Phân tuyến điều trị bỏng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Bỏng là một thương tổn thường gặp, có tính chất cấp tính, cần được xử lý ngay tại hiện trường xảy ra bỏng, tại tuyến cơ sở và tại các tuyến trung tâm bỏng. Mỗi tuyến có vai trò khác nhau, nhưng điều có tác dụng lên bệnh nhân bỏng. Cho nên, tuyến y tế nào thì điều trị bỏng mức độ nào cần phải được cân nhắc.

1. Tại hiện trường bỏng: Tiến hành sơ cứu

  • Nhanh chóng đưa nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng: dập lửa, tắt nguồn điện, cởi bỏ áo quần đang cháy,...
  • Ngâm nước hay xối nước lên vùng bỏng của bệnh nhân khoảng 15 phút.
  • Phòng sốc: cho uống nhiều nước nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, thực hiện các biện pháp tối khẩn như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực khi cần thiết.
  • Băng tạm vết thương bỏng.
  • Khẩn trương chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế.

2. Y tế tuyến cơ sở: Cấp cứu và xử trí chung

  • Cấp cứu và hồi sức sốc bỏng và các biến chứng cấp khác như các đa chấn thương, vết thương có nguy cơ đe dọa tính mạng đi kèm.
  • Xử trí kỳ đầu tổn thương, chẩn đoán diện tích và độ sâu tổn thương bỏng.Tiến hành các phẫu thuật, thủ thuật cấp cứu như rạch vết hoại tử, cắt cụt chi, mở khí quản, khâu vết thương cầm máu, bất động chi gãy......
Bỏng
Hình 1: Rạch hoại tử bỏng

Phân loại bệnh nhân: Nếu bỏng nhẹ, nông ( S < 10% với người lớn, S < 5% với trẻ em), không có bệnh phối hợp hay tổn thương phối hợp nặng thì có thể giữ lại điều trị tại tuyến cơ sở. Người lớn có bỏng sâu S < 5% và có bác sĩ chuyên khoa bỏng thì có thể giữ lại điều trị.

Trẻ em có bỏng sâu thì dù diện tích nhỏ cũng nên chuyển tuyến có chuyên khoa bỏng. Đối với bỏng nặng, bỏng sâu S > 5% hay phối hợp bỏng ở những vị trí đặt biệt như bỏng mắt, bàn tay, bộ phận sinh dục, bỏng hô hấp, tiêu hóa thì chuyển tuyến chuyên khoa.

  • Điều trị tại tuyến y tế cơ sở:

Các bệnh viện tuyến cơ sở nếu chưa có khoa bỏng, khi điều trị bỏng cần có phòng bệnh và phòng thay băng riêng để tránh nhiễm khuẩn vết bỏng. Phòng thay băng cần có các thuốc thay băng, thuốc xử lý các tác nhân gây bỏng như bỏng hóa chất, bỏng điện, nếu có điều kiện nên tổ chức thành 1 buồng bệnh nhân nặng, 1 buồng bệnh nhân nhẹ.

Khi bệnh nhân còn sốc, nên điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu, khi thoát sốc mới chuyển về khu nội trú.

Thay băng trong bỏng cần giảm đau tốt, có thể dùng đến thuốc tiền mê nhưng thay đổi loại giảm đau tránh gây nghiện vì phải thay băng trong thời gian rất dài.

Phẫu thuật bỏng; cắt lọc bỏng, ghép da khi có chỉ định.

3. Tại các cơ sở chuyên khoa bỏng

  • Điều trị bỏng nặng, bỏng các cơ quan đặc biệt ( mắt, bàn tay, bộ phận sinh dục, bỏng hô hấp, bỏng tiêu hóa ...).
  • Triển khai các hoạt động điều trị chuyên sâu về bỏng.
  • Phẫu thuật bỏng.
  • Vật lý trị liệu phục hồi sau bỏng.
  • Giám định y khoa về bỏng.

4. Điều trị ngoại trú

Bệnh nhân được điều trị ngoại trú khi đồng thời thỏa mãn các yếu tố sau:

  • Bỏng độ I,II dưới < 5% diện tích cơ thể.
  • Không bỏng ở cơ quan đặc biệt.
  • Không nhiễm độc CO, hóa chất.
  • Không có bệnh phối hợp phức tạp.
  • Không có biến chứng nặng như nhiễm khuẩn bỏng.
  • Bệnh nhân khi điều trị ngoại trú cần tuyệt đối tuân thủ lời dặn bác sĩ và tái khám ngay khi có triệu chứng bất thường như: sốt, chảy mủ từ vết bỏng, ăn kém, đái ít.....

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan