Tại sao bạn ngáy và làm thế nào để dừng lại?

Ngủ ngáy là tình trạng thường gặp khiến người mắc bị phàn nàn hoặc trêu chọc dù không cố tình hay nhận thức được. Nhiều người thường coi ngáy là một thói quen khó chịu, nhưng thực tế hành động này có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy người bị ngủ ngáy phải làm sao để dừng lại?

1. Nguyên nhân khiến bạn ngủ ngáy

Tiếng ngáy phát ra là do luồng không khí được hít vào đi qua các mô thư giãn trong cổ họng một cách nhanh chóng, khiến chúng rung lên. Ngủ ngáy là tình trạng rất phổ biến, gặp ở khoảng một nửa số người trường thành. Những yếu tố như cân nặng, sức khỏe và hình dạng miệng... có thể khiến bạn phát ra những âm thanh kỳ lạ khác nhau trong đêm. Một số lý do giải thích tại sao bạn ngủ ngáy và cách chữa cụ thể cho từng trường hợp cụ thể như sau:

1.1. Nghẹt mũi

Tất cả những vấn đề về hô hấp, ngăn cản bạn thở bằng mũi đều có thể tạo tiếng ngáy. Chẳng hạn như nghẹt mũi do cảm lạnh, cảm cúm hoặc dị ứng. Các loại thuốc không kê đơn hoặc miếng dán thông mũi có tác dụng mở đường thở, vừa chữa bệnh vừa là một cách ngủ không ngáy. Tuy nhiên, bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị nghẹt mũi hàng tuần liền không khỏi.

1.2. Nằm ngửa khi ngủ

Tư thế này có thể khiến bạn phát ra tiếng ngáy hoặc làm cho tình trạng ngủ ngáy trở nên tồi tệ hơn. Cách ngủ không ngáy nhất là nằm nghiêng khi ngủ, hoặc xoay người ôm lấy bạn đời nếu cả hai ngủ chung (tư thế úp thìa). Bạn cũng có thể thử lót thêm 2 - 3 chiếc gối xếp chồng lên nhau để tạo không gian hẹp, tránh nằm ngửa khi ngủ. Nếu không hiệu quả, hãy khâu một chiếc túi nhỏ vào lưng áo, sau đó đặt một quả bóng tennis vào đó. Vật cản này sẽ gây khó chịu mỗi khi bạn nằm ngửa ra.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hạn chế nằm ngửa khi ngủ sẽ giúp bạn tránh ngủ ngáy

1.3. Hình dạng của mũi

Mũi đóng vai trò quan trọng quyết định bạn có ngáy hay không. Khi vách ngăn mỏng giữa hai lỗ mũi bị lệch, nghĩa là bên này nhỏ hơn bên kia, sẽ khiến bạn khó thở và gây ngủ ngáy. Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu mũi của bạn bị tổn thương trong một tai nạn. Nếu nghi ngờ mình có vách ngăn lệch trong mũi, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra chắc chắn. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể khắc phục được tình trạng này.

1.4. Hình dạng của miệng

Nếu phần ngạc mềm trong miệng và cổ họng của bạn thấp và dày, sẽ làm thu hẹp đường thở và tạo ra tiếng ngáy. Trường hợp phần lưỡi gà (uvula) ở trên cổ họng của bạn dài hơn bình thường cũng là nguyên nhân dẫn đến ngáy khi ngủ. Những đặc điểm trong miệng này thường là bẩm sinh, nhưng chúng sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu bạn thừa cân. Đôi khi phẫu thuật sẽ là câu trả lời cho trường hợp ngủ ngáy phải làm sao này.

1.5. Một số loại thuốc

Thuốc khiến bạn buồn ngủ (thuốc an thần), thuốc giãn cơ và một số thuốc chống trầm cảm... có tác dụng làm thư giãn lưỡi và các cơ trong cổ họng. Một số dược phẩm khác cũng góp phần gây tăng cân, từ đó làm trầm trọng thêm chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào liệt kê bên trên, đồng thời bị than phiền về tiếng ngáy khi ngủ, hãy nói chuyện với bác sĩ để được thay đổi thuốc và phương pháp điều trị.

Thuốc chống trầm cảm
Một số loại thuốc gây tăng cân và ngủ ngáy

1.6. Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngáy có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng nghiêm trọng hơn, được gọi là ngưng thở khi ngủ. Hiện tượng này khiến bạn liên tục ngừng thở trong một khoảng thời gian ngắn lúc đang ngủ, tạo ra tiếng thở hổn hển hoặc đánh thức bạn dậy trong đêm. Dấu hiệu của hội chứng này bao gồm khô miệng, đau đầu hoặc đau họng vào buổi sáng.

Ngưng thở khi ngủ có thể liên quan đến đột quỵ, huyết áp caobệnh tim, vì vậy hãy gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình đã mắc phải tình trạng này. Chuyên gia y tế thường chỉ định dùng một thiết bị trợ thở trong khi ngủ hoặc phẫu thuật đối với một số trường hợp.

1.7. Ngủ ngáy ở trẻ em

Đôi khi một số trẻ em cũng sẽ ngáy khi ngủ, đặc biệt là nếu bé đang bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Nhưng trong vài trường hợp, trẻ ngủ ngáy có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng ở xoang, họng, phổi hoặc đường thở, thậm chí là ngưng thở khi ngủ. Nếu nhận thấy con bạn ngáy to hầu hết các đêm, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn về tình trạng ngủ ngáy và cách chữa.

cảm lạnh
Cảm lạnh có thể là nguyên nhân gây ngủ ngáy ở trẻ em

1.8. Ngủ ngáy do thai kỳ

Thai phụ cũng có nhiều khả năng ngủ ngáy do đường mũi bị sưng lên, gây khó thở. Tăng cân khi mang thai cũng góp phần ngăn cản cơ hoành đẩy không khí ra / vào phổi. Trong một số trường hợp, ngủ ngáy cũng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, như huyết áp cao thai kỳ. Do đó, nhất là phụ nữ mang thai nên hỏi bác sĩ sản khoa về việc ngủ ngáy phải làm sao.

2. Những cách ngủ không ngáy khác

Khi tiếng ngáy đủ lớn để đánh thức người bạn đời ngủ cạnh, họ thường sẽ nói cho bạn biết điều đó. Nhưng nếu bạn không tin họ hoặc chỉ ngủ một mình, đồng thời muốn biết chắc chắn mình có ngáy khi ngủ không, hãy bật máy ghi âm kích hoạt bằng giọng nói trước khi chìm vào giấc ngủ.

Khi đã xác định được những tiếng ồn mà mình vô thức phát ra trong đêm, suy nghĩ tiếp theo hiện lên trong đầu bạn chắc chắn là “Ngủ ngáy phải làm sao?”. Các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích khác mà bạn có thể tham khảo và thử áp dụng như sau:

2.1. Theo dõi cân nặng

Bạn có khả năng ngáy nhiều hơn nếu thừa cân, đặc biệt khi cổ của bạn lớn hơn 43cm đối với đàn ông hoặc 40cm đối với phụ nữ. Khi bạn tăng cân, cổ trở nên dày hơn, đồng thời cổ họng bị siết chặt, khiến nó thu hẹp khi ngủ và tạo ra tiếng ngáy. Giảm một vài cân sẽ giúp tình trạng ngủ ngáy nằm trong tầm kiểm soát. Nên trao đổi với bác sĩ để có một kế hoạch điều trị ngủ ngáy và cách chữa phù hợp với bản thân.

Béo phì
Những người béo phì có thể tăng nguy cơ ngáy khi ngủ

2.2. Cắt giảm rượu

Giống như một số loại thuốc, rượu bia cũng làm thư giãn cơ lưỡi và cổ họng, dẫn đến ngủ ngáy. Thực tế, việc uống rượu trước khi ngủ không giúp bạn ngủ ngon hơn, mà ngược lại sẽ phá hỏng giấc ngủ của bạn. Rượu gây mất nước ở cổ họng, khiến các cơ yếu hơn và dễ tạo ra tiếng ngáy. Vì vậy, nên hạn chế tiêu thụ thức uống có cồn, đặc biệt là uống gần với giờ đi ngủ.

2.3. Tắm nước ấm dưới vòi hoa sen

Làn nước ấm dưới vòi hoa sen có thể giúp mũi trở nên thông thoáng, nhờ đó bạn sẽ thở dễ dàng hơn và giảm khả năng bị ngáy. Hơn thế nữa, tắm nước ấm dưới vòi sen trước khi đi ngủ còn có công dụng thư giãn, giúp ngủ ngon hơn.

Vòi hoa sen
Tắm vòi hoa sen giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ

2.4. Giữ cho phòng ngủ ẩm và sạch sẽ

Hãy tìm đặt một cặp cây làm sạch không khí trong phòng và bật ánh sáng nhẹ khi ngủ. Thường xuyên thay gối và ga trải giường, nhất là mỗi tuần một lần, để giảm bụi và chất gây dị ứng tích tụ, nhất là khi có vật nuôi. Ngoài ra, hãy cân nhắc mua một chiếc máy tạo phun sương tạo ẩm và đặt ở vị trí phù hợp. Cách này sẽ giúp mũi thông thoáng và chấm dứt ngáy ngủ.

Nhiều người đã áp dụng thành công những cách ngủ không ngáy được liệt kê trong bài và nhận thấy hiệu quả. Nhưng nếu bạn là người ngáy ngủ lâu năm và không thể tìm ra cách khắc phục ngủ ngáy phải làm sao, hãy đến khám bác sĩ vì lợi ích sức khỏe của chính mình cũng như người thân bên cạnh.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan