chét, làm tắc nghẽn tiêu hóa. Khi bọ chét chuyển sang đốt vật chủ mới thì vi khuẩn sẽ theo vết đốt đi vào vật chủ mới, gây ra sự lan truyền bệnh dịch hạch;
  • Không qua trung gian bọ chét: Do hít vào vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong không khí (do tiếp xúc với người bị dịch hạch thể phổi hoặc vật chủ chết vì dịch hạch) và vi khuẩn dịch hạch xâm nhập trực tiếp qua da (tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh, bị vật nuôi trong nhà cắn hoặc cào, nhân viên các phòng xét nghiệm vi khuẩn dịch hạch,..).
bọ chét
Bệnh dịch hạch lây qua trung gian bọ chét

3. Thời gian ủ bệnh dịch hạch

Thời gian ủ bệnh dịch hạch kéo dài trung bình 1 - 7 ngày, có thể kéo dài thêm vài ngày ở những người đã được tiêm phòng. Riêng bệnh dịch hạch phổi tiên phát thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, trung bình là 1 - 4 ngày.

Thời gian ủ bệnh, toàn phát của các thể dịch hạch như sau:

  • Dịch hạch thể hạch

Ở thời kỳ tiền phát, thời gian ủ bệnh trung bình là 2 - 5 ngày, trường hợp ngắn nhất ủ bệnh chỉ vài giờ và dài nhất ủ bệnh trong khoảng 8 - 10 ngày. Ở giai đoạn ủ bệnh, bệnh chưa có biểu hiện. Nhưng đến thời kỳ khởi phát, bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao, rét run, đau khắp người, đau nhiều ở vùng sắp sưng hạch.

Sau vài giờ hoặc 1 - 2 ngày, bệnh dịch hạch thể hạch chuyển sang giai đoạn toàn phát. Khi chuyển sang giai đoạn toàn phát sẽ gây viêm hạch ở khu vực bị bọ chét đốt, chủ yếu là vùng đùi bẹn, nách, hạch cổ,... Hạch sưng to, rất đau, hóa mủ, tự vỡ, chảy dịch mủ và máu, lâu liền vết thương, nếu thành sẹo sẽ bị co rúm. Khi toàn thân người bệnh bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng sẽ có triệu chứng sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, mê sảng, thiểu niệu, đi ngoài phân lỏng, da niêm mạc xung huyết, mắt đỏ, môi khô,....

Thời gian ủ bệnh dịch hạch
Thời gian ủ bệnh dịch hạch trung bình là 2 - 5 ngày

  • Dịch hạch thể phổi

Dịch hạch thể phổi tiên phát có thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ vài giờ, khởi phát đột ngột, sốt cao 40 - 41°C kèm triệu chứng rét run, mạch nhanh, huyết áp giảm, mệt mỏi, đau đầu, khó chịu,... Chỉ sau vài giờ đến 1 ngày, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng lên, triệu chứng hô hấp (tức ngực, khó thở, thở nhanh và nông, ho có đờm, ho ra máu). Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhanh chóng tiến triển thành phù phổi cấp, khó thở và rối loạn tim mạch nặng, dễ tử vong trong vòng 1 - 2 ngày.

Dịch hạch thể phổi thứ phát thường gặp hơn thể phổi tiên phát, thường xuất hiện do người bệnh không được điều trị hoặc điều trị trễ (sau 3 - 4 ngày). Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau ngực, ho khạc đờm có lẫn máu, tiến triển nhanh chóng đến suy hô hấp cấp và có thể tử vong.

  • Dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết

Với thể này, bệnh khởi phát đột ngột, cấp tính ngay khi hạch ngoại vi chưa sưng. Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc rất nặng: Sốt cao 40 - 41°C, nhiều cơn rét run, tâm thần kích động hoặc li bì, sốt cao, đi ngoài phân lỏng, bụng chướng, rối loạn về tim mạch và hô hấp, xuất huyết da, niêm mạc, phủ tạng, có thể tử vong trong 1 - 2 ngày.

Dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết thứ phát thường xuất hiện sau thể hạch, thể phổi tiên phát không được điều trị, thời điểm bệnh nhân đã suy giảm sức đề kháng. Bệnh dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết thường nặng, diễn biến cấp tính.

Sốt rét
Người bệnh sốt cao kèm cơn rét run

  • Dịch hạch thể da

Tại vùng vi khuẩn Yersinia pestis xâm nhập đầu tiên phát triển thành nốt rát, sau đó thành mụn nước, mụn mủ lẫn máu, ấn vào rất đau. Xung quanh mụn mủ là tổ chức da bị xung huyết, thâm nhiễm, nổi gờ cao lên so với nền da lành. Sau đó, mụn vỡ tạo thành các vết loét, đáy vết loét là nền thâm nhiễm màu vàng, mặt vết loét phủ vảy đen, vết loét lâu lành và lâu liền sẹo.

Sau khi mắc dịch hạch, mỗi người đều có thể cảm nhiễm đối với bệnh. Miễn dịch sau khi khỏi bệnh là tương đối và không thể bảo vệ được nếu bị nhiễm lượng lớn vi khuẩn. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa bệnh dịch hạch bằng cách giữ vệ sinh môi trường sống, diệt chuột, tiêm vắc-xin ngừa dịch hạch,... Khi thấy có triệu chứng nghi ngờ dịch hạch như sốt, nổi hạch trên người,... bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan