Sốc kéo dài có thể dẫn đến hội chứng suy đa phủ tạng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.

Hội chứng suy đa phủ tạng được định nghĩa là khi chức năng của các cơ quan bị thay đổi ở bệnh nhân mắc bệnh nặng và cân bằng nội môi không thể bù trừ được. Tình trạng này thường nguy cấp, ảnh hưởng đến tiên lượng nội viện và đòi hỏi người bệnh cần được chăm sóc toàn diện tại khoa hồi sức tích cực, nhất là nhanh chóng điều chỉnh tình trạng sốc do bất kỳ nguyên nhân nào.

1. Hội chứng suy đa phủ tạng do sốc kéo dài là gì?

Sốc được định nghĩa là tình trạng thiếu oxy tại tế bào và mô do giảm cung cấp oxy, tăng tiêu thụ oxy, sử dụng oxy không đủ hoặc sự kết hợp các quá trình này. Đây là hệ quả của suy tuần hoàn, biểu hiện dưới dạng hạ huyết áp, nghĩa là có giảm tưới máu mô. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng một bệnh nhân bị sốc vẫn có thể có biểu hiện ban đầu là tăng huyết áp hay huyết áp bình thường nhưng khả năng cung cấp oxy đã trở nên không đủ để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của tế bào.

Trong thực hành lâm sàng, sốc được tiếp cận theo phân loại, sinh lý bệnh chính hoặc biểu hiện lâm sàng. Trong đó, phân loại sốc là cách thức hữu ích nhất, vì vừa gợi ý nguyên nhân và quá trình sinh lý bệnh của rối loạn cơ bản, vừa giúp định hướng điều trị cho bệnh nhân ra khỏi sốc và khôi phục quá trình chuyển hóa của tế bào. Sốc được phân loại thành 4 nhóm chính: Sốc giảm thể tích (mất máu cấp, ỉa chảy cấp...), sốc do tim (nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim...), Sốc do tắc nghẽn ngoài tim (tắc động mạch phổi, động mạch chủ..), Sốc do rối loạn phân bố (Sốc nhiễm khuẩn, sốc thần kinh...)

Mặc dù tác động của sốc ban đầu có thể đảo ngược, nếu không thể đảo ngược tình trạng này một cách nhanh chóng, sốc kéo dài sẽ dẫn đến suy đa cơ quan và tăng nguy cơ tử vong. Cụ thể là suy đa phủ tạng hay còn gọi là hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan là tình trạng suy giảm chức năng của các hệ thống cơ quan của cơ thể với các bằng chứng lâm sàng và sinh hóa sau một chấn thương hoặc bệnh cấp tính và sốc kéo dài cũng là một nguyên nhân.

Sự khởi đầu của biến chứng này thường xảy ra trên một hệ cơ quan nhưng nếu cơ thể không thể nhanh chóng bù trừ, các hệ cơ quan khác cũng sẽ bị ảnh hưởng liên hoàn sau đó. Hệ quả là suy đa phủ tạng đóng góp vào khoảng 50% số ca tử vong tại khoa hồi sức. Tuy nhiên, nếu được điều chỉnh tích cực kịp thời và đúng đắn, người bệnh có thể cải thiện được hoàn toàn mà không để lại di chứng gì.

Hôn mê
Người bệnh có thể suy đa tạng và có nguy cơ tử vong do sốc

2. Các nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng suy đa phủ tạng do sốc kéo dài là gì?

Hầu như bất kỳ lý do nào thúc đẩy người bệnh rơi vào tình trạng sốc đều có thể dẫn đến biến chứng suy đa phủ tạng:

Truyền máu
Truyền máu nhiều lần có thể dẫn đến hội chứng suy đa phủ tạng do sốc kéo dài

3. Cách tiếp cận hội chứng suy đa phủ tạng do sốc kéo dài như thế nào?

Hội chứng suy đa phủ tạng là bệnh cảnh nặng nề, mức độ biểu hiện toàn thân nên cần được tiếp cận trong các hội chứng bệnh nguyên gây ra sốc và dẫn đến biến chứng này. Do đó, bác sĩ khi tiếp cận hội chứng suy đa phủ tạng do sốc kéo dài cần nhận định được các bệnh cảnh sau đây:

  • Sự hiện diện của phản ứng viêm toàn thân và rối loạn chức năng của ít nhất hai hệ cơ quan với mức độ có thể nhẹ hoặc nặng hay có thể dẫn đến tử vong.
  • Rối loạn chức năng của các hệ cơ quan được biển hiện bằng:
  • Tổn thương thận cấp tính và nhiễm toan chuyển hóa máu
  • Hội chứng nguy kịch hô hấp (ARDS)
  • Bệnh lý cơ tim
  • Bệnh lý não
  • Rối loạn chức năng đường tiêu hóa với các biểu hiệu của: Tăng tính thấm thành ruột do độc tố của vi khuẩn và nội độc tố, giảm nhu động ruột, viêm tụy cấp, loét niêm mạc dạ dày ruột do căng thẳng, viêm túi mật phản ứng, thiếu máu cục bộ tại ruột hay nhồi máu ruột.
  • Rối loạn chức năng gan
  • Rối loạn đông máu và ức chế tủy xương tạo các dòng tế bào máu.
Đau bụng buồn nôn khi tiếp xúc chất cồn
Viêm tụy cấp là biểu hiện của rối loạn chức năng đường tiêu hóa có thể gây suy đa phủ tạng

4. Làm sao để điều trị hội chứng suy đa phủ tạng do sốc kéo dài?

Khi một bệnh nhân bị sốc mà chưa thể phân biệt được nguyên nhân, điều quan trọng là bác sĩ lâm sàng cần ngay lập tức bắt đầu trị liệu trong khi xác định nguyên nhân để có thể giúp bệnh nhân ra khỏi bệnh cảnh nguy kịch này. Trong đó, việc nhận biết sớm là điểm mấu chốt quyết định thành công của việc điều trị.

Các bệnh nhân khi được phát hiện thấy các dấu hiệu của sốc và suy đa phủ tạng sẽ cần được chăm sóc tích cực tại khoa hồi sức với các liệu pháp cụ thể theo nguyên nhân và nâng đỡ toàn diện, bao gồm:

  • Liệu pháp kháng sinh đối với sốc nhiễm trùng hay ngay khi nghi ngờ có yếu tố bội nhiễm nhằm kiểm soát sớm các ổ viêm. Can thiệp ngoại khoa như cô lập, dẫn lưu, súc rửa nếu có chỉ định.
  • Hồi sức bù dịch nhằm đảm bảo thể tích tuần hoàn hiệu quả trong sốc do giảm thể tích. Nếu người bệnh mất máu cấp tính với số lượng lớn thì cần được bù máu toàn phần hay hồng cầu lắng. Tuy nhiên, nếu các chế phẩm máu phù hợp chưa sẵn có, cần thay thế bằng dung dịch tinh thể hay dung dịch cao phân tử.
  • Chỉ định sớm các loại thuốc vận mạch, thuốc tăng co bóp cơ tim nếu nghi ngờ sốc phản vệ, sốc phân bố hay sốc tim. Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp này chỉ đạt được khi đảm bảo thể tích lòng mạch. Do đó, cần đảm bảo lượng dịch tuần hoàn hiệu quả thông qua các thông số của dấu hiệu sinh tồn, cân bằng nước xuất nhập và tránh quá tải dịch.
  • Hỗ trợ chức năng các cơ quan với các thiết bị y tế như máy thở, bóng đối xung động mạch chủ, lọc máu liên tục hay tuần hoàn ngoài cơ thể.
  • Kiểm soát nồng độ glucose trong máu, duy trì trong khoảng an toàn là từ 6 đến 10 mmol/L.
  • Đảm bảo đầy đủ năng lượng và cân đối nguồn dinh dưỡng. Khuyến khích con đường nuôi ăn là qua dạ dày ruột.
  • Tìm kiếm và điều trị nguyên nhân cơ bản, bệnh đi kèm và các biến chứng do sốc hay suy đa phủ tạng gây ra.
Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Nhanh chóng xử trí theo nguyên nhân gây sốc như chỉ định dùng thuốc phù hợp với bệnh trạng

5. Tiên lượng của hội chứng suy đa phủ tạng do sốc kéo dài như thế nào?

Một khi người bệnh đã rơi vào tình trạng sốc kéo dài dẫn đến hội chứng suy đa phủ tạng thì tiên lượng thường khá nặng nề. Tình trạng sốc kéo dài có thể là do không được nhận biết sớm hay các can thiệp y tế tức thời thất bại, diễn tiến thiếu oxy tại mô nguy cấp hơn và cuối cùng là suy tạng.

Các thống kê cho biết tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân sốc kéo dài và đã có biến chứng suy đa phủ tạng lên đến 60 đến 98%. Trong đó, trụy tuần hoàn thường là yếu tố nguy kịch cuối cùng. Nếu còn sống sót, có khoảng 50% những người bị suy đa phủ tạng sẽ khó trở lại làm việc hoặc hoạt động bình thường sau 1 năm theo dõi. Tuy nhiên, luôn có không ít các trường hợp lại có cơ hội hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị thoát sốc và nâng đỡ chức năng của các hệ cơ quan.

Tóm lại, sốc kéo dài có thể dẫn đến hội chứng suy đa phủ tạng là một biến chứng đáng sợ đối với các bệnh nhân tại khoa hồi sức. Đây cũng là một điều cảnh báo cho các bác sĩ khi tiếp cận bệnh nhân ngay từ khi có dấu hiệu dự báo sốc. Chỉ khi phát hiện sớm và kịp thời điều chỉnh, tiên lượng người bệnh mới trở nên khả quan hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

454 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan